Xuất phát từ ý tưởng bảo tồn và nâng tầm giá trị giống hồng đặc hữu của tỉnh Lạng Sơn, tạo việc làm và sinh kế bền vững cho phụ nữ Tày, Nùng vùng biên giới xứ Lạng, dự án "Phát triển chuỗi giá trị hồng vành khuyên treo gió hữu cơ" đã ra đời.
Tác giả Vương Thị Thương tự hào cho biết, Hợp tác xã nông sản Toàn Thương (thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng) là cơ sở đầu tiên cho ra thị trường dòng sản phẩm hồng treo gió khu vực phía Bắc. “Hồng vành khuyên treo gió” đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ, cấp mã số mã vạch tại Cục Tiêu chuẩn đo lường kiểm nghiệm và công bố sản phẩm. Sản phẩm đã có chứng nhận VietGAP hữu cơ, khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc đến tận vùng nguyên liệu, quy trình chọn quả, sơ chế, treo gió được thực hiện một cách tỉ mỉ, nói không với chất bảo quản nên giảm thiểu tối đa tác động tới môi trường và tuyệt đối đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cũng đoạt giải Nhất cấp vùng cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 như dự án của chị Vương Thị Thương, dự án "Sản xuất và chế biến trà từ hoa cà phê nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nữ ở Đắk Lắk" là sản phẩm sáng tạo thành công của Công ty TNHH FARMFOOD.
|
Các đại biểu nữ chụp ảnh lưu niệm |
Tác giả của dự án, chị Bùi Thị Kim Anh, đồng thời là Giám đốc công ty cho hay, hoa cà phê-nguồn nguyên liệu dồi dào ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng chưa được khai thác tối ưu từ cả trăm năm qua. Tận dụng nguồn tài nguyên bản địa này để phục vụ sức khỏe cộng đồng, khi triển khai dự án còn góp phần bảo vệ môi trường, tạo việc làm và thu nhập cho nông hộ trong đó có nhiều phụ nữ trên địa bản tỉnh Đắk Lắk mà đa số là phụ nữ dân tộc thiểu số.
Nhận thấy Sóc Trăng có nguồn nhân lực dồi dào, có tay nghề cao trong lĩnh vực đan lát thủ công mỹ nghệ, tuy nhiên người dân mới chỉ dừng lại ở mức độ đan lát theo yêu cầu chủ cơ sở sản xuất, không biết cách kinh doanh và phát triển làng nghề, Hợp tác xã mây tre đan Thủy Tuyết (xã Phú Tân, huyện Châu Thành) được thành lập và bắt tay xây dựng chuỗi liên kết thu mua tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho bà con trong vùng.
Mặt khác, sinh sống ngay tại làng nghề truyền thống nơi có tới 90% là người dân tộc Khmer có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, tận dụng lợi thế có nhiều thợ giỏi, Hợp tác xã mây tre đan Thủy Tuyết đã quyết định phát triển và ứng dụng cây tre vào xây dựng các công trình kiến trúc.
Chị Trương Thị Bạch Thủy, đại diện dự án cho biết, hướng đi này đã giải quyết việc làm ổn định cho 32 xã viên và hơn 60 hội viên phụ nữ trong làng nghề, tăng thu nhập xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Vui mừng hơn là dự án đã góp phần khôi phục, bảo tồn làng nghề truyền thống, nâng cao giá trị nguồn tài nguyên bản địa, bản sắc văn hóa con người Việt Nam.
3 dự án không chỉ thuyết phục được Ban giám khảo để giành giải Nhất toàn quốc cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 với phần thưởng cho mỗi giải trị giá 60 triệu đồng mà còn nhận được sự tài trợ, hợp tác của ngân hàng, doanh nghiệp khẳng định bước tiến và tiềm năng phát triển của dự án cũng như cải thiện cuộc sống, vị thế của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số./.