Đạt được bình đẳng về giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái là một mục tiêu quan trọng trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Một trong những hành động cần thực hiện để đạt được mục tiêu này là đưa nội dung phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới vào chương trình học của tất cả các bậc học.
Bên cạnh việc học các kiến thức về bình đẳng giới được lồng ghép vào các môn học chính khoá thì các hoạt động ngoại khoá (chẳng hạn như thi vẽ, trình diễn tiểu phẩm, nói chuyện chuyên đề…) là rất cần thiết, thậm chí còn mang lại hiệu quả cao do khả năng đa dạng về hình thức thể hiện và có sự gần gũi, dễ tiếp thu, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học trò.
Tuy nhiên, muốn truyền thông hiệu quả cho học sinh, ngoài sự chủ động còn đòi hỏi nhà quản lý, các tổ chức đoàn thể cần lắng nghe đề xuất của trẻ em về những cách làm như thế nào cho phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ với các em nhất.
Hiện nay, nhiều địa phương, trường học ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang tích cực tổ chức các cuộc thi sáng tạo các sản phẩm truyền thông tuyên truyền về bình đẳng giới nhằm phát huy vai trò và sự tham gia của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái người dân tộc thiểu số để lắng nghe tiếng nói của trẻ em về vấn đề này.
Mỗi bức tranh chính là một ý kiến thực chất, phản ánh sinh động những suy nghĩ, mong muốn, nguyện vọng của trẻ em; là sự gợi ý cho các cấp, các ngành xem xét ban hành, áp dụng những giải pháp nhằm góp phần xây dựng môi trường an toàn, để trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện trong môi trường gia đình; phát hiện những vấn đề đặt ra về bình đẳng giới… trên cơ sở đó thiết kế nội dung, hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động, nâng cao nhận thức phù hợp với đối tượng học sinh nói chung, học sinh dân tộc thiểu số nói riêng.
Một số bức tranh về chủ đề bình đẳng giới do học sinh dân tộc thiểu số huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên sáng tác sau đây sẽ cho thấy rõ điều đó.
|
Các tác phẩm dự thi do trẻ em sáng tác khá đa dạng về chất liệu nhưng đều toát lên trong đó suy nghĩ, góc nhìn, mơ ước của các em về một gia đình hạnh phúc |
|
Gia đình hạnh phúc trong tâm tưởng của các em là gia đình không có tư tưởng trọng con trai, xem thường con gái |
|
Gia đình không có bạo lực, cha mẹ không cãi nhau, không đánh đập con cái |
|
Gia đình mà mọi người cùng chung tay, chia sẻ với nhau mọi công việc nhà |
|
Trẻ em nữ dân tộc thiểu số không phải tảo hôn hoặc là nạn nhân của các hủ tục |
|
Trẻ em được đi học, được vui chơi vào ngày nghỉ trong vòng tay yêu thương của người thân... |