Tích cực phát huy vai trò của phụ nữ trong kinh tế - xã hội

Thứ tư, 20/12/2023 02:46
(ĐCSVN) – Là một tỉnh miền núi phía Bắc, trên trên 95% là dân tộc thiểu số, Cao Bằng là một tỉnh có nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, phụ nữ được tạo điều kiện bình đẳng hơn để tham gia tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, có giá trị kinh tế cao.

Chiếm 49,91% dân số, 47,5% lực lượng lao động, phụ nữ Cao Bằng đã không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ, định hướng giá trị đạo đức, xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo và có lòng nhân hậu. Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) cùng với các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm, phối hợp giải quyết những vấn đề khó khăn chung của phụ nữ để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực của bình đẳng giới ở tỉnh Cao Bằng trong những năm gần đây, vẫn còn xảy ra bạo lực gia đình, ly hôn, tội phạm xâm hại, mua bán phụ nữ và trẻ em còn diễn ra ở một số nơi... làm ảnh hưởng đến sự an toàn, phát triển của phụ nữ, trẻ em và sự bền vững của gia đình. Đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận phụ nữ còn khó khăn, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu tác động đến nhóm phụ nữ buôn bán nhỏ, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Huyện Hòa An (Cao Bằng) tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới

Để đẩy mạnh công tác bình đẳng giới trong toàn tỉnh, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh đã tham mưu cho Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới, Hội LHPN tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Đề án của Chính phủ; ban hành Kế hoạch thực hiện các Đề án của Chính phủ, tỉnh. Thông qua thực hiện các Đề án, giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên phụ nữ, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu công tác bình đẳng giới.

Những kết quả tích cực thực hiện bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh

Được coi là đơn vị chủ lực trong thực hiện bình đẳng giới, trong năm qua, Hội LHPN các cấp phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến bình đẳng giới và công tác phụ nữ. Kết quả đã tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới được 3.925 cuộc/201.128 lượt người. Các hoạt động tuyên truyền của Hội đã góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng đối với công tác phụ nữ, phụ nữ được tôn trọng và bình đẳng hơn, vị trí của người phụ nữ trong xã hội và gia đình ngày càng được cải thiện.

Các cấp Hội tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật, các văn bản có liên quan đến phụ nữ và trẻ em, góp ý kiến và phản biện xã hội hơn 510 văn bản dự thảo, hoạt động của UBND và công tác chỉ đạo điều hành của UBND cơ sở và các văn bản Luật có liên quan do các ngành và Hội cấp trên chỉ đạo.

Phối hợp tổ chức 188 lớp tập huấn/12.996 lượt cán bộ Hội cấp xã, Chi hội trưởng về chức năng giám sát và phản biện xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Các cấp Hội tiếp nhận 160 đơn thư về tranh chấp đất đai, bạo lực gia đình...; phối hợp giải quyết thành công 140 đơn thư, 20 đơn chuyển ngành chức năng; tổ chức 346 cuộc tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hơn 18.146 hội viên, phụ nữ, các hoạt động này đã góp phần giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư, củng cố niềm tin của cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp.

Đáng chú ý, các cấp Hội tập trung thực hiện khâu đột phá “Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Hội cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ; phát huy quyền làm chủ của hội viên phụ nữ”. Các cấp Hội tập trung xây dựng các mô hình tập hợp phụ nữ theo đối tượng, lĩnh vực thông qua các tổ, nhóm, câu lạc bộ theo đặc thù lứa tuổi, sở thích. Đặc biệt, chương trình đột phá "Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội giai đoạn 2017 - 2021" đã làm thay đổi diện mạo của chi hội phụ nữ, đổi mới hình thức sinh hoạt; sử dụng mạng xã hội để quảng bá hoạt động Hội, thu hút phụ nữ hưởng ứng và tham gia các phong trào, hoạt động Hội. Cán bộ Hội các cấp luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm tạo điều kiện trong thực hiện nhiệm vụ, kết quả có 8 cán bộ Hội cấp tỉnh, 47 cán bộ Hội cấp huyện, 161 cán bộ Hội cấp xã được điều động, luân chuyển sang cơ quan khác (Đảng, chính quyền, đoàn thể); 100% cán bộ cấp tỉnh và huyện, 98% Chủ tịch, Phó Chủ tịch cơ sở đạt chuẩn chức danh cán bộ.

Báo cáo của Hội LHPN tỉnh nêu rõ, thông qua Đề án 295 “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm”, các cấp Hội phối hợp mở 647 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho 15.969 hội viên, phụ nữ; tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề 5.445/7.370 đạt 73%; các mô hình tạo việc làm sau học nghề như: Tổ hợp tác "Chăn nuôi lợn nái sinh sản", "Đan cót, đóng mâm trúc", "Nấu cỗ", "Trồng sắn cao sản", tổ phụ nữ liên kết "Chăn nuôi lợn thịt an toàn" tạo thu nhập bình quân từ 3 triệu - 3,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần giúp các gia đình tăng thu nhập, phát triển kinh tế, nâng cao kiến thức, kỹ năng của phụ nữ...

Trong đó, Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” được triển khai có hiệu quả, có 327 hội viên phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập được 440 mô hình tổ hợp tác, tổ phụ nữ liên kết sản xuất, mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Các phong trào thi đua tiết kiệm, giúp nhau phát triển kinh tế đã trở thành động lực thúc đẩy, động viên, khích lệ cán bộ, hội viên, phụ nữ hăng hái lao động, phát triển kinh tế, giảm nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thông qua Đề án 704 “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, Hội đã góp phần giúp các gia đình nâng cao kiến thức, kỹ năng của phụ nữ thông qua các chương trình tập huấn, nói chuyện chuyên đề, tổ chức các cuộc thi “Tuyên truyền viên giỏi kiến thức nuôi dạy con tốt”, “Cơm ngon con khỏe”... tại cơ sở nhiều mô hình được duy trì và nhân rộng, mô hình "Gia đình nuôi dạy con tốt" gồm 46 CLB với 1.794 thành viên.

Các cấp Hội phối hợp với ngành Y tế, Dân số KHHGĐ tuyên truyền, vận động 27.634 lượt hội viên phụ nữ đi khám thai; tuyên truyền các bà mẹ đưa trẻ dưới 6 tuổi đi tiêm phòng được 12.654 lượt trẻ em. Tổ chức thăm ốm, thăm viếng hội viên, thân nhân, trẻ em khuyết tật và giúp gia đình khó khăn, hoạn nạn… tổng số tiền 1.954 triệu đồng và 68.721 công lao động.

Cuộc vận động Rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hoạt động tiết kiệm theo gương Bác được triển khai bằng nhiều hình thức như: Tiết kiệm tiền, lương thực, thời gian hội họp. Toàn tỉnh có 351 mô hình/8.939 người tham gia, góp phần rèn luyện lề lối, phong cách làm việc, hội họp, thực hành tiết kiệm cho bản thân và xã hội, giúp đỡ hội viên phụ nữ nghèo.

Thực hiện Đề án số 19-ĐA/TU ngày 13/8/2019 của Tỉnh ủy Cao Bằng về đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục trên quê hương cách mạng Cao Bằng giai đoạn 2019 - 2025, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội LHPN các huyện thành lập Câu lạc bộ “Phụ nữ hát then, đàn tính”; các cấp Hội ra mắt 84 câu lạc bộ, mô hình; 79 CLB thể thao, dân vũ/1.500 người tham gia. Đây là nơi để chị em giao lưu và bồi dưỡng, đào tạo thế hệ trẻ tiếp nối giữ gìn, phát huy và bảo tồn các làn điệu dân ca dân tộc góp phần xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ trong tổ chức Hội.

Các cấp Hội phối hợp mở 71 lớp xóa mù chữ/1.600 phụ nữ tham gia học tập, giúp cho người dân, nhất là phụ nữ có được sự tự tin hơn trong cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo; tại các địa bàn mở lớp học chữ đã thành lập được 63 CLB phát triển cộng đồng/2.000 phụ nữ tham gia.

Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gắn với phong trào Cao Bằng chung sức xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, các cấp Hội đã chỉ đạo đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền như: Tập huấn, hội thảo, truyền thông.

Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” giai đoạn 2017 - 2022 được các cấp Hội với nhiều hoạt động như: Hội thảo, tập huấn, tuyên truyền giáo dục về an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới... góp phần xây dựng môi trường sống an toàn và giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, truyền thông được 12.116 cuộc/702.728 lượt hội viên. Các cấp Hội thực hiện có hiệu quả Nghị quyết liên tịch số 01 giữa Bộ Công an và Hội LHPN Việt Nam về “Quản lý và giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”.

Từ năm 2018 đến nay, thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương”, các đơn vị trong và ngoài tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ 32 xã biên giới với số tiền trên 4 tỷ đồng. Qua chương trình đã khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, chung tay chăm lo những hoàn cảnh khó khăn, nhiều gia đình chị em phụ nữ biên giới có nhà mới để ở, có công ăn việc làm ổn định và nâng cao nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm để vươn lên khẳng định bản thân và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đảng đoàn Hội LHPN tỉnh tham mưu đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 35-CTr/TU ngày 30/5/2008 của Tỉnh ủy Cao Bằng về việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về "Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước" và góp phần nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng. Hàng năm Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã ban hành kế hoạch chỉ đạo các cấp Hội LHPN triển khai, tuyên truyền Luật Bình đẳng giới.

Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp coi trọng công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nữ, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, đề bạt cán bộ nữ luôn được quan tâm, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng . Kết quả Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nỗ lực phấn đấu của cán bộ nữ trong tỉnh . Các cấp Hội đã giới thiệu cán bộ, hội viên, phụ nữ ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp được 7.959 chị/16.806 đảng viên được kết nạp đạt 47%.

Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, giải pháp khắc phục 

Bên cạnh những kết quả tích cực, Hội LHPN tỉnh Cao Bằng cũng thẳng thắn thừa nhận, nhận thức của xã hội về công tác nữ, vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc và toàn diện. Một số nơi vẫn cho rằng công tác phụ nữ và bình đẳng giới là trách nhiệm của tổ chức Hội LHPN, dẫn đến việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình công tác phụ nữ và bình đẳng giới trong phạm vi và khả năng tham mưu của tổ chức Hội, chưa thực hiện đúng quan điểm công tác phụ nữ và bình đẳng giới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của xã hội và từng gia đình.

Hơn nữa, việc đổi mới phương thức hoạt động và hình thức vận động phụ nữ của Hội còn hạn chế, thiếu chủ động; công tác giáo dục gia đình chưa được quan tâm đúng mức, bạo lực gia đình, ly hôn, tội phạm xâm hại, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái còn diễn biến phức tạp...

Song song, kinh phí thực hiện các hoạt động Bình đẳng giới còn hạn hẹp, chủ yếu nguồn kinh phí thường xuyên hoặc lồng ghép với các hoạt động khác của đơn vị.

Ngoài ra, một số cán bộ Hội cơ sở còn hạn chế về kiến thức giới, kỹ năng tuyên truyền lồng ghép giới.

Trên cơ sở này, Hội LHPN tỉnh đề xuất, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện công tác bình đẳng giới, quan tâm công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn cán bộ nữ, đặc biệt cán bộ nữ người dân tộc. Hằng năm, bố trí kinh phí cho Hội LHPN các cấp thực hiện các Đề án đã được Tỉnh ủy và Chính phủ phê duyệt; bố trí kinh phí hoạt động Bình đẳng giới cho Hội LHPN các cấp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về công tác bình đẳng giới.

Đồng thời, tiếp tục kiến nghị, đề xuất với Đảng và Nhà nước ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách thực hiện Luật Bình đẳng giới; Tăng cường sự phối hợp có chất lượng và hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm bình đẳng giới; có cơ chế bố trí kinh phí cho tổ chức Hội thực hiện bình đẳng giới.

Ngoài ra, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật về bình đẳng giới; Xây dựng các chương trình, dự án, đề án giúp đỡ phụ nữ biên giới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững./.

 

DT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực