Hòa Bình: Đẩy mạnh truyền thông xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng

Thứ tư, 08/11/2023 17:23
(ĐCSVN) - Hội LHPN tỉnh Hòa Bình sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; tiếp tục triển khai các mô hình hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới; tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm giữa các mô hình góp phần xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ, trẻ em tại vùng đồng bào DTTS & MN…
 Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; xây dựng, nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ...

Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em là dự án đặc thù về giới được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; xây dựng, nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ... Qua đó giúp vị thế của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác bình đẳng giới tại địa phương.

Các hoạt động thực hiện trên địa bàn 8 xã thuộc 4 huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống gồm Cao Phong, Đà Bắc, Yên Thủy và Lạc Sơn. Trong đó tập trung vào 4 nội dung trọng tâm là: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Cùng với đó, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; đồng thời, trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.

Để triển khai có chiều sâu và hiệu quả, Hội LHPN tỉnh Hòa Bình đã thành lập Ban điều hành cấp tỉnh do Chủ tịch Hội LHPN tỉnh làm Trưởng ban, trưởng các đơn vị chuyên môn, Chủ tịch Hội LHPN 10 huyện, thành phố và chuyên viên tham mưu thực hiện là thành viên; thống nhất ban hành quy chế hoạt động, bổ sung, kiện toàn khi có thay đổi về nhân sự. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cấp, ngành tập trung tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội và các ngành, đoàn thể liên quan về bình đẳng giới và thực hiện lồng ghép giới…

Đồng chí Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hòa Bình cho biết: Trong năm, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở rất nỗ lực, phát huy vai trò cơ quan chủ trì tham mưu, phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện và đã đạt một số kết quả bước đầu ở từng nội dung, nhận được sự đồng thuận của người dân.

Cụ thể, các cấp Hội chủ động khảo sát, làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương và thành lập tổ truyền thông tại cộng đồng với sự tham gia của các thành viên là những người có uy tín, có năng lực truyền thông trên địa bàn thôn, xóm, bản; mỗi tổ đều có sự tham gia của cả nam và nữ. Xây dựng các nội dung truyền thông và tổ chức truyền thông với nhiều hình thức như: truyền thông nhóm nhỏ, truyền thông qua Website của Hội LHPN tỉnh, qua Zalo, Facebook, Fanpage của các cấp Hội. Tập huấn hướng dẫn triển khai, nâng cao chất lượng và thành lập mới Địa chỉ tin cậy tại các địa bàn thụ hưởng; bàn giao trang thiết bị cho các mô hình Tổ truyền thông cộng đồng, Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng tại các huyện Yên Thủy, Lạc Sơn, Cao Phong và Đà Bắc.

Sau 3 năm, các cấp Hội đã tổ chức 16 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập, vận hành mô hình Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em cho 960 học viên; 12 lớp tập huấn cho 720 học viên là đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các ngành liên quan huyện, xã, thôn, thành viên mô hình địa chỉ tin cậy cộng đồng;…

Đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình đã thành lập 185 tổ truyền thông cộng đồng, 65 địa chỉ tin cậy, 74 câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi.

Cũng theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hòa Bình, với những định kiến đã ăn sâu vào “nếp nghĩ” của người dân nên việc triển khai các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới vẫn còn những mặt hạn chế nhất định, đặc biệt là với tỉnh Hòa Bình - địa bàn có người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao tới 74,43%, trong đó chủ yếu là các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông…

Do đó, trong thời gian tới Hội LHPN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng trên các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp đến địa phương; tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm giữa các mô hình góp phần xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ, trẻ em tại vùng đồng bào DTTS & miền núi./.

Phương Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực