Tháng 4 vừa qua, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hà Nội đã cho ra mắt mô hình điểm “Tổ truyền thông cộng đồng” tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì). “Tổ truyền thông cộng đồng” gồm 10 thành viên, có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày: động viên hội viên, phụ nữ lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục có hại cũng như tích cực theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân nói chung, phụ nữ, trẻ em gái nói riêng...
|
Ra mắt mô hình điểm “Tổ truyền thông cộng đồng” tại xã Ba Trại |
Bà Nguyễn Thị Bắc, 71 tuổi, sống trên địa bàn xã nhận xét, từ khi ra mắt đến nay là nửa năm, các thành viên “Tổ truyền thông cộng đồng” hoạt động rất tích cực. "Ngày xưa khi lấy chồng, mẹ chồng tôi dặn phải chịu nhịn, đừng để chồng đánh. Chồng có đánh cũng cố chịu, phản ứng lại là bị đánh nhiều hơn! Tới thế hệ của con, cháu tôi, việc "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ" đã không còn bởi con cháu tôi đều rất tự chủ, có tiếng nói trong gia đình, không lệ thuộc chồng về kinh tế. Tuy nhiên, sống đến chừng này tuổi, tôi cũng được chứng kiến nhiều vụ bạo hành rồi! Nhẹ thì bầm tím, nặng có khi bị chệch khớp, phải tới bệnh viện khâu lại vết thương... Đáng mừng là từ khi có “Tổ truyền thông cộng đồng” thì không thấy vụ bạo lực nào nữa! Tôi thấy các anh, chị trong tổ nói rất nhiều về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình cho cả phụ nữ và đàn ông bằng tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi hay diễn những vở kịch ngắn khiến mọi người rất dễ nhớ", người phụ nữ dân tộc Mường nói.
Trưởng ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hà Nội Hoàng Thu Hồng cho biết, đồng bào dân tộc thiểu số của Thành phố Hà Nội cư trú tập trung theo cộng đồng tại 14 xã của 05 huyện (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức) với trên 55.000 người chủ yếu là dân tộc Mường và dân tộc Dao, trong đó số hội viên phụ nữ là trên 19.400 người.
Trong suốt chiều phát triển của đất nước, đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi đóng vai trò quan trọng trong lịch sử của quốc gia. Tuy nhiên, do đặc thù bản sắc văn hóa có tính lâu đời, nhiều hủ tục, định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng vẫn là rào cản lớn đối với sự phát triển của phụ nữ và trẻ em tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con tiếp cận với thông tin, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội chính là một trong những biện pháp hiệu quả giúp bà con "giảm nghèo thông tin", qua đó thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
|
“Tổ truyền thông cộng đồng” xã Minh Quang (huyện Ba Vì) tham gia cuộc thi truyền thông "Thay đổi nếp nghĩ, cách làm vì bình đẳng giới với phụ nữ dân tộc thiểu số". |
Do vậy, từ mô hình điểm “Tổ truyền thông cộng đồng” tại xã Ba Trại, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hà Nội quyết định thành lập 14 “Tổ truyền thông cộng đồng” tại 14 xã với tổng số 140 thành viên. Thành viên được lựa chọn đều sinh sống trên chính địa bàn; gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tiên phong thay đổi nếp nghĩ cách làm trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, lao động sản xuất phát triển kinh tế, góp phần xoá bỏ các hủ tục và định kiến giới. Thành viên đều là cán bộ thôn, cán bộ Hội phụ nữ, đại diện Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể ở địa phương và những người có uy tín trong cộng đồng tự nguyện tham gia hy vọng sẽ sẽ mang đến những thay đổi đáng kể trong nếp nghĩ, cách làm, giúp phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số có cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, bà Thu Hồng nói./.