Vấn đề giới trong việc làm của người dân tộc thiểu số

Thứ năm, 07/12/2023 17:54
(ĐCSVN) - Lao động nữ dân tộc thiểu số (DTTS) đang gặp nhiều bất lợi trong việc làm, là một trong những nhóm “yếu thế” trong phát triển sinh kế, trong thị trường lao động.
Theo Tổng cục Thống kê, nữ DTTS ít khả năng tiếp cận những công việc làm công hưởng lương, được pháp luật lao động bảo vệ 

Vai trò giới của phụ nữ DTTS vẫn gắn với công việc nội trợ, chăm sóc gia đình

Theo Điều tra thực trạng kinh tế-xã hội của 53 DTTS năm 2015 của Tổng cục Thống kê, so với dân tộc Kinh, tỷ lệ lao động DTTS làm công việc chuyên môn kỹ thuật rất thấp; đa số làm công việc phổ thông, không yêu cầu tay nghề/trình độ chuyên môn kỹ thuật. Tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo chuyên môn kĩ thuật rất thấp, 6,11% (nam 6,53%, nữ 5,69%), chỉ bằng 1/3 so với tỷ lệ tương ứng của Kinh. Có tới 12/53 DTTS có tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật dưới 2% như Xtiêng 0,81% (nam 0,83%, nữ 0,78%), Mảng 0,89% (nam 1,35%, nữ 0,45%), Brâu 1,06% (nam 2,03%, nữ 0,16%)...

Đáng chú ý, tình trạng mù chữ, tái mù chữ cao trong nhóm lao động nữ DTTS từ 35 tuổi trở lên đã cản trở họ tham gia các khóa học nghề, khuyến nông, lâm, ngư nhằm cải thiện/chuyển đổi việc làm và thu nhập.

Mặt khác, nữ DTTS có xu hướng tham gia lao động rất sớm và sớm hơn so với nữ dân tộc Kinh. Đến 15 tuổi, rất nhiều em gái DTTS đã tham gia làm việc như người trưởng thành, trong khi ở độ tuổi này, em gái dân tộc Kinh phần lớn còn đang tiếp tục đi học. Tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2015 đạt tới 87,55% (nam 91,81% và nữ 83,41%), cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của người Kinh là 74,92% (nam 79,10% và nữ 71,10%).

Cũng theo Tổng cục Thống kê, nữ DTTS ít khả năng tiếp cận những công việc làm công hưởng lương, được pháp luật lao động bảo vệ. Có tới 83,81% việc làm của lao động nữ DTTS là tự làm trong lĩnh vực nông nghiệp, so với tỷ lệ tương ứng của nam DTTS là 79,16% và nữ dân tộc Kinh là 40,72%. Việc làm của nữ DTTS thường không bền vững và dễ bị tổn thương; không thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ Luật Lao động; không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc.

Còn nữa, chỉ có rất ít lao động nữ trẻ DTTS tìm việc làm có thu nhập tốt hơn và được pháp luật bảo vệ như việc làm tại các doanh nghiệp địa phương, các khu công nghiệp trong nước và đi làm việc ở nước ngoài. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này được Tổng cục Thống kê chỉ ra là vai trò giới hiện tại của phụ nữ DTTS vẫn gắn với công việc nội trợ và chăm sóc gia đình; định kiến xã hội về phụ nữ xa quê hương vẫn nặng nề ở một số nhóm DTTS; và thiếu hụt các dịch vụ việc làm chất lượng tại các địa phương vùng DTTS.

Chưa hết, nữ DTTS ít tham gia vào quá trình xây dựng, triển khai và giám sát - đánh giá các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ việc làm và giảm nghèo cho đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời tỉ lệ nữ DTTS tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý và ra quyết định tất cả các cấp, từ cấp xã đến trung ương đều rất thấp.

Cần tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ DTTS yếu thế

Trước thực tế đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, cần tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ DTTS yếu thế để họ được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách và dịch vụ hỗ trợ đào tạo nghề, cải thiện việc làm nhằm thu hẹp khoảng cách với nam DTTS và khoảng cách với nữ dân tộc Kinh trong thị trường lao động.

Bà Nguyễn Thị Bích Thúy, Chuyên gia giới độc lập cho rằng, các chính sách, chương trình, dự án về đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư ở vùng DTTS, cần đảm bảo tiếp cận và tham gia của nhóm nữ DTTS trung tuổi không biết nói, đọc, viết tiếng phổ thông. Các địa phương có nhóm đối tượng đặc thù này cần nghiên cứu và đề xuất các hình thức, phương pháp phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của đối tượng (đào tạo bằng ngôn ngữ dân tộc; đào tạo theo phương pháp kèm cặp, thực hành tại địa phương; thời gian đào tạo dài hơn; có hỗ trợ chi phí hoặc bố trí trông con nhỏ và làm việc nhà trong thời gian đào tạo).

Bà Vũ Phương Ly, Chuyên gia Chương trình của UN Women (Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ) nhấn mạnh đến giải pháp tăng cường sự tham gia của phụ nữ DTTS và các tổ chức đại diện của phụ nữ trong quá trình xây dựng, vận hành, quản lý, điều hành và giám sát các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm và chuyển đổi việc làm ở địa phương, vùng DTTS. Cụ thể, căn cứ vào tình hình bất bình đẳng giới ở địa phương/vùng DTTS để quy định tỷ lệ nam - nữ DTTS tham gia vào quá trình xây dựng, vận hành, quản lý - điều hành và giám sát các chính sách, chương trình, dự án; và xây dựng mô hình thí điểm hỗ trợ nữ DTTS tham gia vào quá trình xây dựng, vận hành, quản lý - điều hành và giám sát các chính sách, chương trình, dự án. Sau quá trình triển khai mô hình thí điểm, cần tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.

Các chuyên gia đề nghị xây dựng các mô hình hỗ trợ học nghề và tìm việc làm tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh cho nữ thanh niên DTTS mới tốt nghiệp THCS/THPT. Mô hình cần sự tham gia, cộng tác của chính quyền, đoàn thể địa phương (xã, huyện, tỉnh), các cơ sở dịch vụ việc làm, các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp tuyển dụng lao động.

Theo đó, các hoạt động hỗ trợ cần hướng đến tư vấn định hướng nghề nghiệp; tư vấn học nghề; giới thiệu việc làm; hỗ trợ pháp lý trong quan hệ lao động; quản lý tài chính và chuyển tiền về quê hương; và tư vấn giải quyết khủng hoảng, khó khăn trong quá trình di cư. Chính quyền địa phương (đi và đến) cần tăng cường năng lực cho các trung tâm, cơ sở dịch vụ việc làm tham gia cung cấp dịch vụ cho nữ thanh niên DTTS học nghề và di cư làm việc.

Trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp quốc, với nguyên tắc “Không bỏ ai ở lại phía sau” thì những vấn đề DTTS và thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ở vùng DTTS và miền núi cần được quan tâm đặc biệt. Do đó, những khuyến nghị từ các chuyên gia khi được triển khai thực hiện chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng DTTS một cách hiệu quả và toàn diện như Việt Nam đã cam kết thực hiện trong Các mục tiêu Phát triển bền vững ở Việt Nam đến năm 2030./.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực