Ngay sau khi Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới” của Ban Bí thư được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có Công văn số 782-CV/TU ngày 22/2/2018 về việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị; chỉ đạo các cấp uỷ, các ngành đưa các chỉ tiêu về bình đẳng giới và công tác phụ nữ vào các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Qua đó, các cấp ủy, các ngành quan tâm, phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để các cấp Hội LHPN thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; phát huy vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ. Hội LHPN các cấp tích cực tham gia, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn bản quan trọng liên quan đến chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, các chỉ tiêu, nghị quyết của Hội đồng nhân dân về giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn… Tăng cường chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp đấu tranh xử lý vi phạm chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới, gia đình, trẻ em.
|
Hội LHPN tỉnh chủ trì giám sát Chỉ thị số 21 tại thành phố Thanh Hóa
|
Để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ, các cấp ủy Đảng đã thực hiện nhiều giải pháp trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, khắc phục tình trạng khép kín; đảm bảo cơ cấu, số lượng cán bộ trẻ, cán bộ nữ theo quy định của Trung ương. Kết quả, toàn tỉnh hiện có 78.642 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó cán bộ nữ là 33.278 người (tỷ lệ là 42,4%); có 150/1.198 nữ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh (tỷ lệ là 12,5%), có 1.415/8.157 nữ lãnh đạo, quản lý cấp huyện và tương đương (tỷ lệ là 13,02%), có 3.138/18.268 nữ cán bộ, lãnh đạo, quản lý cấp xã và tương đương (tỷ lệ là 17,2%). Nữ đại biểu Quốc hội khóa XV có 03/14 người (tỷ lệ là 21,43%); nữ đại biểu HĐND tỉnh là 17/85 người (tỷ lệ là 20,0%); nữ đại biểu HĐND cấp huyện là 265/918 người (tỷ lệ là 28,27%); nữ đại biểu HĐND cấp xã là 3.870/13.269 người (tỷ lệ là 29,43%).
Đối với cán bộ Hội tham gia cấp ủy: cấp cơ sở có 489 xã có Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN; cấp huyện 27/27 đơn vị có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và nguồn Chủ tịch Hội LHPN và có nữ tham gia Ban Thường vụ Huyện ủy; cấp tỉnh, đồng chí Chủ tịch Hội tham gia cấp ủy. Cán bộ nữ được quan tâm luân chuyển để rèn luyện, thử thách, đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn để giới thiệu các chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của tỉnh.
Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 11 và 5 năm thực hiện Chỉ thị 21 đã có trên 580 lượt cán bộ Hội các cấp được điều động, luân chuyển sang cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể khác. Nhiều cán bộ diện điều động, luân chuyển được rèn luyện, trưởng thành, được bố trí, sắp xếp vào vị trí cao hơn. Hằng năm, toàn tỉnh phấn đấu giới thiệu 1.000 nữ ưu tú trở lên cho Đảng xem xét kết nạp; 100% Hội phụ nữ các cấp xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và giới thiệu nguồn cán bộ nữ cho cấp ủy, chính quyền, góp phần đảm bảo tỷ lệ nữ theo Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị.
Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành, chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng thực hiện nghiêm Kết luận số 610-KL/TU ngày 20/9/2021“về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thế chính trị - xã hội tỉnh Thanh Hóa”. Hoạt động của Hội phụ nữ các cấp được chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở, thực hiện tốt phương châm “Trung ương định hướng chiến lược, tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cơ sở, xã nắm chắc hội viên, chi thấu hiểu phụ nữ”; chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em; tăng cường công tác tuyên truyền, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động Hội; vận động phụ nữ tham gia các phong trào, cuộc vận động do Hội và địa phương phát động, đáng chú ý, hiệu quả tập hợp hội viên đặc thù có chuyển biến tích cực, với nhiều mô hình hay như “Mẹ đỡ đầu- kết nối yêu thương”, “Tổ phụ nữ tôn giáo thực hiện phương châm sống tốt đời, đẹp đạo”; “Tổ phụ nữ tuyên truyền bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Đồng hành xây dựng chi, tổ hội vững mạnh”, “CLB nữ công nhân tôi mạnh mẽ”... Qua đó, chất lượng hoạt động của các cấp Hội từng bước được nâng lên, kịp thời tham mưu, đề xuất cấp uỷ, chính quyền 01 đề tài khoa học cấp tỉnh, 11 đề xuất đề án, dự án; tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện 26 nội dung, chương trình, hoạt động của Chính phủ, Hội LHPN Việt Nam, UBND tỉnh, các tổ chức phi chính phủ, huy động các nguồn lực góp phần cải thiện, nâng cao đời sống hội viên, phụ nữ và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh có 859.215 hội viên (trong đó 197.862 hội viên nòng cốt; 125.828 hội viên là người dân tộc thiểu số; 23.985 hội viên tôn giáo), sinh hoạt tại 4.393 chi hội; tỷ lệ tập hợp hội viên đạt 82%, tăng 2,74% so với năm 2017.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh ban hành hệ thống văn bản cụ thể hóa để triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về giới và bình đẳng giới, nhất là Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Đề án 938 của Chính phủ về "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027", Đề án “Hỗ trợ Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2022-2025” trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện; quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt để Hội LHPN tham gia thực hiện một số chương trình, phần việc các dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị; đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, nơi làm việc và hỗ trợ chế độ, chính sách cho cán bộ cơ sở hoạt động hiệu quả. Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp trụ sở làm việc cho các cấp hội phụ nữ; đến nay có 529 tổ chức hội cấp xã có phòng làm việc riêng, 30 xã làm việc chung với đoàn thể khác. Chỉ đạo Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược, Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020 đạt được những kết quả quan trọng, thúc đẩy thực hiện thắng lợi một số chỉ tiêu của Kế hoạch hành động về bình đẳng giới góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Qua 05 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư, nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, chính quyền, của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng và bản thân người phụ nữ về vai trò, vị trí của phụ nữ và công tác phụ nữ trong tình hình mới có nhiều chuyển biến tích cực. Bình đẳng giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đạt được những kết quả tiến bộ; đội ngũ cán bộ nữ là lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị tăng về số lượng và chất lượng; vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao. Tổ chức Hội phụ nữ các cấp ngày càng được củng cố và phát triển; phát huy vai trò trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ; tạo điều kiện cho phụ nữ có nhiều cơ hội phát huy trí tuệ, thể hiện năng lực, góp phần quan trọng cùng địa phương thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.
Có được kết quả trên, là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện Chỉ thị cùng với sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của công tác phụ nữ và sự nghiệp bình đẳng giới. Thường xuyên coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về công tác phụ nữ, về ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới; tạo phong trào rộng khắp với sự tham gia tích cực của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Các cấp Hội phụ nữ cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm, chủ động, tích cực tham mưu đề xuất với cấp ủy đảng; thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ. Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp thực hiện hiệu quả việc tham mưu lồng ghép giới, chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra công tác bình đẳng giới thường xuyên, nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Tăng cường kiểm tra, giám sát, sơ, tổng kết, biểu dương, khen thưởng và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tiếp theo để các chủ trương, chính sách về công tác phụ nữ, bình đẳng giới thực sự phát huy hiệu quả, đóng góp thiết thực cho việc phát triển phụ nữ trong giai đoạn mới.
Nhìn lại 05 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”- Kết quả và bài học kinh nghiệm cho thấy: Cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ để tham mưu thực hiện tốt Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư, các kế hoạch của Tỉnh ủy về công tác phụ nữ trong tình hình mới; các cấp Hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, về vai trò và những đóng góp của cán bộ nữ trong các lĩnh vực đời sống xã hội; có giải pháp thiết thực động viên phụ nữ nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, khắc phục khó khăn, vươn lên khẳng định bản thân. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp; phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ Hội là đảng viên, người đứng đầu, tạo nguồn cán bộ nữ cho các cấp ủy Đảng, chính quyền. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội theo hướng thiết thực, chuyên nghiệp, đa dạng hoá hình thức tập hợp, hướng về cơ sở, gắn với các vấn đề thiết thân của phụ nữ. Chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện, thực hiện hiệu quả công tác cán bộ nữ, tạo nguồn cán bộ nữ chất lượng cao; quan tâm công tác phát triển đảng viên nữ, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ làm công tác hội Phụ nữ các cấp, nhất là cấp cơ sở để có đủ kiến thức, kỹ năng vận dụng vào thực tiễn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội, công tác bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong việc thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW một cách sáng tạo, hiệu quả.
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự đổi mới hoạt động của Hội các cấp, sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của bản thân mỗi người phụ nữ sẽ tiếp tục đóng góp vào thành tựu chung của tỉnh trên từng chặng đường phát triển./.