Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) là huyện có đông thành phần dân tộc thiểu số, với 30 dân tộc anh em cùng chung sống. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm gần 24% dân số toàn huyện.
Thực hiện mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, huyện đã tiến hành quy hoạch nguồn cán bộ nữ, công chức, viên chức vào các chức cụ, chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị; định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm.
Đội ngũ cán bộ nữ từ huyện đến cơ sở thường xuyên được đào tạo bồi dưỡng để nâng cao nhận thức chính trị và năng lực chuyên môn, trình độ quản lý, kỹ năng lãnh đạo… nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ.
Hiện nay, đại biểu nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026: cấp tỉnh có 3/7 đồng chí, tỷ lệ 42,86%; cấp huyện có 10/35 đồng chí, tỷ lệ 28,57%; cấp xã, thị trấn có 113/400 đồng chí, tỷ lệ 28,25%.
Đại biểu nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025 có 10/40 đồng chí, chiếm tỷ lệ 25%. Lãnh đạo nữ các đơn vị thuộc huyện có 11/194 đồng chí, tỷ lệ 5,67%. Tỷ lệ cán bộ chủ chốt cấp xã có 8/42 đồng chí, tỷ lệ 19%. Tỷ lệ nữ quy hoạch trong các vị trí lãnh đạo chính quyền cấp huyện trong nhiệm kỳ 2026 – 2031 là 24/89 đồng chí, tỷ lệ 26,97%. Nhìn chung, công tác cán bộ nữ đã đạt được những kết quả tốt, từng bước làm chuyển biến nhận thức về công tác cán bộ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của lãnh đạo các cấp, các ngành trong huyện.
Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, nhằm tạo thêm việc làm, nâng cao chất lượng công việc, tăng năng suất, thu nhập cho người lao động nói chung, phụ nữ các dân tộc nói riêng, huyện Lâm Hà đã luôn quan tâm đến các chính sách việc làm cho lao động nữ.
Hàng năm, các ban, ngành, đoàn thể ở huyện, các doanh nghiệp, các xã, thị trấn đã tích cực tổ chức đào tạo, giới thiệu việc làm cho người dân tại các xã khu vực phát triển công nghiệp, dịch vụ; tổ chức các lớp dạy nghề và tập huấn công tác khuyến công, khuyến nông; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây trồng; kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm cho hàng trăm lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia.
Huyện đã tổ chức 19 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 542 lao động, với các nghề trồng dâu nuôi tằm, móc len, chăm sóc sắc đẹp, hàn, sửa chữa máy nông nghiệp tại vùng dân tộc thiểu số trong đó có tới 422 người là lao động nữ dân tộc thiểu số. Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện Lâm Hà đạt tới 75% - một tỷ lệ rất cao so với bình quân chung của cả vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
|
Phụ nữ các dân tộc xã Liêng Srônh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng |
Bên cạnh đó, huyện Lâm Hà còn tích cực tổ chức các hoạt động bảo đảm đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền như tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội, dịp 8/3, 20/10 đã tổ chức các hội thi, sân khấu hoá, nói chuyện chuyên đề về gia đình với chủ đề và các thông điệp về ngày gia đình như: "Ông ba, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Vì một mái ấm gia đình không có bạo lực”, “Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá gia đình Việt Nam”… để tổ chức giao lưu, toạ đàm, biểu dương gia đình tiêu biểu nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Gia đình hạnh phúc 20/3… để tạo sức lan toả trong cộng đồng dân cư. Tỉnh cũng lựa chọn 01 hộ gia đình tham gia liên hoan gia đình văn hoá tiêu biểu các dân tộc tỉnh Lâm Đồng lần thứ II và phát động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình…
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới nên trong năm 2023, trên địa bàn huyện Lâm Hà đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Đó là không có các vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em, tại các trường học không xảy ra bạo lực trên cơ sở giới; không xảy ra hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới đến mức phải xử lý, xử phạt; số vụ bạo lực gia đình rất ít, chỉ có 11 vụ.
Theo đồng chí Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, nhận thức về giới và bình đẳng giới trong thời gian qua tuy đã có sự chuyển biến đáng kể nhưng vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với cán bộ nữ. Một bộ phận chị em còn tự ti, tâm lý an phận, chưa mạnh dạn phấn đấu vươn lên và tỏ rõ bản lĩnh, năng lực nên chưa tạo được niềm tin cho lãnh đạo và xã hội. Mặt khác, do đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận đồng bào còn khó khăn nên phần nào cũng hạn chế sự phấn đấu của phụ nữ. Ở một số đơn vị, cán bộ lãnh đạo chưa nhận thức đúng về giới, còn quan niệm hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ là công việc của phụ nữ và Ban nữ công là chính, nên chưa thật sự quan tâm đúng mức trong chỉ đạo thực hiện. Vì vậy, giữa kế hoạch đề ra và tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế.
Do vậy, trong năm 2024, huyện Lâm Hà sẽ tích cực ban hành và triển khai kế hoạch chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm công tác bình đẳng giới, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới theo nội dung trong Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức giám sát, kiểm tra đối với UBND các xã, thị trấn về thưc hiện bình đẳng giới, đồng thời hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện đầy đủ các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đẩy lùi tư tưởng định kiến giới trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn./.