Kinh doanh giúp phụ nữ đạt được năng lực kinh tế và tiến tới bình đẳng giới

Thứ năm, 07/09/2023 14:44
(ĐCSVN) - Kinh doanh là một trong những con đường giúp phụ nữ đạt được năng lực kinh tế và tiến tới bình đẳng giới. Việc này có thể tạo ra "hiệu ứng nhân đôi" cả về thu nhập, phúc lợi cho gia đình, giảm nghèo và thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững.

Nghiên cứu của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra một số đặc điểm của nhóm doanh nghiệp do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ như sau:

Về loại hình doanh nghiệp, hầu hết là hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh. Trình độ học vấn của chủ doanh nghiệp chủ yếu là trung học phổ thông hoặc trung học cơ sở. Giá trị tài sản hiện có của doanh nghiệp cơ bản từ 1 - 2 tỷ đồng hoặc dưới 1 tỷ đồng nên tổng thu nhập không cao, chủ yếu là từ 1- 2 tỷ đồng và 2 - 10 tỷ đồng/năm. 

Tạo một hệ sinh thái kinh doanh thuận lợi cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số có thể đem lại những lợi ích to lớn cho gia đình, cộng đồng và nền kinh tế. 

Những yếu tố trên khiến năng lực quản lý, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ chưa cao. Bên cạnh đó, định kiến giới cho rằng phụ nữ nên tập trung vào việc chăm sóc nhà cửa, con cái thay vì tạo dựng kinh tế cho gia đình là rào cản lớn khiến phụ nữ dân tộc thiểu số không dám khởi sự kinh doanh do lo sợ thất bại sẽ không nhận được sự cảm thông, chia sẻ của gia đình và những người xung quanh - bà Đinh Thị Huyền, Giám đốc Trung tâm Hợp tác phát triển Tây Bắc thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hoà Bình nói.

Vì những định kiến giới đã tồn tại từ lâu nên 80% chị em gặp khó khăn khi yêu cầu nhận được sự hỗ trợ từ gia đình cho các quyết định khởi nghiệp của họ. 62,5% người dám mạnh dạn kinh doanh là bởi vốn tự có.

Những yếu tố khác như: phải thế chấp tài sản và chứng minh thu nhập trong quá trình tiếp cận vốn vay ngân hàng lúc mới khởi nghiệp; chịu lãi suất cao trong giai đoạn thử nghiệm thị trường để tìm ra sản phẩm phù hợp; những hạn chế trong hiểu biết về thủ tục đăng ký kinh doanh, thuế, ứng dụng công nghệ thông tin… là những thách thức lớn khi các chị khởi sự kinh doanh, dẫn đến 80% phụ nữ dân tộc thiểu số khó đưa ra quyết định trong lĩnh vực thương mại và khi liên quan đến công nghệ thông tin là 70%.

Bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, kinh doanh là một trong những con đường chính giúp cho chị em phụ nữ đạt được năng lực kinh tế và tiến tới bình đẳng giới. Việc này có thể tạo ra "hiệu ứng nhân đôi" cả về thu nhập, phúc lợi cho gia đình, giảm nghèo và thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững.

Do đó, tạo một hệ sinh thái kinh doanh thuận lợi cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số có thể đem lại những lợi ích to lớn cho gia đình, cộng đồng, khu vực và nền kinh tế.

Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ ở nước ta còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 0,5% - theo kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số lần thứ II công bố.

Nhằm nghiên cứu và phân tích các cơ hội phát triển kinh doanh cho phụ nữ dân tộc thiểu số, Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UN-ESCAP) đang cùng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện Dự án “Thúc đẩy phát triển doanh nhân nữ: Kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới” (CWE).

Bà Sudha Gooty - Quản lý Dự án CWE cho biết, Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2024 với mục tiêu thúc đẩy tinh thần kinh doanh của phụ nữ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thông qua 3 trụ cột chính có mối liên hệ ảnh hưởng lẫn nhau, đó là: Môi trường chính sách và quản trị (Tạo ra hệ sinh thái thuận lợi cho phụ nữ); Tài chính sáng tạo (Tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính); Công nghệ thông tin và kỹ năng kinh doanh (Tăng cường sử dụng các giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông).

Từ khi triển khai đến nay ở Việt Nam, CWE đã tạo ra sự gắn kết với cơ quan quản lý nhà nước về doanh nghiệp nhỏ và vừa; huy động sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ trong đối thoại chính sách và hoạch định chính sách; Hơn 8.000 doanh nhân nữ được hưởng lợi từ Cổng thông tin một cửa, là một phần của Cổng thông tin doanh nghiệp nhỏ và vừa quốc gia; Nghiên cứu tác động của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và đưa ra các khuyến nghị giúp Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-C ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với các điều khoản dành cho doanh nhân nữ. Kết quả sơ bộ cho thấy, Nghị định đã tác động tích cực đến hơn 11 nghìn doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Ngoài ra, Dự án cũng đã thực hiện một số nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đối với doanh nhân nữ khu vực đồng bằng sông Cửu Long; Khoảng cách và cơ hội cho doanh nhân nữ dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam./.

Bài, ảnh: Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực