Nữ đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số vươn lên khẳng định bản thân và đóng góp cho đất nước

Thứ ba, 12/09/2023 16:49
(ĐCSVN) - Sinh thời, nói chuyện tại Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Để thực hiện thật sự bình quyền, phụ nữ phải ra sức phấn đấu”. Học tập và làm theo tư tưởng của Người, các nữ đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số đã không ngừng nỗ lực cố gắng vươn lên khẳng định bản thân và đóng góp cho đất nước và dân tộc.

Tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và được bình đẳng là quan điểm xuyên suốt của Đảng ta từ ngày thành lập tới nay. Điều 9, Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước ta đã khẳng định: "Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện".

Hiến pháp 2013 - Hiến pháp hiện hành, tại Điều 26 quy định: (1) Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. (2) Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. (3) Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.

Sinh thời, nói chuyện tại Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn: “Để thực hiện thật sự bình quyền, phụ nữ phải ra sức phấn đấu”.

Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ các dân tộc thiểu số (DTTS) đã không ngừng nỗ lực cố gắng vươn lên khẳng định bản thân và đóng góp cho đất nước và dân tộc.

Trong Quốc hội khoá XV - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất có 44 nữ đại biểu Quốc hội là người DTTS, chiếm 49,43% tổng số đại biểu Quốc hội là người DTTS. Trong đó đại biểu nữ trẻ nhất là chị Quàng Thị Nguyệt, sinh năm 1997, người dân tộc Khơ Mú; có cô giáo Nàng Xô Vi, người dân tộc Brâu đầu tiên trúng cử. Ngoài ra, còn có các nữ đại biểu thuộc các thành phần dân tộc: Mông, Khmer, Chăm, Tày, Thái, La Chí…

Các nữ đại biểu Quốc hội người DTTS đã luôn tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ, tài năng, tâm huyết của mình, xứng đáng là những phụ nữ ưu tú, đại biểu của đồng bào các DTTS. Kinh nghiệm hoạt động của các nữ đại biểu cũng không ngừng được nâng lên; tỉ lệ phát biểu, tham gia tại các kỳ họp luôn ở mức cao; nhiều ý kiến được tiếp thu, có sức thuyết phục. Nhiều nữ đại biểu Quốc hội người DTTS được Đảng, Nhà nước tín nhiệm, giao trọng trách làm lãnh đạo Hội đồng Dân tộc; trưởng, phó đoàn đại biểu và các vị trí khác trong hệ thống chính trị.

Tại các kỳ họp, các nữ đại biểu người DTTS đã bám sát tình hình đất nước, vùng DTTS và miền núi, phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng của cử tri mà mình đại diện tới Quốc hội; mạnh dạn tranh luận, tích cực thảo luận nêu ý kiến đóng góp vào các vấn đề quốc kế dân sinh hay thực hiện quyền chất vấn với các thành viên Chính phủ về các vấn đề liên quan đến vùng DTTS và miền núi…

 Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc về công tác giữ gìn, phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 5, đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt đã chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc về công tác giữ gìn, phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc được thực hiện như thế nào, có những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình thực hiện? Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới?

Đại biểu Vương Thị Hương, dân tộc La Chí, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang chất vấn về vai trò là cơ quan thường trực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Uỷ ban Dân tộc đã tham mưu cho Chính phủ như thế nào trong việc rà soát, cân đối bố trí ngân sách Trung ương, bổ sung cho tăng chi đầu tư phát triển, hỗ trợ để tăng vốn tín dụng chính sách và huy động các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn xã hội hoá cho Chương trình?

Đại biểu Khang Thị Mào, dân tộc Mông - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái chất vấn về những giải pháp giúp bà con DTTS và miền núi định cư ổn định cuộc sống trong thời gian tới?

Đại biểu Châu Quỳnh Dao, dân tộc Khmer - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang băn khoăn trước việc đồng bào DTTS vùng Đồng bằng sông Cửu Long sống đan xen với dân tộc khác nên số lượng xã, ấp đạt tỷ lệ số hộ DTTS từ 15% trở lên là rất ít, do đó địa phương khó triển khai những chính sách thuộc Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, trong khi nhiều hộ DTTS còn nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết quan điểm về tiêu chí phân định đối với vùng đồng bằng sông Cửu và giải pháp để đồng bào DTTS còn khó khăn nơi đây được thụ hưởng những chính sách như Chương trình đã ban hành.

Đại biểu Ma Thị Thúy, dân tộc Tày, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang lại quan tâm đến việc Nghị định số 05/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc đã ban hành 12 năm, hiện nay có nhiều bất cập. Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Chính phủ sửa đổi ra sao?

Là những người có mối liên hệ gắn bó mật thiết, sâu sắc với cử tri, thậm chí hiện vẫn đang công tác tại địa bàn vùng DTTS và miền núi nên các nữ đại biểu Quốc hội người DTTS nắm rất chắc thực trạng tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Vì vậy, khi tham gia ý kiến các các dự án luật hoặc thảo luận đóng góp ý kiến vào các báo cáo của Chính phủ, các nữ đại biểu Quốc hội người DTTS đã đưa ra được những ý kiến hết sức xác đáng.

Đại biểu Vương Thị Hương cho biết, trước thực trạng thiếu nhân lực y tế nói chung và nhân lực có trình độ ở tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là đối với vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, cần bổ sung thêm quy định chính sách của Nhà nước về đào tạo nhân lực có trình độ tại các vùng này.

 Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi tham gia họp trực tuyến và phát biểu tại điểm cầu tỉnh Kon Tum.

Quan tâm đến vấn đề suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở trẻ em, đại biểu Nàng Xô Vi, dân tộc Brâu - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum nhấn mạnh, đây là nguyên nhân gây tử vong cao trong trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, thường xảy đến với các trẻ em ở hộ nghèo, nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… không có khả năng chi trả, điều trị. Căn bệnh này còn gây ảnh hưởng đến não bộ, khả năng học tập của các cháu sau này… Do vậy, cần có quy định cụ thể cho vấn đề này.

Cô giáo Hà Ánh Phượng, dân tộc Mường, Top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ góp ý, hiện nay, trẻ mẫu giáo 3- 6 tuổi ở các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn đang được hỗ trợ tiền ăn trưa và miễn học phí theo quy định. Nhưng trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ ở khu vực này vẫn phải đóng 100% học phí và không được hỗ trợ ăn trưa.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ tiền ăn trưa cho tất cả trẻ em trong độ tuổi mầm non ở các xã đặc biệt khó khăn để cha mẹ các em yên tâm sản xuất, ổn định đời sống. 

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh, dân tộc Chăm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách liên quan đến phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đặc biệt là chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, nhằm tạo điều kiện học tập, duy trì sĩ số học sinh, nâng chất lượng giáo dục và trình độ dân trí vùng miền núi, DTTS.

Mỗi nữ đại biểu Quốc hội người DTTS có mối quan tâm và ưu tiên hành động khác nhau, nhưng với sứ mệnh và trọng trách được cử tri giao phó, họ đã và đang đóng góp tích cực, quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; góp phần thực hiện mục tiêu: "Phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất của khu vực" như Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã nêu và Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng tái khẳng định tiếp tục giữ nguyên những mục tiêu đã đặt ra trong Nghị quyết số 11-NQ/TW./.

Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực