Nicotine liệu có gây ra ung thư như lầm tưởng?

*Cần tránh xa khói thuốc lá
Thứ ba, 15/08/2023 16:06
(ĐCSVN) - Hiện vẫn còn nhiều ngộ nhận cho rằng nicotine chỉ có trong thuốc lá và là nguyên nhân dẫn đến ung thư. Các chuyên gia cho rằng trong cuộc chiến chống tác hại thuốc lá cần xác định rõ đâu mới là nguyên nhân gây ra các bệnh lý liên quan đến hút thuốc lá điếu.

Nicotine không phải chất gây ung thư trong thuốc lá

Nicotine là thành phần tự nhiên có trong một số các loại thực vật, chủ yếu trong cây thuốc lá. Nicotine tạo ra cảm giác dễ chịu, thoải mái khi hít hoặc nhai thuốc lá. Nicotine được đặt theo tên của cây thuốc lá Nicotiana tabacum tại Bồ Đào Nha.

Nicotine từ thuốc lá điếu được hấp thu vào phổi thông qua việc hít khói thuốc. Khi nicotine đi vào cơ thể, sẽ nhanh chóng đi vào hệ tuần hoàn và đến não trong vòng 10 đến 20 giây, gây kích thích thần kinh, giúp hưng phấn. Trong vòng khoảng hai giờ, nicotine sẽ thải ra một nửa lượng đã đưa vào cơ thể.

 Nicotine có trong một số loại thực vật và có hàm lượng cao trong cây thuốc lá. Nguồn: Internet

Thời gian qua, nhiều người mặc nhiên cho rằng nicotine trong thuốc lá là nguyên nhân gây ra ung thư. Tuy nhiên, theo BS. Phạm Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Điều trị A, Bệnh viện K, nicotine không phải chất gây ung thư trong thuốc lá, mà nguyên nhân chủ yếu là từ khói do trực tiếp đốt điếu thuốc lá. Trong khói thuốc lá có tới hơn 7.000 hóa chất. Trong đó, ít nhất 250 chất được biết là có hại cho sức khoẻ điển hình như hydro xyanua, carbon monoxide và amoniac. Một số là thành phần tự nhiên của chính cây thuốc lá, nhưng hầu hết các chất có hại chỉ được hình thành khi nguyên liệu thuốc lá bị đốt cháy. Trong số các chất có hại, ít nhất 69 chất có thể gây ung thư, chủ yếu nằm trong khói thuốc, bao gồm Acetaldehyde, Aromatic amines, Arsenic, Benzene, Beryllium, 1,3–Butadiene...

Đề cập đến gánh nặng bệnh tật của việc sử dụng thuốc lá, PGS. TS Lương Ngọc Khuê cho hay, với các thành phần độc tính trong khói thuốc, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 25 căn bệnh khác như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch... (xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,...) và các bệnh về hô hấp…

Cũng theo BS. Phạm Tuấn Anh, bản thân nicotine không trực tiếp gây ra ung thư, nhưng nicotine là chất gây nghiện, gián tiếp thúc đẩy phơi nhiễm với các chất độc hại có trong khói thuốc lá do quá trình trực tiếp đốt cháy điếu thuốc.

Từ những cơ sở khoa học trên, có thể xác định nicotine trong thuốc lá không phải là chất gây ung thư. Nguyên nhân chính của các bệnh do hút thuốc đến từ các chất gây hại do quá trình đốt cháy thuốc lá sản sinh ra.

Phòng ngừa ung thư: Cần tránh xa khói thuốc lá

Trong khói thuốc lá có tới hơn 7.000 hóa chất, trong đó, ít nhất 250 chất được biết là có hại cho sức khoẻ. Ảnh: TL.

Việc hiểu đúng và đủ bản chất của nicotin sẽ giúp cho việc kiểm soát thuốc lá của từng quốc gia được xác định đúng đắn. Nicotine liều thấp được sử dụng trong các sản phẩm thay thế thuốc lá, giúp giảm nhu cầu sử dụng nicotine ở những người hút thuốc lá đồng thời giảm thiểu sự tiếp xúc của người dùng với các chất gây ung thư và các chất độc hại khác trong khói thuốc lá. Các sản phẩm thay thế nicotine, đặc biệt dạng kẹo cao su, miếng dán, viêm ngậm, thuốc hít, xịt mũi … nằm trong danh sách các loại thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ năm 2009.

Hiện nay, một số  quốc gia đã vận dụng linh hoạt nhiều hướng tiếp cận như cung cấp các lựa chọn cho người hút thuốc, từ hỗ trợ cai thuốc hoàn toàn đến chấp nhận những sản phẩm thay thế có khả năng giảm tác hại, khuyến khích người hút thuốc chuyển đổi, để giải phóng người dân khỏi sự lệ thuộc vào thuốc lá điếu, nhằm sớm đạt mục tiêu trở thành "quốc gia không khói thuốc".

Luật phòng chống tác hại thuốc lá cũng nêu rõ: Quyền và nghĩa vụ của công dân được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá.

Vì vậy, hít khói thuốc thụ động bao gồm khói từ thuốc lá đang cháy và khói do người hút thở ra cũng có nguy cơ mắc các bệnh lý ung thư, tim mạch, hô hấp… như người hút thuốc chủ động. Nhưng bất kể tuổi tác nào, theo các chuyên gia, việc bỏ thuốc có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh, kể cả ung thư. Mặc dù không bao giờ là quá muộn để từ bỏ thuốc nhưng lợi ích lớn nhất là không hút thuốc hoặc bỏ thuốc ở độ tuổi trẻ hơn./.

Minh Trang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực