Thúc đẩy chia sẻ gánh nặng công việc không được trả công trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ bảy, 16/12/2023 22:51
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Gánh nặng công việc chăm sóc không được trả công trong hộ gia đình dân tộc thiểu số (DTTS) đang đặt nhiều hơn vào phụ nữ và trẻ em gái. Do đó cần có những hành động nhằm chia sẻ gánh nặng này trong các hộ gia đình và cộng đồng DTTS.
Phụ nữ DTTS chịu trách nhiệm chính về công việc chăm sóc không được trả công trong hộ gia đình và trong cộng đồng DTTS

Công việc chăm sóc không được trả công của nữ cao gần gấp 2 lần so với nam giới

Tại Việt Nam, khoảng cách giới trong thị trường lao động nói chung đã được thu hẹp đáng kể trong giai đoạn 2010-2020 nhưng khoảng cách giới trong tiếp cận việc làm có chất lượng và phát triển nghề nghiệp thì vẫn còn rất lớn: Phụ nữ chiếm tỷ lệ lớn hơn nam giới trong khu vực lao động phi chính thức hay trong cùng một lĩnh vực nghề nghiệp phụ nữ được trả công thấp hơn nam giới. Vậy nguyên nhân có phải do phụ nữ có trình độ thấp hơn; do mức độ tham gia vào thị trường lao động thấp hơn hay do phụ nữ làm việc ít giờ hơn? Câu trả lời nằm một phần ở vấn đề gánh nặng của việc chăm sóc không lương mà phụ nữ đang phải đảm trách.

Kết quả Điều tra lao động việc làm (ĐTLĐVL) năm 2020, Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO Vietnam) đã thẳng thắn đưa ra nhận định rằng: “Sẽ là phi thực tế nếu phụ nữ có thể liên tục theo đuổi các cơ hội nghề nghiệp hoặc nâng cao năng lực như nam giới nếu như họ vẫn phải gánh trách nhiệm gia đình và các công việc chăm sóc không lương vốn đã luôn nặng nề hơn nam giới”.

Cũng theo kết quả ĐTLĐVL 2020, trung bình phụ nữ dành khoảng 20,1 giờ mỗi tuần cho công việc chăm sóc không được trả công, gần gấp đôi thời gian của nam giới dành cho công việc này (10,7 giờ mỗi tuần). Đáng chú ý, trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), khoảng cách này còn lớn hơn và trở thành một trong những trở ngại để phụ nữ DTTS có thể tham gia bình đẳng vào thị trường lao động.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới khi phân tích các động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội giữa các nhóm DTTS có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển cao nhất và nhóm có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển thấp nhất cho thấy công việc chăm sóc không được trả công là một trở ngại quan trọng đối với cơ hội phát triển kinh tế của phụ nữ DTTS.  Phụ nữ DTTS chịu trách nhiệm chính về công việc chăm sóc không được trả công trong hộ gia đình và trong cộng đồng DTTS.

Theo Ngân hàng Thế giới: “Định kiến xã hội – đặc biệt liên quan đến vai trò nội trợ truyền thống của phụ nữ – tác động đến sự tham gia của họ vào các hoạt động kinh tế khu vực phi nông nghiệp”. Như vậy, rõ ràng gánh nặng công việc chăm sóc không được trả công là một trong những yếu tố làm tăng khoảng cách giới trong sinh kế và thu nhập ở vùng DTTS.

Mặt khác, các nghiên cứu cho thấy, ở Việt Nam nữ giới dành thời gian cho công việc chăm sóc không được trả công gấp gần 1,5 lần so với nam giới. Đây là hoạt động có chi phí cơ hội và không thể thiếu đối với sự vận hành của xã hội và đời sống của con người. Tuy nhiên, sự phân công trách nhiệm thiếu bình đẳng trong gia đình nghiêng về nữ giới dẫn đến họ bị hạn chế về quyền lựa chọn cũng như cơ hội tham gia vào những hoạt động khác có ý nghĩa hơn với họ, dẫn đến gia tăng bất bình đẳng giới. Đó là sự tham gia vào lực lượng lao động, vào thị trường lao động được trả công, vào đời sống chính trị và thời gian dành cho nghỉ ngơi, giải trí, học tập.

Cũng theo Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), phụ nữ DTTS chịu trách nhiệm chính về công việc chăm sóc không được trả công trong hộ gia đình và trong cộng đồng DTTS. Trong bối cảnh cơ sở hạ tầng ở vùng DTTS kém phát triển như điện, nước sạch cho sinh hoạt, đường giao thông, chợ, trường học, trạm y tế,... thiếu thốn hoặc xa nơi ở); và thiếu thốn các trang thiết bị hỗ trợ công việc nội trợ, chăm sóc trong hộ gia đình như thiếu các dịch vụ có chất lượng trông trẻ, chăm sóc người già, người ốm; thiếu các thiết bị hỗ trợ nội trợ trong hộ gia đình như nồi cơm điện, máy giặt, bếp ga..., thì gánh nặng công việc nội trợ, chăm sóc của phụ nữ DTTS càng nặng nề hơn...

Đáng chú ý, đối với các DTTS theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ chịu trách nhiệm chính trong hoạt động kinh tế tạo thu nhập, đồng thời họ cũng chịu trách nhiệm chính trong công việc nội trợ, chăm sóc của hộ gia đình...

Tăng cường hoạt động truyền thông thay đổi định kiến và khuôn mẫu giới

Để giảm công việc chăm sóc không được trả công đối với phụ nữ, theo Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), cần đẩy mạnh thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam. Trong đó phải thúc đẩy chia sẻ gánh nặng công việc chăm sóc không được trả công trong hộ gia đình và cộng đồng DTTS.

Muốn thế cần tăng cường hoạt động truyền thông thay đổi định kiến và khuôn mẫu giới về công việc chăm sóc không lương của phụ nữ, hộ gia đình và cộng đồng DTTS. Đối tượng truyền thông bao gồm cả phụ nữ và nam giới, cả trẻ em trai và trẻ em gái DTTS. Thúc đẩy sự chia sẻ trách nhiệm và phân công lại công việc chăm sóc trong hộ gia đình DTTS.

Đảm bảo phát triển hạ tầng cơ sở ở vùng DTTS có đáp ứng giới như trường học, trạm y tế, nước sạch, đường giao thông, chợ... Cụ thể, quy định tỷ lệ phụ nữ DTTS/tổ chức đại diện của phụ nữ DTTS được tham gia, có tiếng nói đại diện trong các quyết định liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng ở địa phương; đẩy mạnh hoạt động nâng cao năng lực (đào tạo/tập huấn kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ DTTS/tổ chức đại diện) để tham gia vào các quyết định về phát triển cơ sở hạ tầng.

Nghiên cứu phát triển các mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả về chăm sóc người già, trẻ nhỏ và người ốm; dịch vụ cung cấp nước sạch tới các cụm dân cư ở vùng DTTS để giải phóng sức lao động của hộ gia đình DTTS về công việc chăm sóc không được trả công.

Tăng cường hoạt động khảo sát, nghiên cứu sử dụng phương pháp và công cụ của quốc tế để đo lường thời gian phụ nữ và nam giới DTTS giành cho công việc chăm sóc không được trả công trong hộ gia đình. Khuyến khích các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách áp dụng phương pháp tiếp cận khoa học về công việc chăm sóc không lương trong hoạch định và thực hiện chính sách cho vùng đồng bào DTTS./.

 

 Luật Bình đẳng giới (2006) quy định chia sẻ việc nhà là trách nhiệm của cả phụ nữ và nam giới; vợ và chồng sử dụng thời gian cho phép để chăm sóc trẻ người ốm/trẻ em theo quy định của pháp luật.

Luật Hôn nhân và Gia đình công (2014) quy định “việc giải quyết quan hệ tài sản phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con cái; công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi là lao động có thu nhập”.

Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-20120 có đưa ra chỉ tiêu “giảm thời gian làm việc nhà của phụ nữ xuống 2 lần vào năm 2015 và 1.5 lần vào năm 2020 so với nam giới”. Điểm đáng lưu ý ở đây là chỉ tiêu này được đưa vào mục tiêu “bình đẳng giới trong gia đình”. Tuy nhiên cho đến nay do không có số liệu ở cấp quốc gia, thiếu các nghiên cứu phân tích và các chiến lược/biện pháp cụ thể nên đã đặt ra nhiều thách thức trong việc thực hiện chỉ tiêu này. 

 

Lan Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực