Ở tỉnh miền núi, dân tộc Bắc Kạn, cái tên Nông Thị Biệt khá nổi tiếng trong khu vực kinh tế hợp tác xã (HTX). Chị Biệt sinh năm 1976, là người dân tộc Tày, hiện là Giám đốc HTX Minh Anh chuyên sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu.
HTX Minh Anh thành lập tháng 4/2011 tại phường Xuất Hoá, thành phố Bắc Kạn với số lượng thành viên ban đầu là 7 người, 100% là phụ nữ.
|
Chị Nông Thị Biệt - Giám đốc HTX Minh Anh là một trong số ít phụ nữ dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn làm chủ doanh nghiệp. |
Trải qua hơn chục năm lập nghiệp, chị Biệt và các chị em trong HTX đã xây dựng thành công 06 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: Nấm Sò tươi Minh Anh, Nấm Mộc Nhĩ khô, Mộc Nhĩ Minh Anh thái chỉ, Nấm Linh Chi nguyên tai, Bonsai Linh Chi Minh Anh, Trà túi lọc Linh Chi Minh Anh.
Nữ Giám đốc người Tày cùng các chị em trong HTX giờ vẫn đang không ngừng nỗ lực để biến khát vọng “Sản phẩm của Minh Anh có thể bay qua lũy tre làng, qua lũy tre Việt Nam” trở thành hiện thực.
Chị Nông Thị Biệt là một trong số hơn 10 chị người dân tộc thiểu số (DTTS) đang quản lý các HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Ngoài ra, tỉnh còn có hơn 20 nữ giám đốc các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực như: nhà hàng, khách sạn, công ty kinh doanh vật liệu, vật tư sản xuất…
Lĩnh vực được chị em lựa chọn chủ yếu là sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm sản đặc sản địa phương. Dù số lượng phụ nữ DTTS làm chủ doanh nghiệp, HTX chưa nhiều, nhưng đó cũng là bước tiến vượt bậc tại tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn.
Minh chứng là kết quả điều tra 53 DTTS do Uỷ ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2019 cho thấy, ở những công việc có vị thế cao hơn như “Chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh - dịch vụ” hoặc “Làm công ăn lương” thì tỷ lệ nữ DTTS thấp hơn so với nam DTTS và nữ cả nước. Năm 2019, tỷ lệ nữ DTTS làm chủ cơ sở chỉ chiếm 0,3%, chưa bằng 1/2 lần so với nam DTTS (0,7%) và 1/5 lần so với nữ cả nước (1,5%).
Có sự khác biệt về nghề nghiệp theo giới tính trong các ngành nghề. Dường như các nghề có tỷ lệ nữ DTTS cao thường kém “hấp dẫn” trên thị trường lao động như “Nhân viên dịch vụ và bán hàng” (nam 4,2%, nữ 6,5%); “Lao động giản đơn” (nam 64,7%, nữ 72,7%)…
Sở dĩ vậy một phần nguyên nhân là do triết lý quản trị của nhiều doanh nghiệp, HTX đã gián tiếp tạo ra phân biệt giới. Biểu hiện cụ thể nhất là quá trình "nữ tính hóa" một số công việc như: vị trí thư ký cần sự "tỉ mỉ", "nhẹ nhàng", "biết lắng nghe", "tinh tế". Ngược lại, các hình mẫu nhân viên xuất sắc hoặc các tiêu chí để cất nhắc, thăng tiến lại được “nam tính hóa” như: "cam kết", "cống hiến", "dám làm", "quyết đoán", "có tầm nhìn". Đây chính là một dạng định kiến vô hình, khiến sự bất bình đẳng giới vẫn duy trì và cản trở sự vươn lên làm chủ kinh doanh của phụ nữ.
Theo nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Nguyễn Thị Bích Thuý, Phạm Thu Hiền, nữ DTTS, đặc biệt là nữ trên 35 tuổi hầu như không đi làm xa nhà do những định kiến, rào cản về trách nhiệm nội trợ, chăm sóc gia đình.
|
Định kiến giới khiến nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số không có cơ hội vươn lên làm chủ kinh tế. |
Báo cáo "Nghiên cứu giới và thị trường lao động Việt Nam" năm 2021 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng chỉ ra rằng, trung bình, phụ nữ làm việc 59 giờ/tuần, bao gồm 38,8 giờ làm việc tạo thu nhập và 20,2 giờ làm việc nhà. Trong khi đó, nam giới làm việc trung bình 50,7 giờ/tuần, trong đó có 40 giờ dành cho lao động được trả lương và 10,7 giờ làm việc nhà. Như vậy, thời gian làm việc nhà của phụ nữ cao gấp đôi nam giới.
Trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về bình đẳng giới qua Mục tiêu 5 là: “Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái”.
Để đạt được mục tiêu trên, việc ban hành các chính sách, cơ chế hỗ trợ phụ nữ khởi sự và phát triển kinh doanh là nhu cầu cấp thiết. Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 của Hội LHPN Việt Nam sẽ khuyến khích, thúc đẩy phụ nữ mạnh dạn bắt đầu công việc kinh doanh dưới hình thức kinh tế hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp hoặc phát triển quy mô, loại hình sở hữu thông qua áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị cao.
Theo Đề án này, phụ nữ DTTS thuộc nhóm được ưu tiên. Giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu của Hội LHPN các cấp là tiếp tục hỗ trợ 12.500 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; các tỉnh/thành hỗ trợ thành lập tối thiểu 600 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có khoảng 200 HTX được các cấp Hội hỗ trợ thành lập tại các vùng miền.
Ngoài Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 của Hội LHPN Việt Nam, hiện nay, trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi có nội dung: Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Mục tiêu của nội dung này là nhằm thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ ở khu vực các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong đồng bào DTTS dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; tạo việc làm và thu nhập ổn định kết hợp với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tri thức truyền thống của cộng đồng các DTTS.
Doanh nghiệp, HTX đang hoạt động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi có kế hoạch mở rộng kinh doanh, sản xuất; doanh nghiệp, HTX mới thành lập có các hoạt động và sử dụng lao động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi là đối tượng được nhận hỗ trợ từ Chương trình MTQG.
Ngay trong Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình MTQG do Hội LHPN Việt Nam chủ trì cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, thành lập 500 tổ/nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ (tổ/nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã) ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường.
Hội LHPN Việt Nam đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kết nối thị trường cho các sản phẩm bản địa do tổ/nhóm phụ nữ sản xuất, hỗ trợ truyền thông xoá bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới trên các phương tiện thông tin và truyền thông.
Hy vọng với sự hỗ trợ nguồn lực từ nhiều chương trình, đề án, chính sách, phụ nữ DTTS sẽ có điều kiện khởi sự kinh doanh, nâng cao quyền năng kinh tế để nâng cao vị thế của mình trong gia đình và xã hội./.