Vừa đón năm học mới ở cấp học mới nhưng Hoàng Hà Linh, học sinh lớp 6A2 trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Hà Giang đã khá nổi tiếng bởi bảng thành tích học tập đáng nể với rất nhiều giải Nhất, Nhì các cuộc thi tiếng Anh cấp tỉnh, thành phố.
Nữ sinh người dân tộc Tày này còn được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc và đạt danh hiệu “Dũng sĩ nghìn việc tốt cấp toàn quốc”; nhận 2 Bằng khen của Hội đồng Đội Trung ương vì đã đoạt thành tích xuất sắc trong nội dung thi tiếng Anh tại Festival Nhà Thiếu nhi toàn quốc lần thứ VII năm 2022 và đoạt giải Ba tại sân chơi “Thiếu nhi Việt Nam vươn ra thế giới” sử dụng tiếng Anh để quảng bá về quê hương, đất nước cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Tỉnh đoàn Hà Giang, Thành đoàn Hà Giang vì đạt thành tích xuất sắc trong các cuộc thi tiếng Anh và các trong các hoạt động khác.
|
Hoàng Hà Linh, học sinh lớp 6A2 trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Hà Giang. |
"Em rất muốn dùng ngôn ngữ quốc tế mà mình đã được học để giới thiệu về mảnh đất địa đầu của Tổ quốc - nơi em sinh ra và lớn lên với bạn bè gần xa. Em rất tự hào bởi quê hương Hà Giang của em có núi non hùng vĩ. Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn là công viên đầu tiên của nước ta được UNESCO ghi danh là công viên địa chất toàn cầu. Ngoài ra, Hà Giang còn được biết đến với những thửa ruộng bậc thang rất đẹp, trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số rất độc đáo, đa màu sắc...", cô bé sinh năm 2012 nói.
Tự tin với khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của mình nhưng Hà Linh thoáng chút buồn khi không phải bạn nhỏ nào ở quê em cũng được học ngoại ngữ, thậm chí nhiều bạn còn chưa được tới lớp, tới trường, chưa nói được tiếng Việt!
"Quê hương em còn chưa phát triển so với nhiều tỉnh, thành phố khác. Thực tế, Hà Giang vẫn là tỉnh nghèo còn nhiều khó khăn. Trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa trong đó chủ yếu là trẻ em dân tộc thiểu số phải mang bụng đói, vượt đường xa để tới trường, vẫn còn đó tình trạng bỏ học, mù chữ. Có bạn gái bằng tuổi em thôi nhưng đã dừng lại việc học bởi bố mẹ chưa nhận thức được ý nghĩa của giáo dục mà muốn các bạn lấy chồng!", Hà Linh chia sẻ.
|
Hà Linh tự hào là một trong số 61 đại biểu dân tộc thiểu số trong tổng số 263 đại biểu thiếu nhi đến từ nhiều vùng miền của Tổ quốc về dự phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ I |
Lần này, về Hà Nội với vai trò đại diện tiếng nói, ý kiến, nguyện vọng của trẻ em tại địa phương để phản ánh tới Quốc hội, tới các bác lãnh đạo, em rất mong Quốc hội, các bộ, ngành của Chính phủ sẽ dành sự quan tâm hơn nữa đến những nơi còn khó khăn như Hà Giang. Em thấy chủ đề "Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em" thảo luận tại phiên họp toàn thể giả định "Quốc hội trẻ em" là chủ đề đang rất được quan tâm xã hội và trẻ em. Từ ý kiến của các đại biểu thiếu nhi đến từ nhiều vùng miền của Tổ quốc, em tin tưởng các bác lãnh đạo sẽ đưa ra nhiều quyết sách để trẻ em được sống, được học tập trong môi trường an toàn, được trang bị các kỹ năng tự bảo vệ nhất là các bạn nhỏ miền núi sẽ không còn phải kết hôn sớm, bị bạo lực, xâm hại nữa!
Ngay sau phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I kết thúc, trở về địa phương em sẽ nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa để luôn xứng đáng là đại biểu đại diện cho thiếu nhi Hà Giang tham dự một sự kiện lớn, có ý nghĩa này và sẽ tích cực là tuyên truyền viên, đưa thông điệp của chương trình tới các bạn nhỏ vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số.
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I - năm 2023 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức nhằm thực hiện Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hoá chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em cũng như tạo điều kiện để trẻ em phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức và tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Với các hoạt động diễn ra trong 02 ngày 09-10/9, lần đầu tiên, trẻ em được đóng vai đại biểu và lãnh đạo Quốc hội, tới hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội điều hành phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" qua đó, giúp thiếu nhi được trải nghiệm, tìm hiểu hoạt động của Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đồng thời, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong việc đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.
|