Vấn đề giới trong giáo dục-đào tạo cho người dân tộc thiểu số

Thứ bảy, 09/12/2023 19:22
(ĐCSVN) - Mặc dù khoảng cách giới trong giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp đã được thu hẹp đáng kể ở Việt Nam trong thời gian qua, tuy nhiên điều này chưa đạt được đối với vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Do đó cần có giải pháp giải pháp để từng bước chấm dứt tình trạng bất bình đẳng và phân biệt đối xử đan xen đối với phụ nữ và trẻ em gái DTTS trong tiếp cận giáo dục-đào tạo.
Một lớp học ghét (lớp 3 và lớp 4) ở xã Tân Lập, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

Kết quả điều tra thu thập thông tin thực trạng KT-XH của 53 DTTS năm 2019 cho thấy, tỷ lệ đi học chung cấp tiểu học của người DTTS là 100,5%, cấp THCS là 85,8% và THPT là 50,7%. So với năm 2015, mức độ tiếp cận với giáo dục phổ thông của người DTTS đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là ở cấp THPT với tỷ lệ đi học chung ở cấp này tăng 8,9 điểm phần trăm…

Tình hình trẻ em ngoài nhà trường phổ thông của trẻ em các DTTS trầm trọng hơn trẻ em Kinh ở tất cả các cấp học. Tỷ lệ ngoài nhà trường của trẻ em DTTS tăng dần theo cấp học, nghiêm trọng nhất ở cấp THPT, với các lý do chủ yếu là kết hôn sớm và lao động sớm.

Chưa hết, trẻ em DTTS đi học tại hệ thống trường THCS bán trú xa nhà, hệ thống cơ sở vật chất không đảm bảo, có thể ảnh hưởng đến sự an toàn, đặc biệt đối với trẻ em gái. Mặc dù hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú trong thời gian qua đã phát triển khá nhanh về số lượng để đảm bảo có đủ trường học cho học sinh DTTS, tuy nhiên chất lượng cơ sở vật chất chưa đảm bảo tiêu chuẩn.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục-Đào tạo, chỉ trong vòng 5 năm học (từ năm học 2010-2011 đến 2015-2016), từ 127 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) đã phát triển thành 979 trường tại 28 tỉnh,thành phố, với 146.000 học sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ trường có cơ sở vật chất kiên cố chỉ chiếm từ 30-50%, còn lại là các công trình bán kiên cố, công trình tạm hoặc thuê, mượn. Chỉ có khoảng 98.400 học sinh DTTS (chiếm 67%) được ở nội trú tại trường, còn lại học sinh phải tự lo nơi ở.

Tỷ lệ biết đọc, biết viết chữ phổ thông (Tiếng Việt) của người DTTS là 79,09% (nam 85,53%, nữ 72,70%), thấp hơn đáng kể so với người Kinh (nam 97,81%, nữ 94,69%). Ở nhóm tuổi càng cao thì tỷ lệ người DTTS, đặc biệt nữ DTTS, biết đọc, biết viết chữ phổ thông càng thấp. Trong nhóm từ 65 tuổi trở lên, chỉ có 65,87% nam DTTS và 39,08% nữ DTTS biết đọc, biết viết chữ phổ thông.

Theo Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ, hầu hết chính sách giáo dục và đào tạo nghề nghiệp đối với học sinh DTTS hiện hành đều trung tính về giới. Mặc dù các chính sách này không trực tiếp đề cập đến nữ hay nam, tuy nhiên có thể làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng giới đang tồn tại trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề nghiệp. Cụ thể, Luật giáo dục (2005, sửa đổi 2010) và Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014) đã quy định những biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách tiếp cận giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp cho người DTTS, tuy nhiên hầu hết các quy định này đều “trung tính giới”...

Luật Bình đẳng giới (2006) mặc dù có quy định về đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục, tuy nhiên chưa bao quát được những vấn đề giới đặc thù trong lĩnh vực DTTS.

Từ thực tiễn nêu trên, các chuyên gia của Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) khuyến cáo cần đẩy mạnh giải quyết tình trạng bất bình đẳng và phân biệt đối xử đan xen đối với phụ nữ và trẻ em gái DTTS trong tiếp cận giáo dục-đào tạo. Muốn thế cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của giáo dục-đào tạo đối với trẻ em gái và phụ nữ DTTS.

Đảm bảo cơ hội cho trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên nam, nữ của các DTTS rất ít người được tiếp cận bình đẳng tới chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập. Đảm bảo tỷ lệ nam, nữ được thụ hưởng chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập bằng tiền mặt không quá 60% cho mỗi giới (theo Nghị định số 57/2017/NĐ-CP quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh, hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người). Cụ thể trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người được ưu tiên vào học tại các cơ sở giáo dục phù hợp theo nguyện vọng (được xét tuyển thẳng); được hỗ trợ học tập bẳng tiền mặt; mức hỗ trợ tùy thuộc vào từng cấp học; mức hỗ trợ tính theo mức lương cơ sở do Chính phủ công bố hằng năm.

Phân bổ các chỉ tiêu ưu tiên tuyển sinh phải căn cứ vào tình trạng bất bình đẳng giới của từng địa bàn và theo giới tính (nam-nữ); thiết lập hệ thống theo dõi-giám sát công bằng và có trách nhiệm giới trong ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên DTTS.

Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển hệ thống giáo dục mầm non có chất lượng ở các vùng DTTS để đảm bảo 100% trẻ em DTTS ở độ tuổi 4 tuổi và 5 tuổi được đi học; giúp chuẩn bị cho các em về ngôn ngữ phổ thông và các kỹ năng cần thiết trước khi vào tiểu học. Mở rộng phương pháp giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ tại các vùng DTTS thông qua khuyến khích các địa phương có đủ điều kiện tiếp tục duy trì, triển khai nhân rộng các chương trình giáo dục song ngữ dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ; khuyến khích các địa phương và cơ sở giáo dục tăng tỷ lệ giáo viên và trợ giảng là người DTTS (ưu tiên tuyển dụng giáo viên là người DTTS)

Trẻ em DTTS học tập trong chương trình giáo dục song ngữ .

Các chuyên gia của Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ cũng kiến nghị xem xét áp dụng các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới nhằm tăng cường dạy/kèm cặp ngôn ngữ (tiếng phổ thông) cho phụ nữ trung tuổi và trẻ em gái DTTS (ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học), nhằm tạo điều kiện tiếp cận các cơ hội học tập, đào tạo nghề.

Mặt khác, đảm bảo cơ sở hạ tầng của các trường nội trú và bán trú an toàn, đáp ứng nhu cầu và điều kiện thực tế của trẻ em gái DTTS. Tăng cường giáo dục về phòng chống bạo lực giới trong trường học, đặc biệt tại trường phổ thông dân tộc bán trú. Có biện pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cho bộ máy bình đẳng giới ở các địa bàn được xác định có bất bình đẳng giới hoặc nguy cơ bất bình đẳng giới cao trong giáo dục - đào tạo, nhằm đảm bảo triển khai thực hiện tốt các chính sách, giải pháp về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo trên địa bàn.

Bà Vũ Phương Ly, Chuyên gia Chương trình của UN Women lưu ý đến việc đẩy mạnh thu thập và phân tích dữ liệu tách biệt giới trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo nhằm phát hiện các vấn đề giới mới phát sinh hoặc làtrầm trọng hơn. Từ đó đề xuất các khuyến nghị, giải pháp giải quyết các vấn đề giới./.

Nam Khánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực