Ngẫm lại công cuộc đổi đời của gia đình mình, anh Thạch Thanh Phong, người dân tộc Khmer ở xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng cho rằng đó là sự tổng hoà của nhiều yếu tố.
Với nhà anh, đó là sự may mắn được tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội; là sự thuận hoà trong gia đình, vợ chồng dân chủ bàn bạc, đồng thuận quyết định phương hướng và nỗ lực cùng nhau tổ chức sản xuất…
Tân Hưng là xã nghèo của huyện Long Phú. Ấp Tân Quy B nơi gia đình anh Phong sinh sống là ấp có điều kiện kinh tế khó khăn so với mặt bằng chung của xã.
Gia đình anh Phong thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, lại đông anh em. Hàng ngày, mấy anh em phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày, cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả, chân lấm tay bùn quanh năm mà cũng chỉ đủ ăn. Tối đến, như anh kể, cả nhà tại tập trung rượu chè cho qua ngày tháng.
Đến tuổi lập gia đình, anh Phong kết hôn nhưng gia đình bên vợ cũng nghèo. Hai vợ chồng sống chung với bố mẹ 1 năm thì ra ở riêng. Không có đất sản xuất, hai vợ chồng anh đi làm thuê kiếm sống qua ngày.
Được Hội Cựu chiến binh của xã thông tin về các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Phong rất vui mừng nhận thấy gia cảnh khốn khó của mình đã có lối thoát.
Trong lúc vừa vui, vừa phân vân vì sợ vay vốn lỡ làm ăn thua lỗ thì lấy tiền đâu để trả cho Ngân hàng, anh Phong về bàn và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của vợ.
Có sự đồng thuận của cả hai vợ chồng, anh Phong làm thủ tục vay vốn mua một con bò. Hai vợ chồng cùng nhau chăm sóc con vật nuôi mà họ đã mạnh dạn vay vốn mua. Không phụ sự cần cù, chăm chỉ của hai vợ chồng anh, không lâu sau con bò sinh bê con. Phấn khởi quá, anh Phong xin vay thêm 40 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo và tiếp tục được bình xét cho vay.
Anh chị quyết định mua thêm 2 con bò và mở rộng chuồng trại. Tiền bán bê thu được, anh chị chăn nuôi thêm dê sinh sản, gà thịt và mua được 2 công ruộng.
Không phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ chăn nuôi, ngày hai buổi sáng, chiều, anh Phong chở vợ đi bán vé số ở thành phố Sóc Trăng, trên đường về thì cắt cỏ cho bò ăn. Cả hai vợ chồng không ngừng nỗ lực, cố gắng để tạo thêm nguồn thu cho gia đình. Vật nuôi do anh đảm nhiệm chăm sóc chính không ngừng sinh sôi nảy nở, kết hợp với thu nhập từ bán vé số do chị ngày ngày làm ra đã giúp hai vợ chồng trả hết gốc, lãi khoản vay ngân hàng đồng thời lo được cho hai con ăn học.
|
Sự thay đổi trong cách nghĩ về vai trò giới sẽ dẫn đến những thay đổi trong phân công lao động và trong việc tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ tham gia vào thị trường lao động, nâng cao vai trò của phụ nữ trong sản xuất kinh tế hộ gia đình (Ảnh minh hoạ) |
Câu chuyện của nhà anh Thạch Thanh Phong cho thấy, sự dân chủ, đồng thuận của hai vợ chồng trong quá trình tổ chức sản xuất đối với hộ gia đình dân tộc thiểu số là rất quan trọng, cần thiết; là yếu tố quyết định đảm bảo cho sự thành công trong phát triển kinh tế và hoà thuận trong gia đình.
TS. Đào Đoan Hùng, Ban Dân vận Trung ương cho rằng, vợ chồng không chỉ tham gia vào việc quyết định phương án sản xuất, kinh doanh mà còn tạo động lực cho phát triển kinh tế hộ gia đình dân tộc thiểu số.
Trong gia đình, người chồng cần tôn trọng ý kiến, sự tham gia vào quá trình ra quyết định sản xuất kinh doanh của người vợ; khuyến khích người vợ phát huy hơn nữa vai trò của mình trong gia đình.
Sự thay đổi trong cách nghĩ về vai trò giới sẽ dẫn đến những thay đổi trong phân công lao động và trong việc tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ tham gia vào thị trường lao động, nâng cao vai trò của phụ nữ trong sản xuất kinh tế hộ gia đình - TS. Đào Đoan Hùng nhận định./.