Hà Nam: Tích cực kiểm soát dịch sốt xuất huyết

Thứ ba, 29/08/2023 09:30
(ĐCSVN) – Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, bệnh sốt xuất huyết Dengue trong thời gian qua đang có diễn biến phức tạp khi số ca mắc mới tăng lên. Chỉ tính từ 10/8 đến 16/8, toàn tỉnh Hà Nam có thêm 13 ca mắc/nghi mắc sốt xuất huyết Dengue.
 Người mắc bệnh sốt xuất huyết cần được theo dõi và chăm sóc  y tế  thường xuyên (Ảnh minh họa: KG)

Trong số 13 ca mắc mới, có 6 ca được phát hiện trên địa bàn thành phố Phủ Lý, 4 ca ở huyện Lý Nhân, 2 ca ở huyện Bình Lục. Tính chung từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 59 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, giảm 78%  so với cùng kỳ năm ngoái.

Thành phố Phủ Lý nói riêng, tỉnh Hà Nam nói chung đang đối diện với nhiều nguy cơ bùng phát dịch khi thành phố Hà Nội là nơi dịch sốt xuất huyết đang có diễn biến khá phức tạp. Trong 4 tuần trở lại đây, trung bình mỗi tuần Hà Nội ghi nhận từ 500-600 trường hợp mắc bệnh. Thành phố Phủ Lý là cửa ngõ thủ đô, lượng người đi và đến giữa hai địa phương hàng ngày rất đông, cùng với đó, các phương tiện giao thông công cộng như tàu hỏa, xe khách có thể sẽ là vật trung chuyển muỗi gây bệnh nên nguy cơ phát tán dịch sẽ rất rễ xảy ra. Đây cũng là thời điểm thời tiết đang diễn biến khó lường, mưa – nắng đan xen, là điều kiện để muỗi Dengue phát triển.

Qua việc giám sát các ca bệnh trên địa bàn thành phố Phủ Lý cho thấy, số người mắc sốt xuất huyết Dengue trong 4 tuần qua bắt đầu có dấu hiệu gia tăng. Toàn thành phố đã có gần 20 ca mắc, ở 9 xã, phường gồm: Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Liêm Chính, Lam Hạ, Phù Vân, Liêm Tiết, Đinh Xá, Lê Hồng Phong, Tiên Hiệp.

Cùng với thành phố Phủ Lý, huyện Lý Nhân là địa bàn có số người mắc sốt xuất huyết nhiều hiện nay. Tiếp đến là huyện Bình Lục và thị xã Duy Tiên.

Trước tình hình diễn biến phức tạp, trong tuần qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam đã phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo quy định. Tăng cường giám sát các yếu tố nguy cơ, ghi nhận nhiều dụng cụ chứa nước chưa được lật úp hoặc đậy kín, nhiều phế thải đọng nước chưa được xử lý tại các địa phương và khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Ông Trần Đắc Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho rằng: Việc tăng cường giám sát dịch giúp cho các địa phương phát hiện và xử lý kịp thời các ổ bọ gậy, kiểm soát được tình hình. Số ca bệnh phát triển so với cùng kỳ năm ngoái giảm đáng kể. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết thời điểm này ở các địa phương lân cận đang rất phức tạp, Hà Nam không thể chủ quan, lơ là công tác phòng, chống. Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố cần chỉ đạo các Trạm y tế xã báo cáo UBND xã, phường triển khai các hoạt động tuyên truyền trong nhân dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Huy động cộng đồng tham gia chiến dịch vệ sinh môi trường, thường xuyên kiểm tra và thu gom phế thải môi trường xung quanh, tại các hộ gia đình…

                                                                                                                                                Ảnh minh họa: KG

Theo ông Tiến, bệnh sốt xuất huyết nếu không kịp thời phòng, chống, phát hiện sớm, xử lý triệt để, ổ dịch sẽ lây lan ra diện rộng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Để công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết đạt hiệu quả, cần sự chủ động, tích cực vào cuộc của tuyến y tế cơ sở và người dân trong việc tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy. Đặc biệt, khi có các biểu hiện của sốt xuất huyết như sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, đau hốc mắt... người dân cần đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự điều trị tại nhà./.

P.A

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực