Phụ nữ di cư là lực lượng lao động rất quan trọng, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của các địa phương. Vì điều kiện kinh tế, có rất nhiều chị em phụ nữ đã phải xa gia đình, xa quê hương di cư làm ăn xa không chỉ trong nước mà còn qua hình thức xuất khẩu lao động nơi xứ người. Sau thời gian xa xứ, các chị trở về địa phương được các cấp hội LHPN trong tỉnh chung tay, phối hợp của các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động hỗ trợ, tạo môi trường sống và làm việc an toàn cho chị em. Trong số đó có nhiều chị chủ động, tích cực tham gia các hoạt động Hội, phát triển kinh tế hiệu quả.
|
Sau thời gian xa xứ, các chị trở về địa phương được các cấp hội LHPN trong tỉnh chung tay, phối hợp của các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động hỗ trợ, tạo môi trường sống và làm việc an toàn cho chị em. |
Chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Ràm Ruộng, xã Quang Trung (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) xuất khẩu lao động làm nghề giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út từ năm 2014 đến năm 2019, thu nhập mỗi tháng được 10 triệu đồng, chị dành dụm gửi về nuôi hai con ăn học. Ở nơi xứ người, mọi thứ đều lạ lẫm, nhớ gia đình, thương các con còn nhỏ, chị càng cố gắng, chăm chỉ làm việc và được chủ gia đình quý mến, tạo điều kiện. Sau 5 năm, trở về địa phương chị dành những đồng vốn tích lũy lao động ở nước ngoài để tăng gia sản xuất và tiếp tục tham gia sinh hoạt Chi Hội phụ nữ... Các con của chị chăm chỉ học tập nên đều có công việc ổn định. Chị được chị em tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi Hội phụ nữ thôn. Kinh tế gia đình khá giả với mô hình chăn nuôi lợn cỏ, gà, trồng cây ăn quả... chị nhận thấy quyết định “di cư” của mình là hợp lý.
Đến với gia đình chị Nguyễn Thị Luận ở thôn Yên Thành, xã Đông Yên (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), nhiều người rất ấn tượng và vô cùng thích thú ngắm nhìn vườn hoa lan hồ điệp của gia đình. Đây là thành quả sau 9 năm xuất khẩu lao động chị đã học và đưa nghề về quê. Chị Luận cho biết: Năm 2002 chị đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan và làm việc ở xưởng ươm trồng hoa lan hồ điệp. Năm 2011 trở về quê, chị bàn với chồng mạnh dạn đầu tư nhà màng ươm trồng cấy ghép hoa lan hồ điệp và mang lại giá trị kinh tế cao, giải quyết việc làm cho 8 lao động nữ trong thôn với mức thu nhập trung bình 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Có thời điểm tạo việc làm cho hơn 20 lao động thời vụ. Hiện chị Luận còn kinh doanh thêm các loại hoa như lan rừng, mắt ngọc, giống cây hoa giấy...
Có rất nhiều chị em phụ nữ không chỉ di cư, xuất khẩu lao động nâng cao thu nhập cho gia đình, mà chính sự nhanh nhẹn, ham học hỏi và không ngừng nỗ lực, nhiều chị em đã học được thêm nghề trong quá trình làm việc nơi xứ người để đưa nghề về quê phát triển. Tiêu biểu như chị: Lê Thị Việt ở thị trấn Nông Cống (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa), chủ cơ sở sản xuất hoa tươi bất tử Việt Uyên tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên và truyền nghề cho lao động ở các tỉnh, thành khác; chị Nguyễn Thị Vân ở thôn Thọ Sơn 1 xã Tân Châu (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) mở xưởng cơm cháy Ánh Dương tạo việc làm cho 30 lao động với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng; chị Bùi Thị Gia Nhân ở thôn Mục Long, xã Thành Minh (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) mở xưởng sản xuất nấm, bình quân mỗi năm thu về lợi nhuận 120 triệu đồng...
|
Nhiều chị em chủ động, tích cực tham gia các hoạt động Hội, phát triển kinh tế hiệu quả. |
Phụ nữ di cư là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó tiếp cận với các chính sách về an sinh xã hội. Bên cạnh những cơ hội cải thiện cuộc sống, nữ lao động di cư cũng phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng, đặc biệt là nạn lừa đảo và mua bán người. Đã có nhiều chị em trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo và mua bán người. Để góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ, giúp chị em trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bạo lực, mua bán, di cư an toàn, năm 2022 Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, Hội LHPN huyện Lang Chánh thành lập nhóm “Di cư an toàn” thị trấn Lang Chánh, nhằm giúp chị em chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng làm việc khi tham gia xuất khẩu lao động, quyền của người lao động và các chính sách liên quan, kiến thức phòng chống bạo lực, bóc lột, lừa đảo...
|
Các hoạt động giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm của chị em phụ nữ trong cuộc sống và trong quá trình khởi nghiệp, phát triển kinh tế... |
Năm 2023, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức các lớp tập huấn nhận thức đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới; hệ thống hóa các hoạt động nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực làm chủ của phụ nữ, nhất là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức các chương trình giao lưu kết nối giới thiệu mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người, di cư an toàn và mời chuyên gia nói chuyện chuyên đề về“Bình đẳng giới”, “Lắng nghe nạn nhân, dẫn lối hành động”. Các chị tham gia giao lưu đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong cuộc sống và trong quá trình khởi nghiệp, phát triển kinh tế... từ đó truyền cảm hứng cho rất nhiều chị em có nhu cầu di cư, xuất khẩu lao động tìm hiểu kỹ thị trường nơi mình đến để có quyết định đúng đắn.
Với những khó khăn về việc làm, kinh tế, thu nhập như hiện nay, Phụ nữ di cư nói chung đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa của cơ quan quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Thông qua các hoạt động hỗ trợ để chị em phụ nữ có thể đưa ra quyết định di cư, xuất khẩu lao động đúng đắn, bảo vệ an toàn cho bản thân, ổn định việc làm và thu nhập tốt hơn, góp phần“Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội”./.