Chủ động ứng phó dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người dân

Thứ tư, 03/01/2024 16:18
(ĐCSVN) – Nhằm đảm bảo sức khỏe người dân, nhiều địa phương đã chủ động tăng cường các biện pháp ứng phó với dịch bệnh.
Ảnh minh họa. Nguồn: Nguyễn Khánh 

 Bình Phước: Cảnh giác với dịch bệnh và phòng ngừa từ sớm, từ xa

UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành công văn, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động tăng cường các biện pháp ứng phó với dịch bệnh.

Theo đó, các đơn vị, địa phương cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với COVID-19 và các dịch bệnh khác có thể xảy ra.

Các đơn vị, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách; tập trung khắc phục các bất cập, vướng mắc trong pháp luật hiện hành và tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong mọi tình huống, kể cả trong tình trạng khẩn cấp, nhất là về mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế. Các địa phương, đơn vị nâng cao hơn nữa năng lực quản lý hành chính và công nghệ đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân, nhất là đối với những đối tượng chịu hậu quả, tác động của COVID-19, đặc biệt là trẻ em mồ côi, không để các cháu bị tổn thương về tinh thần và thiếu thốn về vật chất.

Các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024 và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, COVID-19 vẫn còn hiệu lực; thông tin, hướng dẫn, thực hiện các văn bản theo thẩm quyền khi chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Vĩnh Phúc: Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển sự nghiệp Y tế Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngành Y tế Vĩnh Phúc hoàn thành đạt và vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu cơ bản so với cả nước và vùng Đồng bằng sông Hồng. Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 16,9 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 40,5 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2023 đạt gần 94%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng: cân nặng theo tuổi 7,1%, chiều cao theo tuổi 8,9%...

Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh được đầu tư đúng hướng, các bệnh viện, trung tâm được xây mới, nâng cấp, do vậy, chất lượng khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập không ngừng nâng lên ở 3 cấp. Tỉnh đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 2 công trình trọng điểm là Bệnh viện Đa khoa tỉnh công suất 1.000 giường bệnh và Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh với 500 giường bệnh. Các Trung tâm Y tế tuyến huyện, xã được xây dựng, nâng cấp theo hướng mở, hiện đại.

Năm 2023, ngành Y tế thực hiện khám, chữa bệnh cho gần 2 triệu lượt người; điều trị nội trú cho gần 250.000 lượt bệnh nhân; công suất sử dụng giường bệnh đạt 154%. Kết quả thực hiện tỷ lệ danh mục kỹ thuật theo phân tuyến, trung bình đạt 72,5% tại tuyến tỉnh, 42,2% tại tuyến huyện.

Ngành Y tế triển khai các kỹ thuật mới, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh theo hướng chuyên sâu, đáp ứng sự hài lòng của người dân.

Năm 2024, ngành Y tế Vĩnh Phúc tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác khám, chữa bệnh. Cùng với đó, chú trọng đào tạo chuyên sâu, đào tạo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao, chuyển giao công nghệ hiện đại, đa dạng dịch vụ y tế, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. 

 Ảnh minh họa. Nguồn: Thúy Quyên

TP. Hồ Chí Minh: Khuyến cáo người dân đề phòng với một số dịch bệnh có thể gia tăng vào dịp Tết Nguyên đán

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, số ca mắc bệnh COVID-19 tăng nhẹ trong tháng 12/2023. Song song đó, thế giới đã ghi nhận biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là JN.1 đang dần phổ biến ở nhiều nước với tính lây truyền cao hơn. Dù xuất hiện biến thể mới nhưng may mắn là hiện nay vẫn chưa có bằng chứng về sự tăng nặng nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng của biến thể phụ này so với các biến thể trước đó. Do đó, vaccine phòng COVID-19, xét nghiệm phát hiện và thuốc điều trị COVID-19 được dự đoán là vẫn có hiệu quả đối với biến thể mới JN.1. Điều này cho thấy, virus SARS-CoV-2 vẫn đang không ngừng biến đổi và có thể thay đổi đặc tính về lây truyền, mức độ nghiêm trọng của bệnh, tác dụng của vaccine, thuốc điều trị cũng như xét nghiệm chẩn đoán đối với virus.

Bên cạnh đó, cuối năm cũng là thời điểm nhu cầu mua bán gia cầm tăng cao hơn so với bình thường, có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh cúm A(H5N1) ở người. Cuối tháng 11/2023, Campuchia đã ghi nhận thêm 2 ca mắc bệnh cúm A(H5N1), nâng tổng số ca mắc bệnh từ đầu năm đến nay là 6 ca, trong đó có 4 ca tử vong.

Trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ gia tăng vào dịp cuối năm, HCDC khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình. Phòng ngừa các bệnh viêm hô hấp, người dân cần chủ động đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng; tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở…

Người có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cần hạn chế tiếp xúc gần với người khác, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ cao (người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền); chú ý tiêm phòng đối với các bệnh đã có vaccine phòng ngừa như cúm, COVID-19. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Phòng ngừa cúm gia cầm lây sang người, người dân không nên sử dụng gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; chọn lựa nơi mua gia cầm đáng tin cậy, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; thực hiện ăn chín, uống chín. Ngoài ra, không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn./.

 

KN (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực