|
Cán bộ Trạm Y tế xã Bon Phặng (huyện Thuận Châu) tuyên truyền cho người dân về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh (Ảnh: Lò Thái). |
Tạo cơ hội cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số tham gia bình đẳng các lĩnh vực
Với đặc thù là tỉnh miền núi có trên 84% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Sơn La xác định bình đẳng giới là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian qua các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, tiến tới từng bước thu hẹp khoảng cách giới, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ, tạo cơ hội cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số được tham gia bình đẳng các lĩnh vực đời sống xã hội.
Trong lĩnh vực chính trị, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát triển mọi mặt, nhất là trong công tác cán bộ nữ từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến việc bố trí sắp xếp giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm cán bộ đều được xác định chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ nữ tham gia theo quy định.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, cho biết: các cấp, các ngành luôn quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, nhằm xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ nữ của các cơ quan trong hệ thống chính trị; chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ công chức nữ ở cơ sở. Theo đó, toàn tỉnh Sơn La hiện có 11 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV; 3 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; gần 40 đồng chí là cán bộ lãnh đạo các sở, ngành; gần 100 đồng chí tham gia BCH Đảng bộ cấp huyện; 1 đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa XV; 177 đồng chí là đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện; gần 1.900 nữ đại biểu HĐND cấp xã; gần 400 đồng chí có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, phó giáo sư; hàng ngàn cán bộ nữ có trình độ cao đẳng, đại học…
Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, tỉnh đã có những chính sách tạo việc làm cho lao động nữ, nhất là tăng cường các nguồn vốn vay cho lao động nữ, hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo và tạo việc làm, xuất khẩu lao động; mở các lớp chuyển giao khoa học công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, học tập các mô hình khuyến công, khuyến nông... tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận thị trường, phát triển doanh nghiệp nữ.
Các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng được chú trọng triển khai như: Lồng ghép giới và bình đẳng giới vào các môn học; giáo dục kỹ năng sống ở các cấp học trong trường phổ thông; giáo dục phòng chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái; đưa nội dung về bình đẳng giới vào các chương trình bồi dưỡng, đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm giáo trình, sách giáo khoa có quan điểm đúng đắn về giới, tích cực loại bỏ thành kiến giới. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, số cán bộ, giáo viên, nhân viên là nữ trên toàn tỉnh Sơn La là 15.771 (chiếm tỷ lệ 68,62%; nữ CBQL là 1.016 chiếm 58,63%); Giáo viên có 21.647 (trong đó nữ là 13.477 chiếm 71,38%); nhân viên có 2.367, (trong đó nữ nhân viên là 1.278 chiếm 53,99%).
Trong lĩnh vực y tế, công tác truyền thông, vận động về bình đẳng giới được triển khai thực hiện lồng ghép trong các kế hoạch, chương trình, mô hình, đề án bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó tập trung truyền thông vào lĩnh vực: Chăm sóc sức khỏe sinh sản; chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; cung cấp các dịch vụ y tế về chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, can thiệp giảm thiểu tảo hôn, mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân...
Đặc biệt, công tác tuyên truyền được các cấp các ngành, đoàn thể triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí; tuyên truyền lồng ghép trong các chuyên mục như: “Hộp thư truyền hình, “Pháp luật và cuộc sống”, “Phổ biến kiến thức”, “Dân số kế hoạch hóa gia đình”; “Chuyện đường phố bản làng”; tuyên truyền đường dài bằng xe thông tin lưu động đến các xã, bản; căng treo băng rôn, khẩu hiệu vượt đường, chiếu phim lưu động tại các xã, bản, tổ chức tuyên truyền trong các buổi họp dân tại các bản, tổ dân phố, các buổi sinh hoạt của nhóm liên gia tự quản tại cơ sở;… Qua đó truyền tải những thông tin có ích nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước có liên quan đến bình đẳng giới.
Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có 114 mô hình phòng, chống bạo lực bạo gia đình, 230 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 529 nhóm phòng chống bạo lực gia đình; 579 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 60 đường dây nóng ở cơ sở. Trong đó các mô hình đã triển khai tốt công tác tuyên truyền về thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ... Qua đó thiết thực góp phần giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, đẩy mạnh phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.
|
Hội LHPN huyện Thuận Châu lồng ghép các nội dung về bình đẳng giới tại các cuộc giao ban, sinh hoạt. (Ảnh: Lê Hồng)
|
Công tác bình đẳng giới ngày càng có những bước chuyển mới
Đồng chí Thào Xuân Nếnh, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh cho biết: các hoạt động thực hiện công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả đáng khích lệ, công tác bình đẳng giới ngày càng có những bước chuyển mới.
Cùng với những kết quả đạt được trong thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hoạt động Bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025”, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Đề án Hỗ trợ hoạt động Bình đẳng giới được thực hiện trên địa bàn các xã và huyện có đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người (huyện Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mộc Châu) với các hình thức như: hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông; hoạt động tư vấn, can thiệp, triển khai mô hình; tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện Đề án; hoạt động tuyên truyền kỹ năng sống về giới và bình đẳng giới trong các trường học (các trường bán trú và dân tộc nội trú).
Năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, UBND các huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường La, Mộc Châu tổ chức 04 hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ và tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình và các vấn đề liên quan đến Bình đẳng giới với 236 đại biểu là người có uy tín, các hộ gia đình ở địa bàn có người dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống. Tổ chức tuyên truyền thông qua ngoại khoá tại 07 trường THCS trên địa bàn các huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường La thu hút được hơn 2.000 học sinh tham gia hưởng ứng. Đồng thời, in ấn, phát hành 5.000 tờ rơi, tờ gấp với nội dung về giới tính, giới và bình đẳng giới; bạn với pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền phổ biến pháp luật về bình đẳng giới phát sóng trên các cơ quan thông tấn báo chí.
6 tháng đầu năm 2023, đã có 5/14 trường trên địa bàn tỉnh tổ chức sinh hoạt ngoại khóa cho các em vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người tại xã Hua Trai huyện Mường La, xã Tân lập huyện Mộc Châu, xã Chiềng Khay, Chiềng Bằng huyện Quỳnh Nhai, xã Bon Phặng huyện Thuận Châu.
Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 1898/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 – 2025” trên địa bàn tỉnh Sơn La, từ nay đến cuối năm 2023, Ban Dân tộc chủ trì phối hợp với UBND huyện Thuận Châu, Mộc Châu, Quỳnh Nhai, Mường La sẽ tổ chức 14 buổi sinh hoạt ngoại khóa tại các trường Trung học cơ sở vùng dân tộc thiểu số, trong đó tập trung tuyên truyền Luật bình đẳng giới, Luật hôn nhân và gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình và các nội dung liên quan đến yếu tố giới cho trường Trung học phổ thông và Trung học cơ sở vùng dân tộc thiểu số. Mục tiêu của Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số về bình đẳng giới, tiến tới nhằm xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, định kiến giới và các quan niệm lạc hậu về giới trong cộng đồng các dân tộc thiểu số; nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình, xã hội, giảm khoảng cách về giới.
Cũng theo Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, tuy đã đạt được một số kết quả tích cực song việc triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới tại tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân do một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa nói và viết được tiếng Việt nên gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, sự quan tâm của một số cấp uỷ đảng, chính quyền về giới và công tác bình đẳng giới từng lúc, từng nơi chưa đầy đủ, kịp thời nên việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến phụ nữ và trẻ em chưa được triển khai thực hiện triệt để ở các ngành. Công tác phòng, chống bạo lực gia đình vẫn còn nhiều cản trở vì những rào cản tâm lý, nhiều người xem bạo lực gia đình là vấn đề riêng của mỗi người, mỗi gia đình.
Hơn thế nữa, địa bàn tỉnh Sơn La còn nhiều xã, bản vùng đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều, nhiều nơi vẫn còn những hủ tục lạc hậu theo dân tộc, dòng họ, nhất là các dân tộc đặc thù và dân tộc còn gặp nhiều khó khăn.
Ban Dân tộc tỉnh cho biết, trong thời gian tới tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, vai trò tham gia, phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan. Thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách và các chương trình, đề án, dự án, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp…