Nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng chống bạo lực gia đình

Thứ năm, 05/10/2023 19:50
(ĐCSVN) - Muốn phòng chống bạo lực gia đình thì phải hạn chế, loại trừ các nguyên nhân gốc rễ gây ra nó, trong đó có nguyên nhân quan trọng là tình trạng bất bình đẳng giới trong gia đình và xã hội.

Vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm có hại trong gia đình

Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ do Tổng cục Thống kê thực hiện theo yêu cầu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố kết quả 35,9% phụ nữ Việt Nam có quan điểm ủng hộ việc nam giới là người ra quyết định và là chủ gia đình.

Phụ nữ ở nông thôn ủng hộ quan điểm này nhiều hơn so với phụ nữ ở thành thị. Nhóm phụ nữ không được đi học phổ thông hoặc có trình độ học vấn thấp thường đồng tình với quan điểm có hại này.

Một cảnh trong tiểu phẩm tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình của phụ nữ tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: CTV) 

Khảo sát gần 6.000 phụ nữ về quan điểm “người vợ tốt là phải biết nghe lời chồng ngay cả khi bản thân không đồng ý”, tỷ lệ chung phụ nữ đồng tình là 27,2% nhưng chỉ có 16,7% phụ nữ thành thị nhất trí, trong khi tỷ lệ này cao gần gấp đôi đối với phụ nữ nông thôn (32,4%).

Về quan điểm “Người đàn ông phải thể hiện mình là ông chủ”, tỷ lệ chung nhất trí là 35,9% (phụ nữ nông thôn 40,1%, phụ nữ thành thị 27,3%).

Dữ liệu định tính thu thập được cũng cho thấy có sự đồng tình chung rằng phụ nữ nên nghe lời chồng. Họ dùng từ “đón ý” của chồng đáp lại ý kiến. Nghĩa là, mặc dù người phụ nữ không phải lúc nào cũng nghe lời chồng nhưng họ cũng không được thoải mái nếu không nghe lời.

Phụ nữ cho biết, họ sẽ hỏi ý kiến chồng hoặc lắng nghe sở thích của chồng để đảm bảo rằng họ làm cho chồng vui hay ít nhất cũng không làm chồng khó chịu. Thậm chí ở nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số theo chế độ mẫu hệ cũng cho biết họ không làm chồng khó chịu theo kiểu không nghe lời chồng, trừ khi đó là một ông chồng “tồi”.

Sự thay đổi trong quan điểm về bất bình đẳng giới thể hiện rất rõ ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi và nhóm phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn, họ ít đồng tình với quan điểm “người vợ tốt nên nghe lời chồng”. Chỉ có 11,4% phụ nữ trong nhóm tuổi từ 18 - 24 đồng tình với quan điểm này trong khi ở nhóm phụ nữ từ 55 - 60 tuổi, tỷ lệ đồng tình là 41,8%.

Như vậy, có mối liên hệ nhất định giữa thái độ và trình độ học vấn, tuổi tác. Các chuyên gia cho rằng, những quan điểm có hại có thể giảm đi khi trình độ học vấn tăng lên và ở nhóm phụ nữ trẻ.

Ngoài ra, 51,8% số phụ nữ được phỏng vấn đồng ý với ít nhất một hoặc hơn một lý do rằng người chồng “cũng có lý” khi đánh vợ vì người vợ không chung thuỷ (45,2%), không chăm sóc con cái (27%), vợ không nghe lời chồng (12,2%), không hoàn thành việc nhà (9,3%), vợ từ chối quan hệ tình dục (7,7%), nghi ngờ vợ không chung thuỷ (7,2%), vợ hỏi chồng về bạn gái của chồng (4,1%).

Đáng lưu ý, các lý do này được nhóm phụ nữ có trình độ học vấn thấp và phụ nữ sống ở khu vực nông thôn ủng hộ nhiều hơn so với phụ nữ ở khu vực thành thị. Phụ nữ là nạn nhân của bạo lực cũng dễ tha thứ và biện minh hơn cho những hành vi bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra so với những phụ nữ không bị bạo lực.

Những phụ nữ từng bị chồng, bạn tình bạo lực thể xác được hỏi về hoàn cảnh hoặc tình huống dẫn đến hành vi bạo lực của chồng, bạn tình nhắc đến nhiều nhất các lý do: vấn đề gia đình (50,8%), say rượu (40,9%), các vấn đề về tiền bạc (18,8%), có vấn đề với việc làm, ghen tuông (7,3%), chứng tỏ mình là ông chủ (5%), không có lý do cụ thể và ở nhà không có thức ăn cùng là 4,5%, muốn dạy cho vợ một bài học (4,3%), không nghe lời (4,2%), không có việc làm (3%), từ chối quan hệ tình dục (1,5%), đang mang thai (0,2%).

Mối liên hệ giữa bạo lực gia đình và bất bình đẳng giới

Có thể thấy, bạo lực gia đình xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân quan trọng. Từ sự bất bình đẳng giới trong gia đình mà đối tượng chịu sự bất bình đẳng chủ yếu là phụ nữ. Những định kiến giới như: chồng có quyền dạy vợ; chồng được hưởng quyền nhiều hơn vợ; chồng là người chủ gia đình, có quyền quyết định mọi việc trong gia đình… khiến cho phụ nữ trở thành nhóm có nguy cơ bị bạo lực gia đình cao.

Ông Lưu Văn Đức - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng, chống bạo lực gia đình và đã ban hành nhiều đạo luật trực tiếp, gián tiếp điều chỉnh lĩnh vực này, như: Hiến pháp, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật Dân sự và đặc biệt là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.

Tuy vậy, sự quan tâm và hiểu biết của người dân về phòng chống bạo lực gia đình chưa sâu, tình trạng bạo lực gia đình chưa có nhiều thay đổi. Hơn thế, tình trạng này đang dần trở thành hiện tượng đáng báo động của xã hội, là một vấn nạn nhức nhối, nan giải, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng chống bạo lực gia đình.

Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông sẽ góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bảo đảm bình đẳng giới (Ảnh minh hoạ) 

Ngày 14/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023.

Tại Điều 4 Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình có nội dung: Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em; ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; thực hiện bình đẳng giới. 

Yêu cầu của công tác thông tin, truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình là phải phù hợp với trình độ, lứa tuổi, giới tính, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, địa bàn; chú trọng đến trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc, người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nội dung thông tin, truyền thông, giáo dục tập trung vào chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Quyền con người, quyền công dân, bình đẳng giới trong gia đình. Truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam; gương người tốt, việc tốt trong xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình. Kiến thức về hôn nhân và gia đình; kỹ năng ứng xử trong gia đình; kỹ năng bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình.

Trong Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030, giai đoạn I từ 2022 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 85/QĐ-UBDT ngày 24/2/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cũng đặt ra mục tiêu là tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho gia đình người dân tộc thiểu số về xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em trong gia đình, ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Muốn phòng chống bạo lực gia đình thì phải hạn chế, loại trừ các nguyên nhân gốc rễ gây ra nó, trong đó có nguyên nhân quan trọng là tình trạng bất bình đẳng giới trong gia đình và xã hội. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình là giải pháp trước tiên và quan trọng, nhất là ở những địa bàn còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế và trình độ dân trí thấp như vùng dân tộc thiểu số và miền núi./.

Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực