Xây dựng cho trẻ em miền núi, biên giới, vùng còn nhiều khó khăn một môi trường sống an toàn và lành mạnh

Thứ hai, 11/09/2023 14:05
(ĐCSVN) - Trong số 61 đại biểu dân tộc thiểu số đến từ nhiều vùng, miền của Tổ quốc về Thủ đô Hà Nội dự phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ I, các đại biểu tỉnh Lai Châu coi đây là cơ hội để chia sẻ những vấn đề mà trẻ em quan tâm và tin tưởng những ý kiến sẽ được các bác lãnh đạo lắng nghe, đưa ra quyết sách để trẻ em đặc biêt là trẻ em miền núi, biên giới, vùng còn nhiều khó khăn một môi trường sống an toàn và lành mạnh hơn.

Hiện là Chủ tịch Hội đồng trẻ em tỉnh Lai Châu, Nguyễn Trường Giang chia sẻ, em cảm thấy rất vinh dự, tự hào và cũng nhận thức rõ trách nhiệm của mình khi đại diện cho trẻ em tỉnh miền núi biên giới còn gặp vô vàn khó khăn như Lai Châu để đề cập tới một số vấn đề tại phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ I.

Chủ tịch Hội đồng trẻ em tỉnh Lai Châu Nguyễn Trường Giang vào vai Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giả định tại phiên họp toàn thể  "Quốc hội trẻ em"

"Chắc cũng như trẻ em ở nhiều tỉnh miền núi, trẻ em Lai Châu đang gặp phải một số vấn đề như tai nạn thương tích, bạo lực trẻ em. Nhiều bạn còn rất thiếu kỹ năng tự bảo vệ nên dẫn đến bị xâm hại. Giờ đây, khi cuộc sống của người dân Lai Châu đã được cải thiện, internet cũng không phải là điều gì quá xa lạ, chúng em được tiếp xúc nhiều hơn với công nghệ để phục vụ cho việc học tập, trang bị tri thức nhưng làm sao để an toàn trên không gian mạng cũng là điều mà cha mẹ, thầy cô và bản thân chúng em luôn lo lắng!", học sinh lớp 9A6, Trường THCS Đoàn Kết, thị xã Lai Châu nói.

Vào vai Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giả định tại phiên họp toàn thể  "Quốc hội trẻ em", Nguyễn Trường Giang bày tỏ tin tưởng, dù là lần đầu tiên diễn ra nhưng phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" là nơi để thiếu nhi trên toàn quốc nói chung, thiếu nhi Lai Châu đặc biệt là thiếu nhi dân tộc thiểu số cùng nhau đóng góp ý kiến và chia sẻ những vấn đề mà trẻ em quan tâm. Quan trọng hơn là những ý kiến đó sẽ được các bác lãnh đạo lắng nghe, đưa ra chính sách, giải pháp xây dựng cho trẻ em một môi trường sống an toàn và lành mạnh hơn".

Đoàn đại biểu tỉnh Lai Châu dự phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ I 

Dành sự quan tâm đến chủ đề: "Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng" mà phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ I đưa ra, Lừu Vân Chi, học sinh lớp 8a1, Trường THCS Huổi Luông, huyện Phong Thổ nêu thực tế, có rất nhiều bạn đang sử dụng internet nhưng lại chưa có sự hướng dẫn hay kiểm soát tốt trên mạng do đó, đã có bạn bị dụ dỗ bỏ học, phải đi làm thuê hay vướng vào những mối quan hệ phức tạp dẫn đến có bầu, phải kết hôn sớm khi tuổi đời còn quá trẻ!

"Em rất mong Lai Châu sẽ có thêm nhiều "Phòng máy tính cho em" bởi mặt tích cực của công nghệ là không thể phủ nhận trong khi điều kiện của tỉnh chưa cho phép các trường được trang bị đầy đủ như các địa phương khác. Bên cạnh đó, làm sao để các ngành, các bậc phụ huynh quản lý con trên mạng cho thật tốt, làm sao để các cô chú lãnh đạo có nhiều chương trình dành cho trẻ em vùng cao, biên giới, hải đảo nói chung, Lai Châu nói riêng, để chúng em được tham gia các hoạt động trải nghiệm an toàn, không phải mang bụng đói, vượt đường xa để tới trường, không bị chi phối bởi những thông tin xấu, tiêu cực là điều em mong muốn lúc này!", nữ sinh Hà Nhì thổ lộ.

 Nữ sinh dân tộc Dao đỏ Triệu Thị Mùi

Nổi bật với trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Dao đỏ, Triệu Thị Mùi chia sẻ, đây là lần thứ hai em được về Thủ đô Hà Nội nhưng là lần đầu tiên em được đến thăm trụ sở làm việc, nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của Quốc hội Việt Nam.

"Em rất vinh dự khi được có mặt ở đây, hơn nữa lại là đại biểu đại diện cho nhiều bạn nhỏ Lai Châu nói chung, trẻ em dân tộc thiểu số nói riêng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng đồng thời mong muốn các bác lãnh đạo lắng nghe tiếng nói của trẻ em để thực hiện được nhiều hơn những điều tốt nhất cho trẻ em, trong đó có việc phòng chống tai nạn thương tích, nâng cao chất lượng giáo dục ở địa bàn còn khó khăn", nữ sinh lớp 8A2, Trường THCS xã Phúc Than, huyện Than Uyên nói.

Nữ sinh dân tộc Mông Sùng Lan Phương

Với Sùng Lan Phương, lớp 9A2 trường THCS Sùng Phài, thành phố Lai Châu, Lai Châu quê hương em là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đồng thời cũng là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nên trẻ em cũng không có được điều kiện thuận lợi trong học tập và cuộc sống như các bạn đồng trang lứa ở miền xuôi.

Điều mà nữ sinh dân tộc Mông đặc biệt quan tâm là làm sao để giúp đỡ trẻ em Lai Châu cũng như trẻ em vùng sâu, vùng xa được đến trường đầy đủ, được trang bị những kỹ năng cần thiết, không phải bỏ học, không còn phải kết hôn sớm hay bị xâm hại, là nạn nhân của buôn bán người!

Xuân Tùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực