Ngăn ngừa bất bình đẳng giới làm gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ bảy, 23/09/2023 11:19
(ĐCSVN) - Bất bình đẳng giới là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Ngược lại, mất cân bằng giới tính làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới, tạo ra những hậu quả lâu dài về mặt xã hội và nhân khẩu học.

Bà Bríu Thị Pênh, dân tộc Cơ Tu ở xã Tr’hy, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam (năm nay đã ngoài 70 tuổi) hồi tưởng, bà lấy chồng khi mới 14 tuổi. Ở thế hệ của bà trở về trước, chuyện lấy chồng sớm khi tuổi còn nhỏ rất phổ biến. Những người phụ nữ trẻ vừa phải sinh nhiều con, vừa phải ra sức làm việc nhà. Cuộc sống chồng chất khó khăn, luôn trong cảnh thiếu lương thực, thức ăn, quần áo. Quanh năm ngày tháng, họ phải đi làm nương, làm thuê để kiếm cái ăn cho gia đình.

Chuyện của bà Pênh biểu hiện cho một trong những tập quán phổ biến là phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) sinh nhiều con và sinh dày.

Theo điều tra thu thập thông tin 53 dân tộc thiểu số thực hiện năm 2019, số con/phụ nữ chung cho 53 DTTS là 2,35. Ngoại trừ phụ nữ dân tộc Hoa có mức sinh trung bình thấp nhất là 1,52 con; phụ nữ 52 DTTS còn lại đều có mức sinh trung bình trên 2 con.

Ở nhiều DTTS, mức sinh khá cao, chẳng hạn phụ nữ người Mông sinh trung bình 3,57 con; phụ nữ dân tộc Xơ Đăng sinh trung bình 3,51 con; phụ nữ dân tộc Mnông sinh trung bình 3,16 con; phụ nữ dân tộc La Hủ sinh trung bình 3,68 con; phụ nữ dân tộc Chứt sinh trung bình 3,82 con; phụ nữ dân tộc Cơ Lao sinh trung bình 3,71 con; đặc biệt phụ nữ dân tộc Mảng sinh có mức sinh trung bình rất cao, tới 4,97 con…

Mặc dù mức sinh của phụ nữ DTTS đã giảm 0,03 con/phụ nữ so với năm 2015 nhưng vẫn khá cao so với mức bình quân chung của cả nước là 2,09 con/phụ nữ và cao hơn mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ.

Trẻ em người Vân Kiều ở bản Hà Lệt, xã Tân Thành, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Phương Liên).

Không chỉ sinh nhiều con và sinh dày, một vấn đề khác đáng quan tâm là tỷ số giới tính khi sinh của các DTTS thấp hơn so với mức chung của toàn quốc nhưng vẫn còn hơn so với mức cân bằng sinh học. Tỷ số giới tính khi sinh của các DTTS là 110,2 bé trai/100 bé gái (mức trung bình toàn quốc là 111,5 bé trai/100 bé gái) trong khi mức cân bằng sinh học khoảng 104 - 106 bé trai/100 bé gái.

Như vậy, tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh ở Việt Nam không chỉ diễn ra ở các vùng đô thị phát triển mà còn len lỏi đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS - Tổng cục Thống kê nhận định.

Còn nhớ, tại Lễ mít tinh cổ động, diễu hành hưởng ứng Ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10) với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” (ngày 8/10/2019 tại Lạng Sơn), bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế đã phân tích, giữa bất bình đẳng giới và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có mối quan hệ quyết định đến nhau.

Bất bình đẳng giới là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Ngược lại, mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới, tạo ra những hậu quả lâu dài về mặt xã hội và nhân khẩu học như gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm; tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất bình đẳng, ly hôn; bất ổn xã hội, suy giảm sức khoẻ, sức khỏe sinh sản do những thất vọng về mặt xã hội và tình dục ở nam giới…

Nguyên nhân của mất cân bằng giới tính khi sinh là do các quan niệm xã hội và tín ngưỡng đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên; con trai giúp củng cố địa vị của cha mẹ trong xã hội; đứa con sinh ra phải mang họ của bố; người chồng thường là chủ hộ trong gia đình, có quyền quyết định những việc lớn… Tất cả những điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ.

Tuy nhiên, văn hóa - xã hội ngày càng phát triển đồng nghĩa với nhiều phong tục cũ không còn phù hợp với xã hội hiện đại, trong đó tư tưởng bất bình đẳng giới rất cần phải được xóa bỏ.

Để ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Cục Dân số, Bộ Y tế đã chỉ ra một số giải pháp then chốt, đó là tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân; phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới, đồng thời có những hành động thiết thực bảo vệ trẻ em, để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái./.

Xuân Thuỷ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực