Bình đẳng giới được hiểu là việc đối xử ngang nhau giữa nam và nữ trên mọi phương diện của đời sống xã hội, đây cũng được coi là một trong những tiêu chí quan trọng trong phát triển bền vững. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về bình đẳng giới như: Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 10/5/2017 “Về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020...; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững…
Đặc biệt, vấn đề bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) được chú trọng hơn thể hiện trong các văn bản như Quyết định số 449/QĐ-TTg, ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020”; Quyết định số 1557/QĐ-TTg, ngày 10/9/2015, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015”; Quyết định số 1898/QĐ-TTg, ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN… đã tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
|
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em gái vùng đồng bào DTTS&MN. |
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN nội dung “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, là cơ quan chủ trì được giao thực hiện, thời gian qua, Hội LHPNVN đã triển khai hoạt động rộng khắp, mà mục tiêu lớn nhất là đẩy mạnh, chăm lo đến đối tượng yếu thế như phụ nữ và trẻ em DTTS, thúc đẩy quyền, trao cơ hội cho họ vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể của mình trong tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững.
Để thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, Hội đã chủ động xây dựng và ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch giai đoạn và kế hoạch năm thực hiện Dự án tới các bộ, ngành và địa phương; tập trung hỗ trợ Hội LHPN các tỉnh tham mưu xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Dự án tại địa phương; thành lập Ban Điều hành Dự án cấp Trung ương để chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án, với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan... 4 nội dung can thiệp của Dự án là: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển KT-XH, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS; nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong cộng đồng.
|
Hầu hết các địa phương có Dự án 8 đều đã thành lập Mô hình địa chỉ tin cậy |
Là năm khởi đầu của dự án, từ tháng 3 năm 2022, sau khi Kế hoạch được ban hành, Trung ương Hội đã tập trung nâng cao năng lực triển khai thành lập, vận hành các mô hình cho đội ngũ cán bộ cốt cán của Hội và các ngành liên quan tại địa bàn điểm; đồng thời, trực tiếp thành lập 11 mô hình, gồm 06 tổ truyền thông cộng đồng, 02 địa chỉ tin cậy, 03 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” và hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho địa phương trực tiếp quản lý, vận hành mô hình thường xuyên.
Đồng thời, tổ chức các sự kiện truyền thông, giới thiệu, vận động về Dự án: Sự kiện “Khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em DTTS”; 04 talkshow trao đổi về những vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS&MN; 02 Hội chợ “Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ tại vùng đồng bào DTTS&MN” cùng nhiều hoạt động tuyên truyền khác hết sức phong phú, đa dạng nhưng thiết thực, hiệu quả như phim, video, tài liệu hướng dẫn, hiện vật, tờ gấp, tờ rơi, poster. Tài liệu được biên soạn nhằm hướng dẫn địa phương các nội dung, cách thức triển khai, vận hành từng mô hình, hoạt động cụ thể của dự án, từ đó phát triển thêm các tài liệu phù hợp với đặc thù của địa phương…
Tính đến hết năm 2022, các địa phương đã thành lập được 1.320 tổ truyền thông cộng đồng; thực hiện 04 gói chính hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em; củng cố và thành lập mới 131 địa chỉ tin cậy tại địa bàn dự án; thành lập 206 Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi; xây dựng 01 bộ tài liệu nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS về kỹ năng lãnh đạo, quản lý; tổ chức 03 lớp tập huấn giảng viên nguồn và 08 lớp tập huấn cho 560 cán bộ các sở, ban, ngành và Hội LHPN; 82 cuộc tập huấn hướng dẫn giám sát, đánh giá về bình đẳng giới cho cán bộ xã, thôn; tổ chức 76 cuộc tập huấn nâng cao năng lực lồng ghép giới cho cán bộ huyện, xã và 110 cuộc tập huấn cho trưởng thôn/bản/ấp/buôn, người có uy tín tại cộng đồng…
Trong năm 2023, các hoạt động được triển khai rộng khắp, đạt hiệu quả cao. Theo báo cáo, hầu hết các địa phương đã triển khai các hoạt động như: đã thành lập được hàng nghìn Tổ truyền thông cộng đồng; hàng trăm mô hình Địa chỉ tin cậy cộng đồng; CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi; xây dựng các tổ, nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ/đồng làm chủ ứng dụng công nghệ 4.0...
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiên, bên cạnh những khó khăn về cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, xuất hiện nhiều khó khăn ở cấp hội cơ sở như: đội ngũ cán bộ Hội cơ sở còn thiếu, chưa đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị; kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho khâu đột phá ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội chưa được đầy đủ, khả năng ứng dụng công nghệ trong truy cập thông tin trên website, mạng xã hội công khai, zalo nội bộ của Hội của cán bộ cơ sở trong học tập, tuyên truyền còn hạn chế; tỷ lệ thu hút hội viên còn chậm... Do đó, nhiều cấp hội ở tỉnh đã có những đề xuất về hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để tổ chức hội địa phương tháo gỡ khó khăn, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ.
|
Các hoạt động hướng tới phụ nữ được chị em dân tộc thiểu số quan tâm đón nhận |
Trong thời gian tới, các cấp hội đều nhấn mạnh đến giải pháp phát huy mạnh mẽ vai trò tham mưu kết hợp phối hợp chính quyền, ban ngành, đoàn thể địa phương, TW Hội để được ủng hộ, hỗ trợ kịp thời; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cán bộ, hội viên phụ nữ về bình đẳng giới; nâng cao năng lực cho cán bộ về kỹ năng, bản lĩnh, sáng tạo; chú trọng nắm bắt tình hình hội viên, phụ nữ, Nhân dân, tham gia đề xuất giải quyết tốt các nhu cầu cấp thiết của phụ nữ, bảo đảm tạo cơ hội thuận lợi nhất để các tầng lớp phụ nữ lên tiếng nói; đánh giá kết hợp củng cố nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình tập hợp phụ nữ phù hợp, từng bước đáp ứng với yêu cầu tình hình mới; đảm bảo duy trì tốt phong trào thi đua, góp phần thực hiện an sinh xã hội hài hòa đối với phụ nữ trong tỉnh.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng trên các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp từ Trung ương đến địa phương. Đẩy mạnh tổ chức hội thi, liên hoan chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình sáng tạo, hiệu quả góp phần xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số tại các cấp và nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, người có uy tín./.