Mường La (Sơn La) đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bình đẳng giới

Chủ nhật, 01/10/2023 09:45
(ĐCSVN) - Thời gian qua, huyện Mường La đã tăng cường đánh giá thực trạng bình đẳng giới và triển khai đề án trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, y tế... Theo đó, các cơ quan chuyên môn của huyện đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới cho người dân.
 Cán bộ y tế huyện Mường La tuyên truyền, tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ.

Huyện Mường La có 206 bản, tiểu khu; trên 22 nghìn hộ dân, hơn 100 nghìn nhân khẩu, gồm 6 dân tộc cùng sinh sống. Thực hiện Quyết định số 1898/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025", huyện Mường La đã chỉ đạo thực hiện lồng ghép các hoạt động của bình đẳng giới vào các chương trình, hoạt động của huyện. Toàn huyện có 2/5 nữ Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 13/35 nữ Đại biểu HĐND cấp huyện; cấp xã có 122/365 nữ Đại biểu Hội đồng nhân dân; 4/16 đồng chí nữ là Bí thư đảng ủy xã, 1/16 đ/c là nữ Chủ tịch UBND xã… Đến nay thực hiện đào tạo nghề và chuyển giao khoa học công nghệ cho 7.555 lao động nông thôn, trong đó lao động nữ chiếm 50%. Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, đã giải quyết việc làm cho hơn 4.000 nữ lao động...

Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức thực hiện chính sách về bình đẳng giới cho cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, xã, người có uy tín, già làng, trưởng bản vùng dân tộc thiểu số rất ít người. Tổ chức hội thi tuyên truyền về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình; xây dựng mô hình về giới và bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; hỗ trợ phát triển kỹ năng xã hội và năng lực kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Bà Đỗ Thị Thu Hường, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường La, cho biết: Hàng năm, Hội phối hợp tổ chức các lớp xóa mù chữ cho hội viên; phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, nhất là phụ nữ ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; động viên hội viên tham gia phát triển kinh tế, sáng tạo, khởi nghiệp. Nhiều hội viên là nhân tố điển hình trong phát triển sản xuất ở địa phương, với mức thu nhập từ 200 đến 600 triệu đồng, như hội viên Đèo Thị Hạnh, bản Mường Bú, xã Mường Bú; Lèo Thị Đẹm, bản Đông Xuông, xã Ngọc Chiến; Lường Thị Lan, bản Nặm Ún, xã Mường Chùm...

Năm học 2022 - 2023, Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Nậm Giôn có 30 lớp, trong đó 22 lớp tiểu học và 8 lớp THCS, với hơn 800 học sinh. Thầy giáo Nguyễn Trí Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: Học sinh của trường chủ yếu là dân tộc Mông, Thái, Kháng, La Ha. Các năm học trước đây, trường vẫn còn tình trạng học sinh nữ bỏ học tảo hôn hoặc bỏ học đi lao động phụ giúp gia đình. Để nâng cao nhận thức của các em, nhà trường đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa, với hình thức sân khấu hóa, bổ sung kiến thức, giáo dục các em về giới, bình đẳng giới, hệ lụy của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

Hướng tới mục tiêu đảm bảo bình đẳng giới tại tất cả các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, huyện Mường La đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về bình đẳng giới; hỗ trợ phụ nữ học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội, nhất là phụ nữ ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực