Hà Giang: Nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ ba, 29/08/2023 08:20
(ĐCSVN) - Bằng nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhận thức của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang về bình đẳng giới đã có bước chuyển biến rõ nét, từng bước thu hẹp khoảng cách giới; tỷ lệ phụ nữ nghèo nông thôn, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với nguồn lực kinh tế, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và đào tạo, thông tin và truyền thông ngày càng được nâng lên.
 Hội nghị tập huấn triển khai thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang tổ chức tháng 10/2022. (Ảnh: Phùng Thương).

Là tỉnh miền núi biên giới còn nhiều khó khăn do tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao (hộ nghèo chiếm tỷ lệ 37,08%, hộ cận nghèo 12,87%), Hà Giang có dân số trên 89,2 vạn người trong đó dân số nữ chiếm 49,5%, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 87,7%.

Với đặc thù là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thực tế cho thấy, mức sống của các tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh còn thấp; trình độ dân trí chưa đồng đều; hơn nữa, quan niệm, tư tưởng coi trọng nam giới còn khá phổ biến; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và một số hủ tục lạc hậu còn tồn tại trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số còn hạn chế về trình độ, kiến thức, bị ràng buộc bởi khuôn mẫu, định kiến, quan niệm, phong tục tập quán lạc hậu.

Trước thực trạng đó, những năm qua, công tác bình đẳng giới luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Hà Giang, sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, giáo dục và đào tạo, y tế đến văn hóa thông tin trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương cũng được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, nhất là trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ đó, nhận thức của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang về bình đẳng giới từng bước có sự chuyển biến tích cực.

Đa dạng hình thức, nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới

Bảo đảm công tác bình đẳng giới, tỉnh Hà Giang tập trung thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tầm quan trọng của công tác bình đẳng giới đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Thông qua các hoạt động truyền thông, những chủ trương, chính sách có liên quan đến công tác bình đẳng giới trên các lĩnh vực đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Năm 2022, tỷ lệ người dân ở các cụm dân cư được tuyên truyền về bình đẳng giới đạt 52%; tỷ lệ tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới đạt 80%.

Thực hiện Kế hoạch Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động lồng ghép công tác tuyên truyền về bình đẳng giới trong kế hoạch hoạt động chuyên môn, thông qua các chương trình tập huấn, hội nghị, giao ban, đọc báo đầu giờ,... Điển hình như, thành phố Hà Giang tuyên truyền trên Đài phát thanh được 125 lượt, trên hệ thống FM giao thông được 21 lượt, Trang thông tin điện tử được 11 tin bài, tuyên truyền bằng xe lưu động được 14 lượt, tuyên truyền tại tổ dân phố, thôn bản được 475 cuộc với 20.785 người tham gia. Huyện Đồng Văn có 100% tỷ lệ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và 80% người dân ở khu cụm dân cư được tuyên truyền về bình đẳng giới. Huyện Mèo Vạc lồng ghép tuyên truyền được 155 cuộc với 34/872 người nghe, tuyên truyền bằng loa di động được 316 cuộc với trên 25.700 người nghe. Huyện Xín Mần phát hành 3.000 tờ gấp tuyên truyền về bình đẳng giới tại các hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở. Huyện Yên Minh phổ biến quán triệt chính sách pháp luật về bình đẳng giới cho 10.000 người. Sở Văn hoá - Thể thao & Du lịch tỉnh Hà Giang tổ chức 2.564 buổi tuyên truyền miệng, 2.700 buổi trên các phương tiện thông tin đại chúng; Sở Y tế tổ chức tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh trên hệ thống loa ở xã được 1.216 lượt; Sở Thông tin và Truyền thông ban hành 02 văn bản chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới;

Các hội, đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội Nông dân các cấp tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, thông qua các cuộc nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, tuyên truyền trực tiếp tại chợ phiên… Năm 2022, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã tuyên truyền 2.000 cuộc với sự tham gia của trên 45.000 hội viên tham gia; Ban Dân tộc tỉnh thành lập các tổ truyền thông tại cộng đồng, tổ chức các hội nghị truyền thông cho 400 người,…

Tỉnh cũng chú trọng đầu tư trang thiết bị, phương tiện thông tin tuyên truyền; đa dạng hoá các loại hình, tài liệu, sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới phù hợp với bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với từng nhóm đối tượng và địa bàn dân cư; lồng ghép các nội dung về bình đẳng giới vào các thiết chế văn hóa thôn bản và văn hóa xã; đưa tiêu chí bình đẳng giới vào việc chấm điểm công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và bình xét danh hiệu “gia đình văn hóa”, “làng văn hóa” hàng năm.

 Nhận thức của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang về bình đẳng giới từng bước có sự chuyển biến tích cực.

Bình đẳng giới phải được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực

Xác định công tác bình đẳng giới phải được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, giáo dục và đào tạo, y tế đến văn hóa thông tin, cấp ủy chính quyền cấp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh công tác bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó dần khẳng định vai trò và vị thế của người phụ nữ trên mọi mặt đời sống xã hội.

Trong lĩnh vực chính trị, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 04/3/2022 về thực hiện Chương trình Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030 tỉnh Hà Giang. Theo đó, quy định một số biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới như về độ tuổi, tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý chính quyền các cấp phải đạt từ 40% vào năm 2025; các cơ quan, đơn vị phải có cán bộ nữ trong quy hoạch; lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND các cấp có ít nhất 01 cán bộ nữ, 85% các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh phải có lãnh đạo là nữ; ban hành và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó quy định tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý được đào tạo, bồi dưỡng phải đạt 75% vào năm 2025.

Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, tỉnh Hà Giang đề ra các chỉ tiêu phấn đấu tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030; giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 68% vào năm 2025 và dưới 60% vào năm 2030; tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 20% vào năm 2025 và đạt 30% vào năm 2030.

Để đạt được chỉ tiêu trên, Hà Giang tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 và các chương trình, kế hoạch về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, lồng ghép, triển khai thực hiện có hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và nông thôn mới. Thực hiện tốt việc cho vay vốn hỗ trợ việc làm, tăng cường huy động vốn từ các chương trình dự án để tạo nguồn vốn cho nhân dân vay với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo nông thôn, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế và thị trường lao động.

Nhiều hoạt động bảo đảm bình đẳng giới trong gia đình, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cũng được tỉnh nỗ lực triển khai như: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và phòng chống bạo lực gia đình; xây dựng, sửa đổi hương ước, quy ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới; đưa tiêu chí bình đẳng giới vào việc chấm điểm công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và bình xét, công nhận danh hiệu “gia đình văn hóa”, “làng văn hóa”. Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ; triển khai Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang"; các mô hình, Câu lạc bộ “Phòng chống bạo lực gia đình”, nhà tạm lánh, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, nhằm hỗ trợ, bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em…

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ cũng được chú trọng như: Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được đi học, được tiếp cận, hưởng thụ các chính sách về giáo dục và đào tạo; đặc biệt là công tác xoá mù chữ, phổ cập giáo dục cho đồng bào các dân tộc thiểu số; huy động nhiều nguồn lực để xây dựng trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên, công trình vệ sinh, nước sinh hoạt cho các trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Các hoạt động nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng được đẩy mạnh như: Tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp của kế hoạch về thực hiện Chiến lược dân số giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang và Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2022-2025; tăng cường tuyên truyền nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tỷ lệ nạo phá thai và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh do việc lựa chọn giới tính thai nhi; tổ chức các đợt tuyên truyền "nam giới hãy chia sẻ với phụ nữ trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm lo giáo dục con cái";…

Với nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính  trị, việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới trên các lĩnh vực ở Hà Giang đã có những tiến bộ rõ nét. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khoá XV của tỉnh đạt 50% (tăng 25% so với khoá XIV, không tính đại biểu Trung ương); tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đạt 38,77% (tăng 5,47% so với nhiệm kỳ 2016-2021). Về tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt ở chính quyền các cấp, nữ lãnh đạo chủ chốt Hội đồng nhân dân tỉnh có 01 người; nữ lãnh đạo chủ chốt Ủy ban nhân dân tỉnh có 01 người; số các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có nữ lãnh đạo chủ chốt là 9/22, chiếm tỷ lệ 40,9%; số huyện, thành phố có nữ lãnh đạo chủ chốt HĐND hoặc UBND là 5/11, đạt tỷ lệ 45,5%; số xã có nữ lãnh đạo chủ chốt (HĐND, UBND) là 117/193 đạt tỷ lệ 60,6%.

Tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức khác, hàng năm đạt 100%. Năm 2022, tỷ lệ người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản đạt 100%; 100% các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh duy trì, lồng ghép nội dung về giới, bình đẳng giới trong chương trình giảng dạy; tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt trên 89,3%; tỷ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt 78,5%; tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới đào tạo nghề trong năm đạt 48,5%; tỷ lệ nữ thạc sĩ 36,0%; nữ tiến sĩ đạt 30,4%...

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang nhìn nhận, các hoạt động triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, chính sách pháp luật về bình đẳng giới chưa sâu rộng, chưa thường xuyên, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Một số nơi, cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về bình đẳng giới; vấn đề bạo lực gia đình còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và tính mạng của phụ nữ, trẻ em gái. Việc lồng ghép giới, lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong xây dựng, thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành còn hạn chế.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách pháp luật về bình đẳng giới, Hà Giang đề xuất tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành và trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, ban hành hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật Bình đẳng giới, trong thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Kiện toàn tổ chức bộ máy; xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ nghiệp vụ, tâm huyết với công tác bình đẳng giới; bồi dưỡng kỹ năng phân tích, đánh giá, lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, hoạch định chính sách, xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành.

Cùng với đó, nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ kinh phí hoạt động bình đẳng giới cho các tỉnh miền núi có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khó khăn. Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong thực hiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới, đồng thời có chế tài xử phạt nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện, hoặc vi phạm pháp luật bình đẳng giới…

Năm 2022, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Hà Giang được triển khai thực hiện với các hình thức, nội dung đa dạng; nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới đã có bước chuyển biến tích cực; có sự phối hợp của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện công tác bình đẳng giới; các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới từng bước được triển khai; các mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 được triển khai đồng bộ; tỷ lệ phụ nữ nghèo nông thôn, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với nguồn lực kinh tế, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và đào tạo, thông tin và truyền thông ngày được nâng lên.

Các mục tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 được triển khai đồng bộ; tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống từng bước được khống chế; tỷ lệ phụ nữ nghèo nông thôn, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với nguồn lực kinh tế, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và đào tạo, thông tin và truyền thông ngày được nâng lên…

Theo Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về đẳng giới trên địa bàn tỉnh Hà Giang năm 2022


ĐP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực