Chị Bùi Thị Xiêm - Giám đốc HTX Thiên Lợi An ở thôn Bộ Mu, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình cho biết, ý tưởng thành lập HTX của chị rất đơn giản, xuất phát từ suy nghĩ gia đình mình có nghề thuốc gia truyền, nếu không tìm cách giữ sẽ có nguy cơ bị mai một.
Thế là chị đã rủ người thân, xóm giềng cùng nhau thành lập HTX Sản xuất và chế biến dược liệu mà không có bất kỳ ai tư vấn, cố vấn. Thành viên HTX 100% là nữ người dân tộc Mường.
Bắt đầu sự nghiệp bằng việc trồng, cô cao cây cà gai leo, cây thìa canh cung cấp cho các cửa hàng thuốc Đông y, rất may là đến thời điểm này, HTX vẫn đang tồn tại và tạo việc làm cho 11 thành viên, với mức lương 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, chị Xiêm rất mong muốn nhận được sự tư vấn, cố vấn của các nhà khoa học về công nghệ sản xuất, chế biến dược liệu để thực hiện tham vọng mở rộng quy mô HTX, tạo việc làm cho khoảng 30 người.
|
Chị Bùi Thị Xiêm (ngoài cùng bên trái) cùng thành viên Hợp tác xã phân loại thảo dược. |
Chị Bùi Thị Mơ, dân tộc Mường ở xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình còn khá trẻ, thuộc thế hệ 9X. Lớn lên cùng đồng ruộng, chị thấy buồn trước cảnh tư thương ép giá bà con, trong đó có cả mẹ mình phải bán ngô với giá rẻ. Không những vậy, quê chị rất nhiều ao chuôm nhưng bà con hoặc là để không hoặc chỉ nuôi vài loại thuỷ sản không có mấy giá trị.
Chị Mơ quyết định khởi nghiệp bằng việc nuôi ốc nhồi sạch thương phẩm để chế biến ra những sản phẩm đặc sản cung cấp cho thành phố. Hiện nay, mô hình của chị đã có 10 hộ liên kết cùng tham gia.
Tương tự như chị Xiêm, chị Mơ rất mong những mô hình khởi nghiệp của phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ nhận được sự tư vấn, giúp đỡ về kỹ năng quản trị, quản lý, khoa học kỹ thuật, vốn… để giúp họ mở rộng sản xuất, tạo ra cơ hội làm kinh tế cho bản thân, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở nơi họ thành lập các mô hình sản xuất.
Theo PGS. TS. Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho rằng, các doanh nghiệp nông nghiệp do nữ lãnh đạo có điểm mạnh về sự bền bỉ trước khó khăn, thường quan tâm đến các chính sách cho người lao động, có nhiều đóng góp cho xã hội.
Tuy nhiên, họ cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như: quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp; trình độ năng lực quản trị doanh nghiệp và tiếp cận thông tin, công nghệ hạn chế. Nữ doanh nhân còn phải gánh trách nhiệm chăm sóc gia đình và hiện vẫn tồn tại nhiều định kiến về vai trò của phụ nữ trong kinh doanh.
Đối với phụ nữ dân tộc thiểu số mạnh dạn vươn lên làm chủ doanh nghiệp thì những thách thức này lại càng lớn hơn bởi những bất lợi về điều kiện tự nhiên, về học vấn, về cơ sở hạ tầng… và đặc biệt là định kiến giới ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang còn nặng nề hơn vùng đồng bằng, đô thị.
Bà Hạ Thuý Hạnh - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia trăn trở cho rằng, một khi khởi nghiệp thất bại, phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng không chỉ mất vốn, thời gian, công sức, tâm huyết mà quan trọng hơn, họ rất khó nhận được sự đồng cảm, chia sẻ, ủng hộ từ phía người thân, cộng đồng cho những dự định khởi nghiệp tiếp theo.
Tại tỉnh Hòa Bình, theo thống kê của Liên minh HTX, đến nay, toàn tỉnh có 65% số xã có HTX hoạt động, trên 320 HTX có người dân tộc thiểu số tham gia vào Ban lãnh đạo và trên 100 tổ hợp tác do người dân tộc thiểu số quản lý, vận hành hoạt động.
Các HTX, tổ hợp tác đóng vai trò quan trọng tạo sinh kế, là các mô hình tổ chức sản xuất tập trung, hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc thiểu số khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất; giúp đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ.
Đây là những thông số rất quan trọng, không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế đơn thuần mà còn cho thấy quyết tâm của địa phương trong việc làm thế nào để từng bước nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng.
|
Nếu loại hình kinh tế hợp tác xã mà phát triển tốt ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ góp phần tạo ra sinh kế, thu nhập cho phụ nữ, giúp họ nâng cao vị thế trong gia đình và ngoài xã hội. |
Hòa Bình hiện là tỉnh có người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, tới 74,43%, chủ yếu gồm các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông…, sinh sống ở 145/151 xã, phường, thị trấn.
Ưu tiên đầu tư, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội và phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số luôn là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là giải pháp chiến lược của tỉnh Hoà Bình.
Trong phát triển kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi thì phát triển loại hình tổ hợp tác và HTX được tỉnh chú trọng, vì đây là hình thức phù hợp giúp đồng bào chuyển đổi từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết để sản xuất, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm.
Tham gia vào các HTX, tổ hợp tác chủ yếu là phụ nữ nên nếu loại hình tổ chức này mà phát triển tốt thì sẽ góp phần tạo ra sinh kế, thu nhập cho phụ nữ, giúp họ nâng cao vị thế trong gia đình và ngoài xã hội.
Là đơn vị được giao thực hiện nội dung “Hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình đang không ngừng nỗ lực đẩy mạnh hỗ trợ các HTX thực hiện hiệu quả dự án này.
Liên minh đã có nhiều hoạt động phong phú như: hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đào tạo nghề cho thành viên HTX, đồng hành cùng các ý tưởng sản xuất kinh doanh khởi nghiệp, chuyển đổi số, tổ chức hội nghị xúc tiến cung - cầu ở các thành phố lớn... nhằm hỗ trợ HTX, tổ hợp tác phát triển.
Mục tiêu hướng tới là “hỗ trợ phát triển kỹ năng xã hội và năng lực kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm văn hóa, phong tục của địa phương” như Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025 đã đề ra.
Chị Bùi Thị Linh, dân tộc Mường - Cán bộ Phòng Hỗ trợ, Liên minh HTX tỉnh Hoà Bình nhận xét, phụ nữ dân tộc thiểu số sản xuất rất giỏi, nhưng gặp nhiều hạn chế trong phát triển là do họ thường phải đảm trách việc nhà nhiều hơn nam giới. Tuy vậy, họ cũng có lợi thế là hiểu rõ bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc.
Để nâng cao khả năng phát triển, họ cần biết cách kể câu chuyện văn hoá trên những sản phẩm làm ra. Muốn thế, chị em cần thường xuyên giữ mối liên hệ với các sở, ngành, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên minh HTX, vì đây là những cơ quan đầu mối, nắm được thông tin chính sách và giúp chị em xử lý các nhu cầu cần được hỗ trợ trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp.