Đó là chia sẻ của em Thạch Thị Kim Sen, dân tộc Khmer, cựu học sinh trường THCS Dân tộc nội trú Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng.
Sen kể rằng, nơi em sinh ra và lớn lên là một vùng quê còn nhiều khó khăn, người dân ít học nên phân biệt nam nữ rất rõ ràng.
Từ khi biết nhận thức, em đã thường xuyên nghe những lời nói như: “Sao nó không là con trai để phụ giúp gia đình. Con gái chủ yếu nuôi để cưới chồng chứ chẳng giúp được gì”...
Phân biệt nam - nữ tiếp diễn khi em đủ tuổi vào lớp 1. Sen ngậm ngùi nhớ lại ngày đầu tiên bước vào lớp, em đã rất bối rối vì các bạn trong lớp đều là người dân tộc khác, không cùng dân tộc Khmer với em. Khác biệt ngôn ngữ nên Sen rất khó giao tiếp với các bạn. Không ai muốn nói chuyện, thậm chí các bạn còn không thích chơi cùng em.
|
Sinh hoạt chuyên đề xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường được tổ chức thường xuyên tại Trường Phổ thông THCS Dân tộc nội trú huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: CTV) |
5 năm học cấp 1 trôi qua với rất ít kỷ niệm đẹp, Sen bước sang vào lớp 6. Mặc dù em rất là háo hức, mong muốn được đến học ở một ngôi trường mới, với thầy cô và bạn bè mới nhưng khi đó, điều kiện gia đình rất khó khăn. Nếu tiếp tục học thì gia đình sẽ phải tốn kém sắm sửa cho em xe đạp mới, quần áo mới, tập sách mới…
Đứng trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Sen đã có ý nghĩ bỏ học để ở nhà phụ giúp gia đình.
Biết được suy nghĩ ấy của Sen, ba mẹ đã động viên và khuyên em: “Con gái à, đừng bỏ học. Vì bỏ học con sẽ không có tương lai. Lúc đó con sẽ càng bị coi thường. Gia đình ta đã nghèo rồi, cha mẹ đã khổ quá rồi nên gắng lo cho con đi học để sau này con có thể kiếm được công việc và lo cho cuộc sống đỡ vất vả hơn”.
Hiểu nỗi khổ tâm của ba mẹ nên Sen coi đây là một thử thách để cố gắng vượt qua. Đúng thời điểm đó, Trường THCS Dân tộc nội trú mà Sen đăng ký nhập học cũng thông báo em đủ điểm đậu vào trường.
Đó là một ngôi trường mới ở tận chợ huyện. Vào trường, Sen được cấp học bổng hàng tháng. Bớt đi gánh nặng cho cha mẹ về tiền bạc, Sen thấy phần nào vui vẻ vì vừa đỡ đần được cha mẹ trong lúc khó khăn mà bản thân em cũng không phải nghỉ học giữa chừng.
Càng vui hơn khi các bạn học khác cũng là người dân tộc Khmer như em. Môi trường học tập và sinh hoạt ở trường mới cũng rất tốt. Khuôn viên trường rộng lớn, có phòng học, phòng ở và nhà ăn cho học sinh. Thầy, cô và các anh, chị khóa trước rất nhiệt tình hướng dẫn Sen mọi thứ ở ngôi trường mới.
Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, ở môi trường học tập mới, Sen đã năng động hơn xưa rất nhiều, được thầy cô và bạn bè tin tưởng yêu mến.
Em xông xáo trong mọi hoạt động của lớp, của trường. Trong 5 học lớp 8 vừa qua. Em đã xung phong tham gia múa và hát khi trường tham gia hội thi văn nghệ các trường dân tộc nội trú. Sen cùng các bạn học sinh trong đội văn nghệ được lên truyền hình. Gia đình vô cùng tự hào khi em được lên tivi.
Những năm học THCS, Sen đã phát âm tiếng Việt rất tốt. Em không còn mặc cảm bởi rào cản ngôn ngữ với các bạn trong lớp, trong trường nữa. Sen mong muốn tiếp tục học lên THPT và vào đại học, rồi sẽ bắt đầu công việc mà mình cảm thấy phù hợp để khẳng định với mọi người trong làng rằng con gái người dân tộc thiểu số Khmer cũng có thể học tốt và làm được mọi việc chứ không phải chỉ riêng con trai mới có thể làm được.
Sen biết tương lai của em còn dài. Con đường phía trước còn nhiều thử thách. Muốn vượt qua những khó khăn ấy, em tự nhủ càng phải kiên định với ước mơ của chính mình. Ước mơ của em là bằng thành công của chính mình sẽ góp phần xóa bỏ bất bình đẳng giới, để trẻ em gái được trao cơ hội học tập, phát triển ngang bằng với trẻ em nam./.