Thừa Thiên Huế: Nhiều kết quả thiết thực thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ

Thứ sáu, 15/12/2023 13:00
(ĐCSVN) - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Hội Nữ tri thức tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Ái Vân cho biết, công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới thường xuyên được quan tâm, được thực hiện lồng ghép trong nhiều lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả thiết thực; trong đó tập trung vào đối tượng yếu thế, hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn, phụ nữ miền núi, vùng dân tộc thiểu số; bố trí, đề bạt, sử dụng cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ trẻ được triển khai thực hiện tốt…
 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Hội Nữ tri thức tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân trao đổi tại hội thảo. 

Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023, ngày 15/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Hội Nữ tri thức tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân dự và phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Hội Nữ tri thức tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân cho biết, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, thời gian qua, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được ban hành, đồng thời, được triển khai thực hiện hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bình Đẳng giới, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống bạo lực gia đình. Các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình tại cộng đồng như: mô hình Địa chỉ tin cậy-nhà tạm lánh, mô hình Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới và các mô hình liên quan khác đang triển khai bởi các cơ quan, đoàn thể tại địa phương để người dân biết, tham gia và sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.

Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đáng chú ý, công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới thường xuyên được quan tâm, được thực hiện lồng ghép trong nhiều lĩnh vực, vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh hàng năm đạt được nhiều kết quả; trong đó tập trung vào đối tượng yếu thế, hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn, phụ nữ miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được các đơn vị chức năng phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực giới, xâm hại trẻ em; trợ giúp nạn nhân kịp thời về tâm lý, pháp lý và trợ cấp khi khó khăn. Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, đề bạt, sử dụng cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ trẻ được triển khai thực hiện tốt. 

Tại Hội thảo, các tham luận và ý kiến phát biểu của đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ, ngành giáo dục, văn hóa, lao động - thương binh và xã hội chia sẻ và đề nghị việc thực hiện duy trì các mô hình: “Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”; “Thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới”; “Xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo các nguyên tắc bình đẳng giới”; “Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng”.

Đồng thời, cung cấp dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, trong đó bảo đảm sự an toàn, tiếp nhận, bố trí nơi ăn ở, tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe và đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp cho nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới theo quy định; phối hợp với các cơ quan, tổ chức phù hợp khác để bảo vệ, trợ giúp đối tượng.

Các ý kiến đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả để thực hiện tốt hơn công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trong các lĩnh vực liên quan trên địa bàn tỉnh. Trong đó, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động bố trí kinh phí trong dự toán hàng năm để duy trì, mở rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giới hoặc nguy cơ bất bình đẳng giới.

Chủ động tham mưu việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới vào các chương trình, kế hoạch công tác, đề án, dự án…của ngành, đơn vị và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Chú trọng công tác phối hợp liên ngành trong: tham mưu các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện; kiểm tra tình hình triển khai công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; báo cáo định kỳ và đột xuất các nội dung liên quan theo yêu cầu của trung ương và của tỉnh…/.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực