Báo cáo kết quả 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU, ngày 30/10/2017 của Tỉnh ủy Lào Cai cho thấy, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra hôn nhân cận huyết thống. Tình trạng tảo hôn giảm theo từng năm: Năm 2018 còn 301 người, năm 2019 còn 275 người, năm 2020 còn 350 người, năm 2021 còn 231 người và năm 2022 còn 165 người tảo hôn (giảm gần một nửa so với năm 2018).
Đổi mới phương thức tuyên truyền, giáo dục
Để có được kết quả và những con số ý nghĩa trên đây, công tác tuyên truyền, vận động được Lào Cai xác định là một trong những giải pháp cơ bản, hữu hiệu. Nhiều cách làm hay, sáng tạo nhằm đổi mới phương thức tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình, lựa chọn nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, sát với đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai.
|
Tình huống giả định vụ án xét xử đối với bị can thực hiện hành vi " Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi " được Tỉnh đoàn Lào Cai triển khai |
Cùng với đó, phụ nữ nhất là học sinh nữ từ 13- 18 tuổi, thanh niên, học sinh phổ thông là người dân tộc thiểu số tại vùng có nguy cơ cao xảy ra tảo hôn được xác định là những đối tượng mà các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương, đơn vị tập trung tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức như: Trực tiếp đến từng thôn, từng nhóm hộ, từng nhóm dân tộc để tuyên truyền, vận động; lồng ghép nội dung tuyên truyền tại hội nghị tuyên vận hằng tháng; xây dựng tin, bài, phóng sự, ấn phẩm, tờ rơi, áp phích, tuyên truyền trên loa phát thanh công cộng; tổ chức đối thoại trực tiếp với hội viên phụ nữ; hoạt động ngoại khóa trong các trường học; thành lập các mô hình, các câu lạc bộ điểm về “Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” như triển khai xây dựng 5 mô hình điểm về “phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, các huyện Văn Bàn, Bắc Hà, Si Ma Cai); xây dựng nhiều mô hình điểm: “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”; câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”; câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; đội tuyên truyền “Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”; câu lạc bộ “Không cưới tảo hôn”;... Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để cùng nhau tuyên truyền, vận động từng bước ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trên địa bàn.
Đề cao vai trò của chính quyền các cấp
Cùng với giải pháp tuyên truyền, giáo dục, không thể không nói đến sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp ở Lào Cai khi kế hoạch công tác hằng năm đều đề cập đến vai trò, trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong đó xác định rõ từng mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện.
UBND huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức hội nghị cho đại diện các điểm nhóm tôn giáo, trưởng dòng họ, hộ gia đình ký cam kết không có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; ký cam kết với ông mai, bà mối, thầy mo, thầy cúng... không xem ngày cưới cho các cặp nam - nữ chưa đủ tuổi kết hôn; đưa các quy định về độ tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn, thực hiện đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh theo đúng quy định và đảm bảo thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em… vào hương ước, quy ước của thôn bản, cũng như xem xét tiêu chuẩn gia đình văn hóa, làng bản văn hóa.
|
Tiểu phẩm trình diễn tại lễ phát động chiến dịch phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của huyện Bắc Hà, nơi có tỷ lệ tảo hôn còn cao, nhất là ở những nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. |
Chính quyền các địa phương cũng tích cực chỉ đạo các ngành chức năng ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp tảo hôn trên địa bàn, quản lý chặt chẽ nhân khẩu trên địa bàn, kịp thời phát hiện các cặp chưa đủ tuổi kết hôn về chung sống với nhau như vợ chồng; tổ chức xét xử lưu động các vụ án liên quan đến hôn nhân và gia đình, trong đó chú trong các vụ án về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống , thông qua xét xử lưu động và các phiên tòa giả định đã có tác dụng nhất định trong việc răn đe, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Làm tốt trong công tác này phải kể đến thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Si Ma Cai triển khai các phiên tòa giả định với các chủ đề “Nhà trường, học sinh với phòng chống bạo lực học đường”, “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xâm hại tình dục trẻ em”.
Đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thực hiện cùng các giải pháp trên, việc nâng cao trình độ dân trí, chất lượng cuộc sống, văn hoá tinh thần cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được Lào Cai xem như giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Theo tính toán, những năm qua, Lào Cai đã ưu tiên dành từ 60 - 65% nguồn lực đầu tư xã hội để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai hiệu quả chương trình 135, Nghị quyết 30a và các chính sách đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miềm núi giai đoạn 2021-2030.
Diện mạo nông thôn mới thay đổi với 62/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 100% xã vùng đồng bào dân tộc có điện lưới quốc gia và đường ô tô đến trụ sở UBND xã. Hết năm 2022, toàn tỉnh giảm được 9.770 hộ nghèo, giảm 1.071 hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 7%/năm... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc qua đó, giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn./.