Xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc cần sự thấu hiểu từ các thành viên trong gia đình

Chủ nhật, 12/11/2023 10:44
(ĐCSVN) - Là 1 trong 15 gia đình trẻ tiêu biểu toàn quốc được biểu dương, gia đình anh Lò Văn Lợi đã chia sẻ quan điểm của vợ chồng anh về xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Công tác tại Công an huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, anh Lò Văn Lợi phải thường xuyên xa nhà, đặc biệt là vào dịp lễ tết.  Để bù đắp, tranh thủ những ngày được nghỉ, anh lại đưa cả nhà đi chơi, mua sắm hoặc tự mình nấu một bữa ăn thật ngon để gia đình cùng trò chuyện, quây quần bên nhau.

Gia đình anh Lò Văn Lợi, dân tộc Thái và chị Mào Thị Hon dân tộc Giáy.

Gia đình tôi có 4 thế hệ cùng sinh sống gồm ông nội, bố mẹ, vợ chồng tôi và hai con. Tôi rất tự hào bởi mình được nuôi nấng, trưởng thành trong một gia đình nhiều thế hệ, giàu bản sắc văn hóa của người Thái! Dù là gia đình truyền thống nhưng trong gia đình tôi không có suy nghĩ việc vào bếp, đi chợ hay làm những việc lặt vặt là việc của phụ nữ. Ông tôi, bố mẹ tôi đều ủng hộ khi thấy tôi vào bếp bởi công việc bác sĩ của vợ tôi khá bận rộn. Ngay cả bố tôi, ông vẫn duy trì thói quen hằng ngày là dậy sớm đi cắt cỏ cho cá ăn rồi tưới nước cho vườn rau. Đến giờ vợ chồng tôi đi làm, ông đã sẵn sàng hỗ trợ giúp chúng tôi trông cháu để mẹ tôi có thể thảnh thơi dệt vải”, anh Lợi kể về các thành viên trong gia đình với tình cảm đầy yêu thương. 

Với gia đình người chiến sĩ công an này, để xây dựng một gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc thì cần có sự thấu hiểu từ các thành viên trong gia đình, đặc biệt là người chồng, người cha. 

"Cuộc sống hiện đại, người phụ nữ không còn chỉ quanh quẩn trong gian bếp, đảm đương công việc gia đình, chăm sóc con cái nữa mà họ còn thực hiện nhiều trọng trách trong xã hội, phấn đấu cho sự nghiệp của bản thân. Quan niệm người đàn ông là trụ cột, gánh vác kinh tế giờ đây không còn phù hợp bởi nhiều gia đình, người phụ nữ có khả năng kiếm tiền rất tốt, thậm chí  thu nhập còn cao hơn nam giới. Điều họ cần là sự quan tâm, động viên về mặt tinh thần từ phía người bạn đời của mình", anh Lợi bày tỏ quan điểm.

Gia đình anh quan niệm để xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc cần sự thấu hiểu từ các thành viên trong gia đình. 

Là một trong số 15 gia đình tham gia Mạng lưới đồng hành xây dựng “Gia đình trẻ hạnh phúc” nhằm tăng cường tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, anh Lợi cho hay, thời gian tới, ngoài thời gian phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, anh sẽ tuyên truyền nhiều hơn tới các bạn trẻ về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, kịp thời ngăn chặn các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết trên địa bàn.

Còn với chị Mào Thị Hon (vợ anh), công tác tại Trung tâm Y tế huyện Than Uyên, chị sẽ tích cực tư vấn cho chị em, trẻ em gái các kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. 

"Tôi cũng sẽ động viên các bạn trẻ đặc biệt là các bạn nữ sinh cố gắng nỗ lực vượt qua khó khăn để học tập, có được kiến thức, có được việc làm thì cuộc sống mới bớt cơ cực, mới giúp được người thân, mới nâng cao được vị thế trong gia đình, cộng đồng. Bản thân tôi, sinh ra và lớn lên ở nơi nghèo khó tại xã Bản Giang, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, chứng kiến nhiều người bạn đồng trang lứa kết hôn sớm, cuộc sống vất vả mưu sinh vẫn đeo bám tới giờ nên tôi càng thấm thía giá trị của giáo dục! Nếu như trước đây mình nhụt chí, là cô gái dân tộc Giáy bằng lòng với việc lên nương, làm rẫy, rồi nghỉ học ở nhà lấy chồng, sinh con như chúng bạn thay vì khổ cực tới trường để đủ điều kiện trở thành sinh viên trường Đại học Y dược Thái Bình, rồi quay về tỉnh nhà làm cán bộ Y tế như hôm nay thì có lẽ tôi sẽ không có được hạnh phúc như bây giờ!", chị Hon nhìn chồng đầy âu yếm.

Gia đình anh vừa được biểu dương là 1 trong 15 gia đình trẻ tiêu biểu toàn quốc. 

Đức Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực