|
Nhiều nội dung về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em đã được thảo luận tại Hội thảo. (Ảnh: Kim Ngân) |
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo đánh giá giữa kỳ Dự án 8 và lồng ghép giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025 tại tỉnh Quảng Ngãi, diễn ra ngày 13/9.
“Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” là một trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, giai đoạn 2021 - 2030. Tại tỉnh Quảng Ngãi, nội dung này được triển khai tại 40 thôn đặc biệt khó khăn của 6 huyện: Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Minh Long, Nghĩa Hành.
Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện nội dung trên, Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập 40 tổ truyền thông cộng đồng, hỗ trợ trang thiết bị cơ bản phục vụ công tác truyền thông và truyền thông trên nền tảng số để chia sẻ, kết nối hoạt động của các tổ truyền thông; hướng dẫn xây dựng, củng cố 06 địa chỉ tin cậy cộng đồng với 79 thành viên là Bí thư Chi bộ thôn, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn, các chi hội trưởng tổ chức chính trị - xã hội và những người có uy tín trong cộng đồng. Các cấp hội cũng đã phối hợp triển khai tổ chức tập huấn lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng… Cùng với đó, tổ chức 02 lớp tập huấn ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số; 03 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp xã và vận hành Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”.
Nhờ đó, qua gần 3 năm thực hiện, dự án đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do thời gian triển khai gấp rút nên các cấp Hội còn lúng túng và gặp nhiều khó khăn trong quá trình tham mưu cho UBND cùng cấp các kế hoạch, dự toán thực hiện Dự án cũng như tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan đến lồng ghép giới trong phát triển sản xuất nông lâm nghiệp bền vững; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chương trình và đề xuất nhiều giải pháp để triển khai các nội dung dự án trong thời gian tới được hiệu quả hơn./.