Nỗ lực đạt bình đẳng giới trong phân công làm việc nhà cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Thứ năm, 19/10/2023 08:47
(ĐCSVN) - Phân công lao động trong gia đình là chỉ báo quan trọng đo lường mức độ bình đẳng giới trong đời sống gia đình. Làm thế nào để phụ nữ và nam giới ngày càng chia sẻ nhiều hơn các công việc gia đình là một trong những mục tiêu của chính sách bình đẳng giới.

Theo GS, TS. Nguyễn Hữu Minh - Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, phân công lao động trong gia đình là chỉ báo quan trọng đo lường mức độ bình đẳng giới trong đời sống gia đình. Làm thế nào để phụ nữ và nam giới ngày càng chia sẻ nhiều hơn các công việc gia đình là một trong những mục tiêu của chính sách bình đẳng giới.

Theo phân tích của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc từ kết quả điều tra thu thập thông tin 53 dân tộc thiểu số lần thứ II, gánh nặng công việc chăm sóc không được trả công trong hộ gia đình dân tộc thiểu số (DTTS) hiện nay vẫn đang đặt nhiều hơn vào phụ nữ và trẻ em gái.

Phụ nữ dân tộc thiểu số rất cần sự chia sẻ gánh nặng công việc gia đình từ nam giới (Ảnh: Trần Quỳnh) 

Phụ nữ DTTS đang phải chịu trách nhiệm chính về công việc chăm sóc không được trả công trong hộ gia đình và trong cộng đồng.

Trong bối cảnh cơ sở hạ tầng ở vùng DTTS kém phát triển (ví dụ điện, nước sạch cho sinh hoạt, đường giao thông, chợ, trường học, trạm y tế… thiếu thốn hoặc xa nơi ở; thiếu các trang thiết bị hỗ trợ công việc nội trợ, chăm sóc trong hộ gia đình, chẳng hạn như thiếu các dịch vụ có chất lượng trông trẻ, chăm sóc người già, người ốm; thiếu các thiết bị hỗ trợ nội trợ trong hộ gia đình (tủ lạnh, nồi cơm điện, bếp từ, bếp ga…) thì gánh nặng công việc nội trợ, chăm sóc gia đình của phụ nữ DTTS càng nặng nề hơn.

Theo khảo sát, có 74% phụ nữ DTTS và 5% trẻ em gái DTTS thường xuyên đảm nhận công việc đi lấy nước sinh hoạt trong hộ gia đình, so với tỷ lệ tương ứng của cả nước và 65% và 2%. Có 20% hộ gia đình DTTS mất hơn 30 phút đi lấy nước sinh hoạt, so với tỷ lệ tương ứng của cả nước là gần 4%.

Đối với các DTTS theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ chịu trách nhiệm chính trong hoạt động kinh tế tạo thu nhập, đồng thời họ cũng chịu trách nhiệm chính trong công việc nội trợ, chăm sóc của hộ gia đình.

Những phân tích này hoàn toàn trùng khớp với nghiên cứu của GS, TS. Nguyễn Hữu Minh. Theo một công bố của GS,TS. Nguyễn Hữu Minh trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử về kết quả nghiên cứu các hộ gia đình DTTS, những công việc nam giới làm chủ yếu là: bảo trì, sửa chữa đồ dùng trong gia đình; làm, sửa nhà; thắp hương, cúng lễ ở bàn thờ.

Những công việc phụ nữ làm chủ yếu là: quản lý tiền trong gia đình và các công việc nội trợ, chăm sóc trong gia đình.

GS, TS. Nguyễn Hữu Minh cho rằng, qua đó cho thấy khuôn mẫu truyền thống về phân công lao động theo giới trong gia đình vẫn được bảo lưu ở các gia đình DTTS hiện nay.

Các công việc do phụ nữ làm thường là công việc hằng ngày. Do đó ảnh hưởng đến tổng thời gian dành cho công việc gia đình. Tính trung bình người phụ nữ ở các gia đình DTTS phải làm việc nhà nhiều hơn so với nam giới gấp gần 1,5 lần.

Tuy nhiên, khoảng cách giới về thời gian làm việc nhà khác nhau theo các nhóm dân tộc và khu vực. Chênh lệch giữa thời gian làm việc nhà của nam giới và phụ nữ các dân tộc theo chế độ mẫu hệ là 1,5 lần, trong khi đó với dân tộc theo chế độ phụ hệ là 0,7 lần.

Đối với các khu vực, khoảng cách giới thấp nhất là ở nhóm dân tộc miền núi phía Bắc (theo chế độ phụ hệ) với 1,3 lần; khu vực Bắc Trung Bộ (theo chế độ phụ hệ) với 1,48 lần. Khoảng cách thời gian làm việc nhà giữa phụ nữ và nam giới cao hơn hẳn ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long (chủ yếu theo chế độ mẫu hệ), với khoảng cách lần lượt là 1,79 và 1,7 lần.

Như vậy, phụ nữ thuộc nhóm dân tộc mẫu hệ có thời gian làm việc nhà cao hơn đáng kể so với phụ nữ dân tộc theo chế độ phụ hệ; đồng thời cũng nhiều hơn thời gian làm việc của nam giới. Điều này phản ánh phụ nữ thuộc các dân tộc mẫu hệ phải chịu gánh nặng công việc nhà rất nhiều.

Nguyên nhân là do nhận thức của phụ nữ DTTS và cộng đồng người DTTS bị ảnh hưởng nặng nề của định kiến và khuôn mẫu giới về phân công công việc trong gia đình, áp đặt công việc nội trợ, chăm sóc trẻ em, người già, người ốm trong gia đình là trách nhiệm, nghĩa vụ của phụ nữ.

Một buổi nói chuyện chuyên đề về thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà tại Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: CTV) 

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta ban hành và triển khai nhiều quy định luật pháp, chính sách về bình đẳng giới kết hợp với tác động của công tác tuyên truyền vận động, nâng cao trình độ học vấn cho phụ nữ DTTS… nên đã có tác dụng nhất định trong việc huy động sự tham gia đồng đều của hai giới vào các công việc gia đình, nhất là với giới trẻ trong vấn đề nuôi dạy con và thay mặt gia đình trong quan hệ với bên ngoài.

Bà Nguyễn Thị Son, dân tộc Mường ở xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội cho biết, nam giới người Mường bây giờ ngoài việc lao động sản xuất đã giúp phụ nữ những công việc nhà như đưa đón cháu đi học, trông cháu, chơi với cháu… Nhờ vậy mà phụ nữ Mường đã có thêm thời giờ nghỉ ngơi hoặc tham gia sinh hoạt câu lạc bộ dân ca, dân vũ… Không khí gia đình vì thế cũng trở nên hòa thuận, vui vẻ hơn rất nhiều.

Những chuyển biến tích cực trên cho thấy việc tiếp tục tăng cường hoạt động truyền thông thay đổi định kiến và khuôn mẫu giới về công việc nhà  không được trả lương của phụ nữ DTTS là rất cần thiết.

Liên quan đến nội dung này, trong Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, tại Mục tiêu 3: Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới có Chỉ tiêu 1: Giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới.

Tuy nhiên, đối tượng truyền thông cần bao gồm cả phụ nữ và nam giới, cả trẻ em trai và trẻ em gái DTTS nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thúc đẩy sự chia sẻ trách nhiệm và phân công lại công việc chăm sóc trong hộ gia đình DTTS.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng cơ sở ở vùng DTTS (trường học, trạm y tế, nước sạch, đường giao thông, chợ) có đáp ứng giới. Tuy nhiên, cần quy định tỷ lệ phụ nữ DTTS/tổ chức đại diện của phụ nữ DTTS được tham gia, có tiếng nói đại diện trong các quyết định liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng ở địa phương. Đẩy mạnh hoạt động nâng cao năng lực thông qua đào tạo/tập huấn kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ DTTS/tổ chức đại diện) để tham gia vào các quyết định về phát triển cơ sở hạ tầng.

Nghiên cứu phát triển các mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả ở vùng DTTS và miền núi về chăm sóc người già, trẻ nhỏ và người ốm; dịch vụ cung cấp nước sạch tới các cụm dân cư ở vùng DTTS để giải phóng sức lao động của hộ gia đình DTTS về công việc chăm sóc không được trả công.

Tăng cường hoạt động khảo sát, nghiên cứu sử dụng phương pháp và công cụ của quốc tế để đo lường thời gian phụ nữ và nam giới DTTS dành cho công việc chăm sóc không được trả công trong hộ gia đình. Khuyến khích các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách áp dụng phương pháp tiếp cận khoa học về công việc chăm sóc không lương trong hoạch định và thực hiện chính sách cho vùng đồng bào DTTS./.

Trần Dũng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực