Thế nào là “Định kiến giới”
Định kiến giới là những nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ. Nói một cách khác, định kiến giới là suy nghĩ của mọi người về những gì mà phụ nữ và nam giới có khả năng làm và loại công việc mà họ có thể làm và nên làm; là tập hợp các đặc điểm mà một nhóm người, một cộng đồng cụ thể nào đó gán cho là thuộc tính của nam giới hay nữ giới.
Các định kiến giới thường theo xu hướng nhìn nhận ít tích cực, không phản ánh đúng khả năng thực tế của từng cá nhân dẫn đến việc làm sai lệch và hạn chế những điều mà một cá nhân nam, nữ có thể làm, cần làm hoặc nên làm.
Những định kiến giới phổ biến như: “Nam giới giỏi kỹ thuật, nữ giới giỏi nấu nướng”; “Nữ giới giỏi công việc nội trợ và chăm sóc người khác hơn nam giới”, “Phụ nữ là phụ thuộc, yếu đuối, thụ động, nam giới là độc lập, mạnh mẽ, có năng lực và là người ra quyết định”; “Nội trợ là công việc của phụ nữ, không phải là việc của đàn ông”; “Chồng có quyền dạy vợ, vợ phải nghe lời chồng”; “Nam giới là trụ cột, quyết định các việc lớn trong gia đình, nữ giới nuôi dạy con cái, nội trợ, quản lý chi tiêu”; “Nam giỏi việc xã hội; nữ giỏi việc nhà”...
Đây là quan điểm không đúng về khả năng của nam giới và phụ nữ. Các quan niệm sai lầm này khiến cho cho cả nam và nữ đều bị ảnh hưởng, không có cơ hội thể hiện năng lực thực sự của bản thân.
|
Truyền thông thay đổi “Nếp nghĩ, cách làm” xoá bỏ định kiến, khuôn mẫu giới tại Bản Huồi Xá, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An (Ảnh minh hoạ) |
Thế nào là “Khuôn mẫu giới”
Khuôn mẫu giới là các kỳ vọng hoặc niềm tin đó được tất cả mọi người hướng tới và coi là “chuẩn mực” cần tuân theo, cho dù những niềm tin hay kỳ vọng này có mang hàm ý tích cực hay tiêu cực nhưng nó đều gây áp lực cho tất cả các giới. Chính vì thế nó trở thành rào cản vô hình dẫn đến bất bình đẳng giới.
Theo bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS), những khuôn mẫu như: “việc nhà là của phụ nữ”, “phụ nữ thì không cần học quá cao”,… đang là rào cản lớn, tước đi cơ hội của phụ nữ trong khi xét về năng lực, phụ nữ không hề thua kém đàn ông.
Điển hình nhất là cộng đồng kỳ vọng phụ nữ phải là người “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và coi đây là chuẩn mực để phấn đấu. Khái niệm phụ nữ “đảm đang" trong thời đại cũ gắn chặt với định kiến phụ nữ làm việc nhà, quanh quẩn trong bếp. Tuy nhiên, kỳ vọng này khiến cho phụ nữ phải chịu nhiều áp lực và gánh nặng công việc nhà mà không có sự chia sẻ của nam giới.
Tương tự, cộng đồng thường kỳ vọng: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” và cả nam và nữ đều coi đây là chuẩn mực cần đạt được. Song có một thực tế là không thể chỉ một mình đàn ông xây nhà mà cần cả vai trò và đóng góp của phụ nữ thì việc xây nhà mới hiệu quả. Mặt khác, tổ ấm của một gia đình không chỉ có người đàn bà vun đắp mà đòi hỏi nỗ lực của cả người chồng.
Thế nào là phân biệt đối xử về giới
Phân biệt đối xử về giới là việc hạn chế, loại trừ, không công nhận hoặc không coi trọng vai trò, vị trí của nam và nữ, gây bất bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Biểu hiện của sự phân biệt đối xử về giới thường được thể hiện ở những nhóm hành vi ứng xử mang tính thiên lệch hoặc không phù hợp với nam, nữ hoặc các giới khác như: không tôn trọng; không ghi nhận và không tạo điều kiện thuận lợi, dựa vào đặc điểm giới tính hoặc những biểu hiện giới khác biệt của họ.
Ở nơi làm việc, phân biệt giới tính thường là trường hợp đàn ông quyết định nhiều hơn phụ nữ hoặc coi thường công việc của phụ nữ.
Ở gia đình, ngay từ khi người phụ nữ mang thai, đã có những cặp vợ chồng có khuynh hướng muốn sinh con trai và tìm những biện pháp để đạt được việc này. Điều đó đã dẫn đến xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh, trẻ em nam nhiều hơn trẻ em nữ. Nhiều gia đình có sự phân biệt đối xử giữa con trai và con gái, cha mẹ thường chiều chuộng, quan tâm và dành sự yêu thương nhiều hơn cho con trai.
Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học, những người con bị hắt hủi dễ nuôi trong lòng sự tức giận, căm phẫn và có nhiều nguy cơ đối mặt với trầm cảm hơn so với bình thường. Từ đó sẽ có xu hướng tự đánh giá thấp bản thân, giảm lòng tự trọng và dần thu mình lại. Đến khi lấy chồng, người phụ nữ trở nên ít có tiếng nói trong gia đình và còn phải chịu sự bất bình đẳng trong phân chia tài sản, hưởng quyền thừa kế… Đó có thể là nguồn gốc của những bi kịch gia đình. Đồng thời, những cản trở, phân biệt với phụ nữ và trẻ em gái ngay từ trong gia đình, từ chính cha mẹ sẽ khiến xu hướng bất bình đẳng giới trong xã hội gia tăng.
Định kiến giới, khuôn mẫu giới và sự phân biệt đối xử về giới có mối liên hệ qua lại chặt chẽ với nhau và đều là nguyên nhân sâu xa dẫn tới bất bình đẳng giới. Định kiến giới và khuôn mẫu giới gây ra những tổn hại và cản trở sự phát triển của cả nam và nữ./.