Khởi nghiệp thành công từ đam mê với nghề bếp

Thứ năm, 12/10/2023 11:36
(ĐCSVN) - Nhờ hoạt động hiệu quả và có nhiều đóng góp tích cực trong các hoạt động an sinh xã hội, mô hình Tổ hợp tác nấu ăn do chị Huỳnh Kim Phượng làm Tổ trưởng nhiều năm liền trở thành điển hình trong phong trào Phụ nữ vượt khó khởi nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Đây cũng là một trong những hoạt động đã và đang được Hội LHPN tỉnh triển khai hiệu quả trong nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn.
Chị Huỳnh Kim Phượng, Tổ trưởng Tổ hợp tác nấu ăn Kim Phượng (tóc ngắn, đứng giữa) cùng các thành viên trong tổ đang chuẩn bị các suất ăn theo đơn đặt hàng. 

Đến thăm Tổ hợp tác nấu ăn Kim Phượng vào một ngày thu dịu dàng, các chị em thành viên trong Tổ lúc này mỗi người mỗi việc đang bận rộn chuẩn bị cho khoảng 80 suất ăn giao đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Cao Lãnh. Không khí tất bật nhưng nhộn nhịp và tràn đầy tiếng cười của hơn 20 chị em hội viên tại Tổ hợp tác nấu ăn do chị Huỳnh Kim Phượng (54 tuổi) làm Tổ trưởng ở ấp Hòa Long, xã Hòa An, TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) khiến chúng tôi vô cùng ấn tượng.

Những ngày đầu khởi nghiệp

Bắt tay khởi nghiệp từ những năm 1995, chị Phượng khi ấy đang là hội viên tích cực tham gia vào các hoạt động của Hội phụ nữ ấp Hòa Long, xã Hòa An. Nhờ kinh nghiệm trên 30 năm trong nghề bếp, cộng thêm niềm đam mê chế biến, sáng tạo các món ăn, chị Phượng được các chị em trong Hội động viên thành lập Tổ phụ nữ nấu ăn vào năm 2000.

“Thời điểm đó, khó khăn nhất là phong trào dịch vụ nấu ăn chưa phát triển nên ít người đặt nấu, các chị em còn e ngại do công việc mới quá, không có thu nhập. Dù khó khăn nhưng các chị em động viên nhau chẳng ai bỏ cuộc. Mỗi thành viên tự kiếm khách hàng, trước mắt khách hàng là người quen, rồi dần dần người nọ giới thiệu cho người kia... Nhờ hoạt động hiệu quả, số lượng các thành viên trong tổ tăng dần từ 4 người, 7 người rồi 10 người do kết nạp thêm nhiều chị em có nhu cầu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong nghề bếp. Đến năm 2016, tổ phụ nữ nấu ăn của tôi chính thức chuyển sang mô hình Tổ hợp tác nấu ăn với 12 thành viên, số vốn huy động khi ấy là 122 triệu đồng” - chị Phượng kể lại.

Thông qua các cấp Hội, chị Phượng được tham gia các lớp phụ nữ khởi nghiệp, lớp bồi dưỡng kỹ thuật nấu ăn, nâng cao tay nghề, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,… Tổ hợp tác nấu ăn Kim Phượng ra đời với mục đích kết nối chị em phụ nữ, hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm trong chế biến các món ăn, đồng thời kinh doanh dịch vụ nấu ăn phục vụ đám tiệc... Trung bình mỗi tháng, Tổ nhận nấu khoảng 24 ngày, mỗi ngày nhận từ 3 đến 70 bàn tiệc, nhờ đó chị em trong Tổ ai cũng phấn khởi vì vừa có công ăn việc làm, lại vừa có thêm thu nhập khoảng từ 03 đến 05 triệu đồng mỗi tháng.

 

 Các món ăn của Tổ hợp tác nấu ăn Kim Phượng được trình bày bắt mắt và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng về chất lượng, dịch vụ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Khi được hỏi về bí quyết để thu hút khách hàng ngày càng đông của Tổ hợp tác, chị Phượng vui vẻ chia sẻ: “Thứ nhất, là động viên chị em đặc biệt chú ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; thứ hai là phải biết quan tâm, chăm sóc khách hàng. Trong quá trình phục vụ, thấy điểm nào còn khuyết, phải cùng nhau họp lại rút kinh nghiệm. Ngoài ra, khi có điều kiện, tôi còn mời thêm các hãng lữ hành, chuyên gia ẩm thực tập huấn thêm các kỹ năng để nâng cao tay nghề cho các chị em”.

Nhờ đó, Tổ hợp tác nấu ăn Kim Phượng hoạt động ngày càng hiệu quả, được nhiều khách hàng trong và ngoài địa phương biết đến nhiều hơn, hơn thế nữa còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30-40 chị em. Chị Phượng cho biết: “Từ khi nâng lên là Tổ hợp tác, thông qua các kênh của Hội, Tổ thường xuyên nhận hợp đồng nấu phục vụ đám tiệc, liên hoan của cơ quan, cá nhân giới thiệu... Có những lúc cao điểm, đặc biệt vào những tháng cuối năm, mỗi ngày chúng tôi nhận khoảng 7 đến 10 hợp đồng, thậm chí đôi lúc quá nhiều hợp đồng không thể nhận thêm. Khi ấy, Tổ hợp tác phải huy động thêm người thân của các thành viên trong Tổ hay lực lượng hội viên, đoàn viên của đoàn thể khác”.

Đặc biệt, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, Tổ hợp tác nấu ăn Kim Phượng vẫn hoạt động xuyên suốt 7 tháng cao điểm dịch. May mắn là thời điểm đó, không thành viên nào nào nhiễm bệnh và cung cấp suất ăn đều đặn, an toàn tại các khu cách ly với trung bình 1.500 suất mỗi ngày. Chị nhớ lại: “Với số lượng đơn hàng lớn, đặc biệt tại các khu cách ly, để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đầy đủ, an toàn, tôi đã chủ động liên hệ và kết nối tiêu thụ nông phẩm của các hộ dân trên địa bàn, đồng thời giúp phân phối cho các cá nhân, đoàn thể có nhu cầu. Ngoài ra, còn kết nối thêm 10 trưởng bếp có kinh nghiệm đến làm tại Tổ hợp tác do thời điểm dịch bùng phát nhiều dịch vụ, nhà hàng phải đóng cửa”.

 Nhiều năm liền chị Phượng vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp và Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen, Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào Phụ nữ vượt khó khởi nghiệp.

San sẻ yêu thương

Với chị Phượng, trong nghề nấu ăn phải có niềm đam mê, khó khăn đến mấy cũng nỗ lực vượt qua, đồng thời phải biết tiếp thu ngay mọi đóng góp của khách hàng để hoàn thiện. Có như vậy, Tổ hợp tác nấu ăn Kim Phượng mới đi được chặng đường dài hiệu quả và bền vững như ngày hôm nay. “Cái vui là thành lập được Tổ hợp tác, lại giúp đỡ được nhiều chị em khó khăn. Nhiều khi ngày mưa, ngày nắng mình được ở trong nhà thì chị em cũng được ở trong nhà, giúp đỡ trong khả năng của mình chứ không chờ đến khi giàu mới giúp” -  Chị mộc mạc chia sẻ.

Trong quá trình hoạt động, Tổ hợp tác nấu ăn Kim Phượng hoạt động theo quy chế, đảm bảo công khai minh bạch. Hàng tháng, các thành viên trong Tổ sinh hoạt định kỳ, cùng họp lại đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ viên, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, đồng thời góp tiết kiệm xây dựng Quỹ tổ. Từ chỗ doanh thu mỗi năm chỉ khoảng 200 triệu, đến nay lợi nhuận của Tổ hợp tác Kim Phượng đã tăng lên đến hơn 1 tỷ. “Hàng tháng, 3% tổng doanh thu sẽ được trích lại đưa vào Quỹ tổ vừa để ưu tiên chăm lo đời sống cho các chị em như thăm chị em lúc ốm đau; mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho các thành viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc giúp vốn xoay vòng hỗ trợ các thành viên trong Tổ; ngoài ra sẽ dành một phần cho các hoạt động an sinh xã hội khác tại địa phương” - Chị Phượng cởi mở cho biết.

Từ khi thành lập, Tổ hợp tác nấu ăn Kim Phượng đã vận động thành viên trong Tổ góp vốn, tranh thủ thêm sự vận động của Hội LHPN xã Hòa An giúp xây dựng một căn nhà khang trang cho một thành viên trong Tổ; ngoài ra còn lồng ghép các hoạt động của Tổ với Hội phụ nữ địa phương xét cho 9 tổ viên tham gia vay vốn hỗ trợ phụ nữ nghèo, vốn quỹ Hội để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, giúp chị em có điều kiện cải thiện đời sống gia đình. Điểm đáng quý là, các chị em không chỉ hăng hái với công việc nấu nướng tại Tổ hợp tác mà còn tích cực tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội khác tại địa phương, của hội phụ nữ. Mới đây nhất, trong năm 2023, cùng với số tiền 25 triệu trích từ Quỹ Tổ, các chị em trong Tổ hợp tác còn đóng góp thêm xây dựng nhà cho một thành viên trong Tổ có hoàn cảnh khó khăn…

Cũng nhờ “tiếng lành đồn xa”, đến nay các thành viên trong Tổ hợp tác nấu ăn Kim Phượng không chỉ là những chị em tại ấp Hòa Long, xã Hòa An mà chị Phượng luôn sẵn lòng kết nạp thêm nhiều chị em ở các xã, huyện khác muốn đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm làm bếp cũng như nhân rộng mô hình hoạt động của Tổ hợp tác. Phấn khởi hơn cả là các món ăn của Tổ hợp tác nấu ăn Kim Phượng nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng về chất lượng, dịch vụ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, do vậy đã chiếm được cảm tình của đông đảo khách hàng, xây dựng được uy tín và ngày càng được biết đến nhiều hơn.

Nhận xét về mô hình Tổ hợp tác nấu ăn Kim Phượng, chị Nguyễn Thị Cúc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp cho biết: Mô hình Tổ hợp tác nấu ăn của chị Phượng không chỉ góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho chị em phụ nữ, nhất là những chị em phụ nữ yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ dân tộc thiểu số…, mà còn góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội như Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội, qua đó đóng góp cho công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ghi nhận những đóng góp tích cực của chị Phượng cũng như của Tổ hợp tác nấu ăn Kim Phượng, liên tục trong các năm 2018, 2020, giai đoạn 2020-2021 chị Phượng vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp và Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen, Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào Phụ nữ vượt khó khởi nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Cúc (áo hồng, bên phải), Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp và chị Huỳnh Kim Phượng (áo vàng, ngồi giữa) chia sẻ về mô hình hoạt động của Tổ hợp tác cùng thành viên đoàn công tác Báo điện tử ĐCSVN.  

Cũng theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Cúc, cùng với mô hình Tổ hợp tác nấu ăn Kim Phượng, đến nay trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có 137 Tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ; 21 doanh nghiệp nữ; 943 sản phẩm khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh… Để hỗ trợ nâng cao năng lực phụ nữ khởi nghiệp, các cấp Hội đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh cho cán bộ Hội, phụ nữ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất; tập huấn hướng dẫn đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu sản phẩm cho phụ nữ khởi nghiệp, doanh nghiệp nữ; nâng cao nhận thức phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn hướng đến sản xuất hữu cơ; tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số cho phụ nữ trong tiếp cận các dịch vụ tài chính… Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào, chị em phụ nữ cũng thường xuyên được tuyên truyền, hỗ trợ tham gia các dự án khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; được hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ, vay vốn sản xuất kinh doanh... từ đó phát huy được vai trò của người phụ nữ đối với phát triển kinh tế.

Thông qua phong trào Phụ nữ vượt khó khởi nghiệp đã góp phần phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế và khởi nghiệp, tạo điều kiện, cơ hội để chị em ngày càng tự tin, chủ động vươn lên làm chủ cuộc sống; từng bước rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội; đồng thời phát huy vai trò phụ nữ trong tham gia thực hiện các chương trình, đề án góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Phong trào Phụ nữ vượt khó khởi nghiệp cũng là một trong những hoạt động đã và đang được Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp thực hiện hiệu quả góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Hoạt động hướng đến đối tượng phụ nữ khu vực biên giới, nhóm đối tượng phụ nữ đặc thù, yếu thế, phụ nữ dân tộc thiểu số… thông qua nhiều hoạt động khác như đẩy mạnh truyền thông, nâng cao kiến thức về bình đẳng giới; tăng cơ hội cho phụ nữ tiếp cận các nguồn lực xã hội; duy trì và nhân rộng một số mô hình tiêu biểu về bình đẳng giới;…

Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó các dân tộc thiểu số như người Hoa, Khmer là chủ yếu, ngoài ra còn có người Chăm, Thái, Mường, Tày... Tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh gần 598 ngàn người, chiếm 50,23% dân số và chiếm 46,85% lực lượng lao động xã hội, trong đó có gần 332 ngàn hội viên phụ nữ, đạt tỷ lệ 55,46% trên tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên./.

Phương Nghi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực