Nâng cao ý thức chủ động phòng, chống dịch bệnh

Thứ sáu, 10/11/2023 08:30
(ĐCSVN) – Nhằm đảm bảo chăm lo sức khỏe cho người dân, ngành y tế nhiều tỉnh, thành đã nâng cao ý thức chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng; giám sát và phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế ca tử vong do bệnh sốt rét..​
Ảnh minh họa. Nguồn: Trung Hiếu 
*Hậu Giang

Sáng 9/11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị triển khai Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng; phòng chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng đợt III – 2023.

Theo kế hoạch, trong 4 ngày (từ 21 – 24/11), toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang sẽ đồng loạt ra quân thực hiện chiến dịch, qua đó nâng cao ý thức cộng đồng về công tác phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn người dân chủ động xử lý các dụng cụ chứa nước, diệt muỗi, lăng quăng, vệ sinh cá nhân phòng bệnh...

Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường, nhà trẻ, làm tốt công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng, các biện pháp phòng bệnh hiệu quả; đẩy mạnh phối hợp giữa các ngành tỉnh, địa phương trong thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng và phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn.

Thực hiện chiến dịch, tỉnh Hậu Giang đề ra chỉ tiêu 100% huyện, thị xã, thành phố tổ chức lễ phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng, chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng; 100% xã, phường  tổ chức phát thanh, tuyên truyền về chiến dịch. 100% trường mầm non, mẫu giáo, thực hiện phòng muỗi đốt, vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh dụng cụ và phòng học...

Thống kê của Ngành Y tế tỉnh Hậu Giang, trong 10 tháng của năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 454 ca sốt xuất huyết và 1.150 ca bệnh tay chân miệng. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết giảm 529 ca (giảm 53%); số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng 504 ca (tăng 78%). Các ca bệnh, ổ dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh đều được giám sát chặt chẽ. Hiện ngành chuyên môn đang tiếp tục duy trì giám sát dịch tễ, điều tra mật độ côn trùng sốt xuất huyết định kỳ hằng tháng.

*Bình Phước

Nhằm thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống và tiến tới loại trừ bệnh sốt rét trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước vừa ban hành công văn yêu cầu các đơn vị, địa phương đảm bảo việc phát hiện sớm, quản lý điều trị kịp thời, toàn diện trường hợp mắc bệnh sốt rét, hạn chế thấp nhất ca tử vong.

 Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu, ngành Y tế bổ sung kế hoạch phòng, chống, loại trừ bệnh sốt rét năm 2023 và kế hoạch phòng, chống, loại trừ sốt rét giai đoạn tiếp theo trong trường hợp cần thiết, nhất là đánh giá kết quả, tiến độ thực hiện loại trừ bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh; duy trì bền vững thành quả về loại trừ bệnh sốt rét tại địa phương.

 Ngành Y tế xử lý ổ bệnh sốt rét triệt để và phòng, chống muỗi truyền bệnh theo đúng quy trình; tổ chức khoanh vùng xử lý kịp thời, dứt điểm nguồn bệnh, hạn chế lan truyền ra cộng đồng.

 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét cho cơ sở khám, chữa bệnh, hạn chế thấp nhất sốt rét ác tính, tử vong do sốt rét và kháng thuốc sốt rét theo quy định của Bộ Y tế.

 Ngành theo dõi sát tình hình sốt rét và đánh giá kết quả triển khai các biện pháp can thiệp phòng, chống kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Trung Hiếu 

 Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn có giải pháp thích hợp quản lý đối tượng có nguy cơ mắc bệnh sốt rét; biện pháp phù hợp tiếp cận đối tượng nguy cơ như nhóm người đến địa phương làm ăn kinh tế, lao động theo thời vụ, người dân địa phương đi rừng ngủ rẫy, khai thác lâm sản, công nhân lâm nghiệp, cán bộ quản lý rừng, người dân qua lại vùng sốt rét lưu hành, đi về từ các tỉnh và những nước có sốt rét lưu hành...

 *Thanh Hóa

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 900 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có một trường hợp tử vong. Các ca sốt xuất huyết chủ yếu là bệnh nhân trở về từ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Trước tình hình ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng, ngành y tế tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh giám sát sớm các trường hợp mắc bệnh, tăng cường truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn, xử lý ngay và triệt để ổ dịch.

Với 89 ca mắc, thị xã Nghi Sơn là địa phương ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất ở Thanh Hóa. Ngay khi xuất hiện ca mắc đầu tiên, Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn đã phối hợp với Trạm y tế các phường, xã tổ chức giám sát ca bệnh, giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết xung quanh nhà bệnh nhân, đồng thời phun hóa chất triệt để trong bán kính 200m. Thị xã Nghi Sơn cũng tiến hành tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết và các biện pháp phòng, chống dịch đối với cộng đồng. Nhờ tích cực triển khai các biện pháp khoanh vùng, khống chế dịch nên đến nay cả các ổ dịch sốt xuất huyết đều đã được kiểm soát, không lây lan rộng.

Để dịch sốt xuất huyết không lây lan rộng. Ngành Y tế tỉnh Thanh Hóa đã có công văn chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống dịch, tổ chức giám sát chặt chẽ các ổ dịch sốt xuất huyết, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện. Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh chiến dịch vệ sinh môi trường, nhà cửa, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, khơi thông cống rãnh, lật úp các dụng cụ chứa nước, diệt loăng quăng, bọ gậy; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại các điểm nóng, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch bệnh…

 

 

KT (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực