Mục tiêu của chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 tỉnh Khánh Hòa là phấn đấu đến năm 2030, tất cả các cộng đồng làng xã có hương ước về không có sự phân biệt đối xử về giới; hàng năm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân được truyền thông, phổ biến, cập nhật thông tin về pháp luật, chính sách về bình đẳng giới ít nhất 2 cuộc, nhận thức của người dân về bình đẳng giới tăng lên hàng năm. Để đạt các mục tiêu này, triển khai có hiệu quả công tác truyền thông về bình đẳng giới, tạo chuyển biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và ngời dân trong thực hiện bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Theo đó, các cơ quan chức năng đã tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và trách nhiệm về thực hiện bình đẳng giới; tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền phù hợp cho các nhóm đối tượng theo định kỳ và vào các đợt cao điểm hàng năm; tổ chức các hoạt động tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, giao lưu học tập kinh nghiệm,... về bình đẳng giới.
|
Giao lưu tuyên truyền sáng kiến truyền thông về bình đẳng giới của phụ nữ Khánh Vĩnh. |
Việc đa dạng hóa các loại hình, các hoạt động truyền thông trực tiếp, gián tiếp phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng khu vực dân cư cũng được chú trọng, trong đó ưu tiên các nhóm vùng dân tộc, miền núi, địa bàn khó khăn, còn tồn tại nhiều định kiến giới.
Ngoài ra, nhờ sự huy động sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ, nam giới, thanh thiếu niên tham gia thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới nên những kết quả thực hiện mục tiêu bình đẳng giới rất khả quan.
Hoạt động xã hội hóa công tác truyền thông, huy động nguồn lực, phương tiện và sự tham gia, hưởng ứng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là các nhà lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trong xã hội. Ngoài ra, tổ chức các hoạt động ngoại khóa lồng ghép nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới bằng các hình thức mới lạ, hấp dẫn, phù hợp với từng lứa tuổi (trẻ em, học sinh, sinh viên) cũng góp phần đưa nội dung này vào cộng đồng dễ dàng, thuận lợi.
Cụ thể, hơn 2 năm, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Khánh Hòa đã thành lập 49 tổ tuyên truyền cộng đồng; tổ chức hơn 100 buổi tập huấn, truyền thông, hội nghị với hơn 5.000 lượt người tham gia; tổ chức thực hiện gần 65 cuộc thi, liên hoan, mô hình truyền thông thu hút gần 6.000 người. Đồng thời, triển khai thành lập 26 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 19 câu lạc bộ thủ lĩnh; tổ chức 36 cuộc đối thoại giữa phụ nữ và chính quyền xã về chế độ chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em, hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Xác định bình đẳng giới không chỉ là một mục tiêu mà còn là một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển toàn diện của một xã hội. Việc thực hiện các biện pháp này để tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho phụ nữ và trẻ em, bình đẳng giới và quyền của phụ nữ, thời gian tới, các cấp ủy đảng tỉnh Khánh Hòa tiếp tục chú trọng công tác nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ; tuyên truyền, vận động, thúc đẩy các hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em…/.