Hà Giang: Trao cơ hội bình đẳng để phụ nữ DTTS vươn lên làm chủ cuộc sống

Thứ bảy, 30/09/2023 07:35
(ĐCSVN) - Để thúc đẩy công tác bình đẳng giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới và những hủ tục trong gia đình, cộng đồng; củng cố, nâng cao chất lượng các địa chỉ tin cậy cộng đồng; duy trì hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”…
 Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em nhằm đẩy mạnh, chăm lo đến đối tượng phụ nữ và trẻ em DTTS, thúc đẩy quyền, trao cơ hội cho họ vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể của mình trong tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng. (Ảnh: Nguyễn Sơn Tùng)

Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em

Đây là dự án đặc thù về giới được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhằm đẩy mạnh, chăm lo đến đối tượng phụ nữ và trẻ em DTTS, thúc đẩy quyền, trao cơ hội cho họ vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể của mình trong tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng. Tại tỉnh vùng cao còn nhiều khó khăn như Hà Giang - địa bàn có đến hơn 87% đồng bào là dân tộc thiểu số sinh sống, thời gian qua, các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới đã và đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tích cực triển khai, qua đó tạo nên “luồng gió mới” góp phần thay đổi cuộc sống của chị em hội viên trên vùng cao nguyên đá.

Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện dự án, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Hà Giang đã tập trung triển khai 4 nội dung trọng tâm là: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Cùng với đó, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; đồng thời, trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.

Trong quá trình thực hiện, các cấp Hội đã kịp thời bố trí nhân sự, chỉ đạo, điều hành thực hiện; thành lập Ban quản lý dự án; đồng thời tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện, hướng dẫn cơ sở triển khai theo các nội dung cụ thể.

Đồng chí Chu Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Giang cho biết: Từ năm 2021 đến nay, các cấp Hội đã tích cực thông tin, tuyên truyền về các nội dung, hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang Thông tin điện tử Hội LHPN tỉnh, qua hệ thống loa truyền thanh tại các xã, thị trấn, cụm dân cư và trên các nhóm zalo, fanpage của các cấp Hội. Song song với đó, chú trọng tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội và các ngành, đoàn thể của huyện, xã và người có uy tín trong cộng đồng về bình đẳng giới và thực hiện lồng ghép giới.

Điểm tích cực là cán bộ Hội đã thường xuyên nắm bắt tình hình, có giải pháp đa dạng hóa hình thức tập hợp chị em vùng đồng bào DTTS thông qua việc thành lập, duy trì hoạt động của các tổ truyền thông cộng đồng; phát động các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới; các hội thi, liên hoan các mô hình sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ và trẻ em. Đến nay, các cấp Hội đã thành lập được 698 Tổ truyền thông cộng đồng với 4.758 thành viên; tổ chức 28 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập, vận hành Tổ truyền thông cộng đồng; 24 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên Tổ truyền thông cộng đồng; 684 cuộc truyền thông tại các thôn, bản.

Hội LHPN các huyện đã phối hợp tổ chức được 82 buổi truyền thông cộng đồng với 13.812 người tham dự tại các xã và trường học, trong đó huyện Vị Xuyên tổ chức 12 cuộc truyền thông về xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, huyện Hoàng Su Phì tổ chức 24 buổi truyền thông phòng chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống bằng hình thức sân khấu hóa; huyện Quản Bạ tổ chức 16 buổi truyền thông về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến cho 7.000 giáo viên, học sinh; huyện Bắc Quang xây dựng 3 chương trình truyền thanh và 4 phóng sự truyền hình phát trên Đài PT-TH huyện.

Đặc biệt, Hội LHPN huyện Vị Xuyên và một số xã trên địa bàn huyện cũng đã tổ chức 04 Hội thi tìm kiếm giải pháp sáng tạo, hiệu quả trong truyền thông; Hội LHPN huyện Yên Minh tổ chức 03 Hội thi với 140 thí sinh tham gia thi dưới hình thức sân khấu hoá tại các phiên chợ về xoá bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình, các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.

Sau gần 3 năm thực hiện, đã có 365 buổi truyền thông được tổ chức với 7.470 người tham dự để chia sẻ kiến thức về sinh đẻ an toàn, các gói hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Hội LHNP tỉnh đã ra mắt 131 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi" với 2.409 thành viên; tổ chức 11 lớp tập huấn cho 348 người về triển khai các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS; 3 lớp tập huấn cho 149 người hướng dẫn giám sát, đánh giá công tác bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em cho cán bộ Hội LHPN huyện, xã.

 Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Chu Thị Ngọc Diệp trao phần thưởng cho các hội viên giành giải tại Ngày phụ nữ khởi nghiệp năm 2022. (Ảnh: Thu Phương)

Từng bước vươn lên, khẳng định vị thế trong xã hội

Xác định hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế là đòn bẩy thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực, các cấp Hội tiếp tục hỗ trợ và duy trì hoạt động hiệu quả 548 tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế; giới thiệu việc làm cho 4.574 lao động nữ; thực hiện tốt phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, xóa đói giảm nghèo. Thực hiện các chính sách ưu đãi hỗ trợ về phát triển kinh tế, các cấp Hội đã tuyên truyền và hỗ trợ hội viên phụ nữ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi khác để phát kinh tế. Năm 2022, tổng các nguồn vốn do Hội quản lý là trên 1.164 tỷ đồng cho 26.338 hội viên vay vốn phát triển kinh tế.

Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các đơn vị vận động được trên 2,1 tỷ đồng hỗ trợ sinh kế, tặng quà cho phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn các xã biên giới. Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Hà Giang thời kỳ mới: Tích cực học tập, năng động, sáng tạo giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc”; Cuộc vận động “Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông”, toàn tỉnh mở được 78 lớp xóa mù chữ cho 1.494 chị em hội viên. Duy trì và thành lập 649 câu lạc bộ về xây dựng gia đình hạnh phúc.

Thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025, Hội LHPN tỉnh đã chủ động, tích cực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp phát triển kinh tế bằng nhiều phương thức như: hỗ trợ vốn, kiến thức, giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ thủ tục đăng ký nhãn hiệu, thành lập hợp tác xã; tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm; tạo điều kiện cho chị em tham gia trưng bày sản phẩm tại các ngày hội phụ nữ khởi nghiệp hàng năm. Gần đây nhất, tại vòng chung kết cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp vùng khu vực miền Bắc năm 2023 trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, 3 dự án của Hội LHPN tỉnh Hà Giang đều vinh dự được nhận giải gồm: dự án "Ươm, trồng cây Giang rừng" của chị Đinh Thị Thu (huyện Bắc Quang) giành giải Nhì; dự án "Phát triển cây đậu tương bản địa thành vùng nguyên liệu cho cơ sở chế biến đậu natto xuất khẩu" của chị Ly Thị Sóng (huyện Hoàng Su Phì) và dự án "Giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa nghề thêu dệt thổ cẩm cải thiện đời sống cho cộng đồng người dân tộc Pà Thẻn" của chị Tải Thị Mai (huyện Quang Bình) giành giải Khuyến khích.

Ngoài ra, các cấp Hội còn thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu tổ chức Hội với hội viên phụ nữ để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, những vướng mắc của chị em liên quan đến việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, việc làm, pháp luật… đề xuất, kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền. Thực hiện hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội đáp ứng nhu cầu cần thiết của phụ nữ; đề xuất tham gia xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới…

Theo đồng chí Chu Thị Ngọc Diệp, các hoạt động, chương trình đồng hành cùng hội viên phụ nữ thời gian qua giúp chị em hội viên ngày càng tự tin, chủ động, dần làm chủ cuộc sống của mình; qua đó từng bước nâng cao quyền năng cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của phụ nữ DTTS. Vượt qua những khó khăn, rào cản của đói nghèo và những hủ tục, hội viên phụ nữ Hà Giang đang từng ngày học tập, vươn lên, dần khẳng định vai trò, vị trí của mình trong xã hội.

“Trao quyền nhiều hơn cho phụ nữ dân tộc cũng chính là nâng cao vị thế của họ trong gia đình và cộng đồng; từ đó khơi dậy tiềm năng vốn có của phụ nữ, đây cũng chính là cơ hội và nguồn lực để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh” - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Giang nhấn mạnh.

Kết quả cho thấy, với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, hàng năm, tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề đạt trên 60%, được tạo việc làm đạt trên 40%; cán bộ nữ trong lĩnh vực y tế đạt 62,35%; tỷ lệ nữ trong lĩnh vực giáo dục đạt 71,15%; học sinh nữ các cấp đạt 47,65%; hầu hết trẻ em nữ đều được tạo điều kiện đến trường đúng độ tuổi. Về công tác cán bộ nữ, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng; nhiều cán bộ nữ đã được tín nhiệm giao giữ những trọng trách quan trọng trên cương vị lãnh đạo, quản lý. Trong đó, đối với các chức danh thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý, cán bộ nữ có 63/395 đồng chí; có 7 đồng chí cán bộ nữ tham gia BCH Tỉnh ủy, 2 đồng chí tham gia BTV Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025. Cán bộ nữ tham gia các chức danh lãnh đạo Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND và UBND, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh có 3/10 đồng chí. Đối với cấp huyện, cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có 23/161 đồng chí; tham gia giữ chức danh bí thư, phó bí thư, lãnh đạo HĐND và UBND huyện có 7/78 đồng chí…

Tuy nhiên, cũng theo chia sẻ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang, khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong triển khai các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em là các địa phương nằm trong vùng triển khai dự án đều thuộc xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dẫn đến việc tập hợp vận động, thông tin đến người dân khá vất vả. Trình độ dân trí chưa đồng đều; việc nghe và nói tiếng phổ thông của chị em hội viên còn rất hạn chế. Một số địa phương có các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, các làng nghề nổi tiếng đều đã được các huyện, xã lựa chọn để đầu tư xây dựng các sản phẩm OCOP trong những năm vừa qua. Do đó, việc lựa chọn được các điểm xây dựng mô hình kinh tế của tổ, nhóm phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn.

Từ nay đến cuối năm, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới và những tập tục văn hóa có hại trong gia đình và cộng đồng; triển khai 04 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ phụ nữ DTTS ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS trong sản xuất và kết nối thị trường cho các sản phẩn nông sản và khảo sát, thí điểm hỗ trợ phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán người. Củng cố, nâng cao chất lượng các địa chỉ tin cậy cộng đồng; đẩy mạnh việc tổ chức đối thoại ở cấp xã và cụm thôn; duy trì hoạt động có hiệu quả các CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”.

Theo kế hoạch, Hội LHPN tỉnh sẽ tổ chức 10 cuộc giám sát và đánh giá về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em tại 10 huyện. Tiếp tục tổ chức 17 lớp tập huấn về lồng ghép giới cho cán bộ huyện, xã; 14 lớp tập huấn cán bộ thôn, bản, người có uy tín trong cộng đồng; 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, cán bộ nữ mới bổ nhiệm, cán bộ nữ trúng cử lần đầu của cấp huyện, xã./.

Phương Nghi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực