Những thách thức lớn trong công tác bình đẳng giới

Thứ sáu, 15/09/2023 21:18
(ĐCSVN) – Dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm thúc đẩy một cách mạnh mẽ, tạo sự chuyển biến về chất sẽ giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng về giới, để người phụ nữ DTTS có cơ hội vươn lên làm chủ cuộc sống, góp phần xây dựng một xã hội bình đẳng, hạnh phúc.

Những thành tựu trong thực hiện bình đẳng giới vùng DTTS

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, ban hành nhiều văn bản và thực hiện các hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Nhờ đó đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố vào tháng 7/2022, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021 (năm 2021 Việt Nam xếp thứ 87/144 quốc gia), trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt. Kinh phí cho công tác bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm, bố trí và lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, từng bước đảm bảo nguồn lực cho việc triển khai các nhiệm vụ của lĩnh vực bình đẳng giới.

Đối với vùng đồng bào DTTS, phụ nữ thiệt thòi hơn do những khó khăn về địa lý, về khoảng cách, về điều kiện kinh tế - xã hội và vì tư duy còn lạc hậu của đồng bào. Phụ nữ và trẻ em gái ở đây chịu rất nhiều thiệt thòi, ít có cơ hội phát triển, ít được tiếp cận với điều kiện để học hành và phát triển hơn. Đó cũng là lý do mà Chính phủ ta đặc biệt quan tâm đến công tác bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS. Trong các chủ trương chính sách, những chính sách đặc thù cho vùng DTTS luôn được nhấn mạnh như: Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025; Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030... 

 Phụ nữ DTTS và MN còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận y tế, văn hóa, giáo dục...

Theo một dự án nghiên cứu của Viện Khoa học-Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Vụ DTTS (Ủy ban Dân tộc) và Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam công bố mới đây, đã cho thấy, tỷ lệ tảo hôn của người DTTS đã giảm 4,7%, tỷ lệ hộ gia đình DTTS có kết nối internet (wifi, cáp hoặc 3G) tăng 9,4 lần, từ 6,5% năm 2015 lên 61,3% năm 2019; thu nhập bình quân một nhân khẩu/tháng của người DTTS năm 2018 đã tăng mạnh 1,8 lần so với năm 2014 và thu nhập trung bình hàng tháng của hộ gia đình DTTS có chủ hộ là nữ luôn cao hơn so với chủ hộ là nam. Tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em DTTS tăng 15,2% trong giai đoạn 2015 và 2019; tỷ lệ người DTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,5% trong đó không có sự khác biệt giữa nam và nữ.

Phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia ngày càng nhiều vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; có việc làm, thu nhập và ngày càng độc lập, tự chủ hơn về kinh tế; tham gia các hoạt động xã hội ngày càng nhiều hơn; được chăm sóc sức khỏe; thụ hưởng những giá trị văn hóa, tinh thần; có quyền tự chủ hơn trong quyết định kết hôn, sinh con… Tỷ lệ phụ nữ người dân tộc thiểu số có công việc hưởng lương; tỷ lệ nữ cán bộ, công chức; tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số làm kinh doanh ngày càng tăng. Ngày càng có nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia hoạt động chính trị, đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo ở các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và hệ thống chính trị của đất nước.

Chỉ tính riêng Quốc hội khóa XIV có 133 nữ đại biểu thì 41 nữ đại biểu là người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số đã tăng rõ rệt qua từng khóa (từ 4,5% ở khóa IX lên 8,3% ở khóa XIV) và gần như ngang bằng với số đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số là nam giới. Ở Quốc hội khóa XV, tỷ lệ nữ đại biểu là người dân tộc thiểu số tiếp tục tăng lên 8,8% (44 đại biểu nữ/89 đại biểu người dân tộc thiểu số. Có thể thấy, vai trò, vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình và xã hội đã ngày càng được nâng lên.

Thực hiện các chủ trương trên, đến nay, việc thực hiện các chương trình, dự án đạt một số kết quả đáng ghi nhận qua những kết quả của các địa phương. Đến nay, Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025" được triển khai ở tất cả các địa phương có đồng bào DTTS.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Trần Kim Dung - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu về nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Tính đến tháng 6/2023, công tác bình đẳng giới được triển khai ở tất cả các huyện, thành phố; toàn tỉnh đã thành lập được 151/142 “Tổ truyền thông cộng đồng”; các mô hình “Địa chỉ tin cậy”, câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tăng lên và đi vào hoạt động nền nếp; tổ chức hàng trăm lớp tập huấn nâng cao năng lực triển khai một số mô hình, hoạt động của dự án; tập huấn giám sát đánh giá về bình đẳng giới, chương trình phát triển năng lực lồng ghép giới và hướng dẫn tổ chức đối thoại chính sách ở cấp cơ sở... cho hơn 3.500 đại biểu tham gia; tổ chức 16 chương trình phát động chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến, khuôn giới mẫu trong gia đình và cộng đồng cho gần 3.000 hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc 6 huyện.

Nhiều giải pháp được đưa ra nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ DTTS có cơ hội vươn lên làm chủ cuộc sống.

Đối với Bắc Kạn, thực hiện Đề án 1898, Ban Dân tộc tỉnh đã chỉ đạo các xã đã triển khai mô hình từ trước là Đôn Phong (Bạch Thông) và Hoàng Trĩ (Ba Bể), hoạt động tuyên truyền đã vận dụng nhiều hình thức, như: Tuyên truyền gián tiếp qua video, thi kiến thức qua hình thức trắc nghiệm, thi tiểu phẩm… Các nội dung tập trung tìm hiểu về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… Những câu chuyện về nạn tảo hôn, bạo lực gia đình, trọng nam khinh nữ, sự can thiệp của các tổ chức, đoàn thể trong vấn đề tảo hôn… được tái hiện sinh động và hấp dẫn. Các công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn, các hình thức sân khấu hóa nhằm mục tiêu 100% cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương và 50% cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, cấp xã và người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; 80% số hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người được tiếp cận thông tin về giới và pháp luật về bình đẳng giới; 30 - 50% các xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống xây dựng các mô hình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở bình đẳng giới…

Đối với tỉnh Hà Giang, nhiều sáng kiến nhằm đẩy mạnh bình đẳng giới trong đồng bào DTTS được thực hiện như: triển khai cuộc vận động “Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông”; mở các lớp xóa mù chữ, dạy tiếng phổ thông cho hội viên, phụ nữ. Đã có hàng trăm lớp xóa mù chữ được mở đã giúp cho gần 16.000 phụ nữ DTTS được học tiếng phổ thông. Nhằm đảm bảo BĐG trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; hướng dẫn kiến thức và kỹ năng nuôi dạy con theo khoa học cho gia đình hội viên, phụ nữ thông qua hoạt động của các câu lạc bộ về lĩnh vực gia đình, các nhóm cha mẹ, nhóm trẻ vui chơi đọc sách... Đặc biệt, đã tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Do đó, tỷ lệ nữ tham gia là lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, HĐND – UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội đều tăng so với những năm trước.

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái vùng đồng bào DTTS&MN còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận quyền bình đẳng do nhiều lý do cả chủ quan và khách quan ở trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, y tế và giáo dục, lao động việc làm cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Theo nghiên cứu trên, phụ nữ khu vực này bất bình đẳng về kinh tế, Việc quản lý tài chính, chi tiêu trong gia đình phần lớn đều do nam giới quyết định, nguyên nhân là ở các dân tộc không theo chế độ mẫu hệ có quan niệm đàn ông là người chăm lo gia đình, thờ cúng tổ tiên, nên thường được hưởng thừa kế, được quản lý, định đoạt tài sản. Theo thống kê, có tới 74,2% hộ gia đình dân tộc thiểu số do nam giới đứng tên độc lập về quyền sở hữu đất đai và tín dụng, trong khi tỷ lệ này ở người Kinh chỉ là 40,6%; chỉ có 11,3% phụ nữ ở các dân tộc Hmông, Dao, Brâu, Vân Kiều, Giáy… đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phụ nữ trở nên yếu thế, không được tham gia, quyết định nhiều vấn đề trong gia đình, trách nhiệm phải làm hầy hết việc nhà, thậm chí bị bạo lực gia đình. Ngay cả việc kết hôn, phụ nữ dân tộc thiểu số nhiều khi không được lựa chọn bạn đời theo tình cảm của mình, mà do cha mẹ gả, ép hôn.

Phụ nữ  xã Ch'om, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thường xuyên trao đổi về phương pháp thực hiện bình đẳng giới

Phụ nữ cũng ít được tham gia vào các công việc của hệ thống chính trị các cấp, đảm nhận các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Các dân tộc thiểu số như Si La, La Hủ, Cống, Mảng, Lự… hiện nay chưa có cán bộ nữ tham gia vào đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị các cấp.

Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, giáo dục, phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng như trong giáo dục, đặc biệt là học tập ở những bậc học cao, hoặc được tham gia các khóa đào tạo chuyên môn, tay nghề, kỹ thuật… Chỉ có 5,9% lao động nữ dân tộc thiểu số có việc làm đã qua đào tạo, trong đó, số lao động có trình độ sơ cấp nghề là 0,2%, trung cấp là 2,5%, cao đẳng là 1,4% và đại học trở lên cũng chỉ đạt 1,7%. Một số dân tộc như dân tộc Hmông chỉ có 0,9% nữ lao động có việc làm đã qua đào tạo, 0% sơ cấp nghề, 0,6% trung cấp, 0,2% cao đẳng và 0,1% từ đại học trở lên, trong khi tỷ lệ lao động nam được đào tạo cao hơn nhiều, là 3,4%, 0,2%, 2,0%, 0,5% và 0,7 %. Chính vì đó, tỷ lệ phụ nữ tiếp cận việc làm cũng thấp hơn, chỉ làm các công việc lao động giản đơn có thu nhập thấp.

Nói về nguyên nhân, vẫn là tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn sâu vào tiềm thức của đại bộ phận người dân; do trình độ nhận thức của người dân hạn chế; rất nhiều phụ nữ không hiểu hoặc chưa biết được những quyền cơ bản của mình; hoặc đôi khi, họ chấp nhận không thực hiện quyền của mình, coi đó là sự “hy sinh” cho gia đình, con cái. Chính những tư tưởng đó đã làm chậm con đường đi đến mục tiêu bình đẳng giới mà chúng ta đang phấn đấu.

Có thể thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện bình đẳng giới hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vẫn còn những hạn chế, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ cấp ủy và chính quyền địa phương, cán bộ thôn, bản đến chính bản thân những phụ nữ và trẻ em gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS & MN

Tuy còn nhiều khó khăn, bất cập trong thực hiện bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS, tuy nhiên, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta rất rõ ràng thông qua các quyêt định như: ngày 28/11/2017 Chính phủ ban hành Quyết định số 1898/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025"; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025, trong đó có Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được coi là những đòn bẩy để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào DTTS&MN cũng như đẩy mạnh mục tiêu bình đẳng giới ở khu vực này, khẳng định mối quan tâm đặc biệt của Chính phủ với đối tượng phụ nữ DTTS.

 Phụ nữ càng có tri thức, hiểu biết, càng bình đẳng hơn.

Các địa phương cũng luôn cố gắng phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra của Đề án 1898 cũng như các quyết định của Nhà nước về bình đẳng giới; tăng cường, kiên trì đẩy mạnh truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về bình đẳng giới tại vùng DTTS bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào DTTS. Cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới có chất lượng hướng tới đối tượng là đồng bào DTTS. Song song với đó, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác dân tộc và bình đẳng giới ở cấp cơ sở; áp dụng, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả tại cấp cơ sở để lan tỏa tới cộng đồng những thông điệp ý nghĩa về bình đẳng giới.

Nhiều địa phương cũng đã rút ra những bài học kinh nghiệm trong thực hiện công tác bình đẳng giới trong thời gian qua, từ đó đề ra những giải pháp hữu hiệu hơn trong đó, điểm đáng lưu ý là sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bình đẳng giới; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương nhằm đảm bảo tính liên kết, hiệu quả giữa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của kế hoạch; chú trọng lồng ghép thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới với nhiệm vụ của các sở, ban, ngành và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bình đẳng giới.

Tin tưởng rằng, đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy một cách mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến về chất, giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng về giới, để người phụ nữ DTTS có cơ hội vươn lên làm chủ cuộc sống, góp phần xây dựng một xã hội bình đẳng, hạnh phúc./.

Thương Huyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực