Những kết quả thực hiện nhiệm vụ về bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số ở Vĩnh Long

Thứ năm, 09/11/2023 15:12
(ĐCSVN) - Bình đẳng giới là một đòi hỏi tất yếu, vì phụ nữ ngày càng chứng tỏ vị thế, khả năng đóng góp của họ cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc tại tỉnh Vĩnh Long, công tác bình đẳng giới gặp khó khăn hơn. Trước thực trạng đó, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, tập trung vào những đối tượng phụ nữ nông thôn, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mục tiêu là giúp chị em có quyền bình đẳng với nam giới trên tất cả các lĩnh vực.
Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Long tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc mình Ảnh: dantocmiennui.vn 

Tỉnh Vĩnh Long là một trong 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở hạ lưu sông Mê Kong và trung tâm vùng đồng bằng. Dân số toàn tỉnh 1.022.791 người, trong đó dân tộc thiểu số 26.596 người chiếm 2,6% dân số toàn tỉnh. Cũng như nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Long là tỉnh có cơ cấu đa dân tộc, ngoài người Kinh, có 19 dân tộc thiểu số sinh sống. Trong đó, người Khmer 22.630 chiếm 2,21% (nữ 11.717 người); Hoa 3.627 chiếm 0,35% (nữ 1.765 người); các dân tộc khác 339 người chiếm 0,03 % (nữ 201 người).

Thông qua các buổi tuyên truyền bình đẳng giới về những vùng nông thôn, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp đã giúp chị em dần thay đổi những định kiến, nâng cao nhận thức, trang bị những kỹ  năng để nhận biết và dám đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình.

Những yếu tố nguyên nhân gây ra bất bình đẳng giới tại địa phương nhất là vùng đồng bào DTTS

Tập huấn, truyền thông để nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới được xem là giải pháp chính. Tuy nhiên, những sản phẩm phục vụ công tác truyền thông còn nghèo nàn, khô cứng về nội dung và hình thức thể hiện, khiến đối tượng tiếp nhận không mấy hào hứng khi tiếp nhận. Khi đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở, người có uy tín… chưa hiểu, không mặn mà với những kiến thức được truyền thông tin, thì tình trạng bất bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ khó được cải thiện.

Cán bộ cung cấp các dịch vụ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, cùng với trang thiết bị, dụng cụ được quan tâm đầu tư. Sự đồng tình cao của đại đa số nhân dân, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể Đặc biệt là phụ nữ và các cặp vợ chồng.

Tâm lý vẫn còn ưa thích con trai để nối dõi tông đường, chăm sóc cha mẹ già.... Một số cặp vợ chồng thiếu hiểu biết về lợi ích giới tính sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Công tác tham mưu với lãnh đạo chưa mạnh dạn đề xuất việc khám sức khỏe định kỳ.

Tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng thực tế, triển khai luật, các chính sách về giới và bình đẳng giới, đặc biệt là các hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều bất cập do nhiều nguyên nhân: Điều kiện tự nhiên của các vùng này còn nhiều khó khăn; Đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn; Công tác giáo dục tuyên truyền chưa được triển khai sâu rộng; Các hoạt động và hình thức chưa phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

 Học sinh là con em đồng bào dân tộc Khmer sinh hoạt ngoài giờ, phát triển kỹ năng viết, vẽ và đọc sách. Ảnh: dantocmiennui.vn

Những kết quả thực hiện các mục tiêu của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới

Các hoạt động giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Cơ quan công tác dân tộc từ cấp tỉnh đến cấp huyện luôn được quan tâm và thực hiện bình đẳng giới, cụ thể công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ nữ được quan tâm; trong năm có trên 100% chị em phụ nữ cơ quan, đơn vị được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và được đào tạo lý luân chinh trị. Công chức làm công tác dân tộc các huyện đều có công chức nữ. Số người có uy tín là nữ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, được bầu chọn là 8.6%, qua đó phần nào phát huy được vai trò của người có uy tín là nữ trong cộng đồng và thể hiện Luật bình đẳng giới đã được ngành dân tộc triển khai sâu, rộng đến ấp khóm.

Các hoạt động nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của người phụ nữ dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động.

Các biện pháp nhằm bảo đảm các hoạt động để phụ nữ nghèo vùng dân tộc được tiếp cận đầy đủ và bình đẳng các nguồn lực kinh tế: Thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ- CP ngày 26 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ. Trong năm 2022, trong tổng số 15/29 là chủ hộ nữ được vay vốn chuyển đổi nghề giải quyết việc làm theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ với kinh phí là 890 triệu đồng, việc vay vốn đó góp phần phụ nữ nghèo vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận nguồn tín dụng, có thêm vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh góp phần cải thiện, nâng cao kinh tế của gia đình.

Các hoạt động bảo đảm bình đẳng giới trong gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được triển khai thực hiện với nhiều nội dung phong phú. Biên soạn tài liệu tuyên truyền với mục đích cung cấp cô đọng về Luật bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình, nội dung các chính sách đang triên khai trên đia ban xã vùng đồng bào dân tộc và một số phương pháp, kỹ năng chuẩn bị nội dung, tổ chức tư vấn tập trung, tư vấn cá nhân. Hội nghị tập huấn tổ chức được 1 lớp tập huấn tại thị xã Bình Minh cho các đối tượng là lãnh đạo, cán bộ, công chức các xã vùng dân tộc với hơn 210 lượt người tham gia với các nội dung: lập kế hoạch hoạt đông cho Tổ tư vấn, cách thu thâp thông tin vàcập nhật sổ theo dõi đối tượng cần tư vấn; triển khai các văn bản Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo Lực gia đình... Tư vấn một số hộ có nguy cơ cao về học sinh bỏ học, và gia đình có ý định cưới hôn cận huyết thống cho con.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, năm 2022, số phụ nữ là người dân tộc thiểu số được tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, triển khai thực hiện từ chương trình nâng cao năng lực cộng đồng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS đạt tiêu chí kế hoạch đề ra. Ngoài ra thực hiện hợp phần phát triển sản xuất từ chương trình chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, nhiều chị em phụ nữ DTTS đã mạnh dạn tham gia vào một số mô hình phát triển kinh tế, qua đó đời sống gia đình dần được cải thiện và ổn định.

Trong năm qua, trên địa bàn tỉnh cũng luôn đẩy mạnh thông tin, truyền thông về chính sách dân tộc, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Các lớp tuyên truyền tại tỉnh, cơ sở mời ít nhất 30% là chị em phụ nữ tham dự. Thực hiện Quyết định 45/QĐ-TTg về cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, có chuyên đề dân tộc và miền núi 1 kỳ/tuần (52 kỳ/năm) cho Hội phụ nữ xã, chi hội phụ nữ tại các ấp được thụ hưởng đầy đủ, góp phần phục vụ công tác tuyên truyền chuyển đổi nhận thức về bình đẳng giới cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số.

Việc triển khai, thực hiện các chính sách về bình đẳng giới trong ngành công tác dân tộc các cấp và vùng dân tộc thiểu số đã góp phần từng bước chuyên đổi nhận thức của cán bộ, công chức ngành công tác dân tộc và của người dân về bình đẳng giới, tình trạng trẻ em gái bỏ học, bạo lực gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm. Qua đó tuyên truyền đã có phần lớn gia đình thuộc vùng dân tộc bỏ ý định cưới hôn cận huyết thống cho con.

Trong giai năm 2022, Ban Dân tộc đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và chỉ đạo cơ quan công tác dân tộc các cấp xây dựng kế hoạch để tổ chức, thực hiện công tác bình đẳng giới; lồng ghép các chỉ tiêu bình đẳng giới trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc ở cơ sở. Các cấp ủy, chính quyền xã đã đưa nội dung về bình đẳng giới vào Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội của xã, cụ thể thực hiện các chỉ tiêu: giảm tỷ lệ trẻ em bỏ học; giảm thiểu tình trạng hôn nhân cận huyết; xây dựng gia đình văn hóa, phum sóc đạt tiêu chí văn hóa; giảm tỷ lệ hộ nghèo,...

Thông qua công tác tuyên truyền, tập huấn nhận thức về bình giới cán bộ, công chức và người dân được nâng lên rõ rõ rệt, công chức của xã không có trường hợp cưới hôn cận huyết thống cho con, em trong gia đình. Các thành viên Tổ tư vấn tại cơ sở có cơ hội tiếp cận kiến thức bình đẳng giới, từng bước nhận thức được tác hại của tình trạng hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình tác động đến kinh tế gia đình, xã hội. Qua đó đã tư vấn tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chính sách, Pháp luật của Nhà nước nói chung và thực hiện bình đẳng giới nói riêng.

Tuy đạt được những kết quả cụ thể, nhưng trong thời gian qua, công tác bình đẳng giới vẫn còn tồn tại những hạn chế và khó khăn nhất định. Khi tuyên truyền, triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia bình đẳng giới và các chương trình chính sách khác tại vùng dân tộc, thường là nam giới tham dự, khi thực hiện lại là chị em phụ nữ, dẫn đến hiệu quả tác động hạn chế. Chị em phụ nữ dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa hạn chế, làm chủ hộ gia đình không nhiều, cơ hội tham dự các buổi tuyên truyền chính sách dân tộc, pháp luật của Đảng và Nhà nước hạn chế; nhiều chị em không nắm được nội dung các chính sách được thụ hưởng và do đó số chị em tham gia vay vốn phát triển sản xuất còn ít. Kinh phí hoạt động cho công tác bình đẳng giới tại vùng dân tộc thiểu số còn ít, chưa được cấp thường xuyên, do đó ảnh hưởng rất nhiều đến việc thực hiện công tác bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.../.

QT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực