Hạn chế tác động của biến đổi khí hậu đến bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số

Thứ ba, 26/09/2023 13:20
(ĐCSVN) - Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới. Các bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức rõ ràng về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu, giới và sức khỏe. Phụ nữ thường được coi là nạn nhân và ít được coi là “đối tượng chủ động trong thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là một trong 5 nước thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Khoảng 74% đất nông nghiệp, 80% người dân vùng nông thôn phụ thuộc vào nông nghiệp. Do đó, những thiên tai do BĐKH sẽ ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến cuộc sống của người dân Việt Nam.

Kết quả điều tra thu thập thông tin 53 dân tộc thiểu số do Uỷ ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2019 cho biết, toàn quốc có 8,03 triệu người dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia vào lực lượng lao động, trong đó nữ giới chiếm một nửa lực lượng lao động DTTS.

Phụ nữ dân tộc thiểu số là lực lượng lao động quan trọng và chủ yếu trong ngành nghề nông, lâm, thuỷ sản - khu vực nhạy cảm với biến đối khí hậu (Ảnh: Mạnh Cường)

Kết quả điều tra cũng cho thấy, phần lớn lao động DTTS có việc làm ở nhóm tuổi 15 - 54 (86,8%) và cư trú chủ yếu ở nông thôn (89,4%). Một số dân tộc như Brâu, Xinh Mun, La Hủ, Rơ Măm, Ba Na, trên 95% dân số làm việc trong khu vực nông, lâm, thuỷ sản. Trong 14 DTTS có số dân dưới 10.000 người có đến 12 DTTS có tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm, thuỷ sản cao hơn mức chung của 53 DTTS, tức là cao hơn 73,3%.

Những kết quả phân tích trên đã khẳng định phụ nữ DTTS là lực lượng lao động quan trọng và chủ yếu trong ngành nghề nông, lâm, thuỷ sản. Song đây lại là những khu vực nhạy cảm với biến đối khí hậu.

Nhóm tác giả Lê Thị Thương Huyền, Lê Thị Thanh Hương trong một công bố trên Tạp chí Y tế Công cộng (9/2013) đã đưa ra ước tính vào năm 2100, sản lượng của hầu hết các loại cây trồng sẽ giảm từ 10 - 40% và sẽ có ít nhất 3 tỷ người rơi vào cảnh thiếu lương thực do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Phụ nữ phải đối mặt với những rủi ro mất mùa do hạn hán và lũ lụt nhiều hơn nam giới.

Bên cạnh đó, phụ nữ cũng tham gia vào hầu hết các công việc như cày cuốc, làm cỏ, thu hoạch, chuẩn bị đất, đập lúa, vận chuyển và sử dụng. Lũ lụt và hạn hán không chỉ làm mất đi nguồn sinh kế chủ yếu của họ mà còn làm tăng gánh nặng công việc đồng áng. Phụ nữ phải bỏ nhiều thời gian và công sức hơn để chuẩn bị đất, lấy nước, tưới nước, bảo vệ mùa màng khỏi sâu bệnh. Do đó, họ có ít thời gian hơn để cải thiện tình hình kinh tế thông qua giáo dục hoặc việc làm chính thức.

Nhóm tác giả cũng dẫn một số nghiên cứu cho thấy bất bình đẳng lan rộng và sâu sắc làm cho phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn và chết nhiều hơn nam giới trong bối cảnh mất an ninh lương thực do tác động của biến đổi khí hậu.

Bà Michelle Bachelet, người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc cho biết, phụ nữ và trẻ em gái thường phải gánh chịu những hậu quả khắc nghiệt và bạo lực nhất của biến đổi khí hậu.

Dẫn số liệu từ Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), bà Bachelet cho biết, phụ nữ chiếm 80% trong số những người chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. 70% trong số 1,3 tỷ người sống trong điều kiện nghèo đói là phụ nữ, hầu hết họ phụ thuộc nhiều vào đất đai để sinh tồn.

Phụ nữ các dân tộc xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai trồng cây gây rừng để phòng chống thiên tai và hạn chế tác động của biến đổi khí hậu (Ảnh: CTV)

Biến đổi khí hậu dẫn đến gia tăng thiên tai. Ở các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi những năm gần đây thường xảy ra các loại hình thiên tai như sạt lở đất, lũ quét, lũ ống…. khiến nhiều nơi mất đất sản xuất, chủ yếu là các diện tích ruộng vùng thung lũng ven sông, suối, ảnh hưởng đến nơi sinh sống và sản xuất của đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên lại có nơi xảy ra tình trạng hạn hán nặng nề, điển hình là tỉnh Ninh Thuận.

Thiên tai gây nhiều thiệt hại về người, tài sản và là nguyên nhân dẫn đến các làn sóng di cư tại vùng nông thôn để tránh hậu quả. Tuy nhiên, phụ nữ di cư thường khó kiếm việc làm so với nam giới. Nếu chấp nhận cho chồng di cư ra thành phố làm việc thì ở nhà, phụ nữ sẽ phải gánh vác các trách nhiệm của nam giới, từ việc sản xuất đến việc gia đình, cộng đồng…

Theo bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới. Các bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức rõ ràng về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu, giới và sức khỏe. Phụ nữ thường được coi là nạn nhân và ít được coi là “đối tượng chủ động trong thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, phụ nữ đã và đang có những đóng góp quan trọng trong thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực tế cho thấy, phụ nữ có khả năng thích ứng, phục hồi sau thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Tuy nhiên, khả năng đó phụ thuộc nhiều vào năng lực, điều kiện kinh tế, xã hội và sự hỗ trợ của các cấp quản lý.

Bình đẳng giới không phải là vấn đề độc lập trong các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu. Cần tăng cường sự tham gia, đóng góp từ các bên, với phương châm coi phụ nữ là động lực và mục tiêu để phát triển bền vững và các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu.

Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Tấn cho biết, Việt Nam cam kết đưa vấn đề bình đẳng giới và hành động vì khí hậu vào trong chương trình nghị sự cao nhất của đất nước. Việt Nam cũng là thành viên tích cực của các thỏa thuận quốc tế nhằm phát triển và thúc đẩy các mục tiêu này.

Những nỗ lực không ngừng để lồng ghép bình đẳng giới được thể hiện trong Quyết định số 896/2022/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, trong đó có nhiệm vụ và giải pháp: "Bảo đảm an sinh xã hội và bình đẳng giới: Phát triển các mô hình sinh kế bền vững, chú trọng đào tạo, chuyển đổi nghề và hỗ trợ công nghệ, tiếp cận các nguồn vốn cho người dân ở những vùng chịu nhiều rủi ro, dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Nâng cao nhận thức, kiến thức, năng lực quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu cho cán bộ, hội viên phụ nữ, thanh thiếu niên, người dân, đặc biệt ở vùng có nguy cơ cao về thiên tai.

Từ nay đến năm 2030, tăng cường vai trò, năng lực và sự tham gia của phụ nữ và thanh thiếu niên trong hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai; đẩy mạnh các phong trào, hoạt động nâng cao nhận thức, kiến thức cho thanh thiếu niên về biến đổi khí hậu và các giải pháp trong phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu”./.

Bích Huế

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực