Sẵn sàng ứng phó các tình huống cấp cứu dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán

Thứ sáu, 02/02/2024 15:49
(ĐCSVN) – Nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, ngành y tế nhiều địa phương đã triển khai các hoạt động như: Sẵn sàng ứng phó với các tình huống cấp cứu dịch bệnh khẩn cấp trong dịp Tết; cảnh báo, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm dịp Tết Nguyên đán…
 
Ảnh minh họa. Nguồn: Cao Thăng 

TP. Hồ Chí Minh: Sẵn sàng ứng phó với các tình huống cấp cứu dịch bệnh khẩn cấp trong dịp Tết

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa có công văn khẩn yêu cầu các đơn vị y tế trực thuộc chuẩn bị phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống cấp cứu dịch bệnh trong những ngày nghỉ Tết Giáp Thìn năm 2024.

Theo đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các bệnh viện công lập và ngoài công lập tổ chức tốt việc thực hiện cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người dân; dự trữ đủ máu, thuốc, vật tư y tế, dịch truyền, hóa chất, cơ số giường bệnh và các phương tiện, trang thiết bị y tế khác…bảo đảm tất cả người bệnh được cấp cứu kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí thậm chí vì bất cứ lý do gì. Trong trường hợp vượt quá khả năng, chuyên môn, cơ sở y tế vẫn phải sơ cấp cứu ban đầu, giải thích đầy đủ cho bệnh nhân, người nhà và thực hiện chuyển viện an toàn. Các bệnh viện phải xây dựng kế hoạch, phương án trực cấp cứu khi xảy ra thảm họa, cháy nổ, tai nạn, ngộ độc thực phẩm hàng loạt.

Ngoài các tình huống cấp cứu, các cơ sở y tế cần chuẩn bị kịch bản, sẵn sàng ứng phó khi số ca mắc COVID-19 tăng cao trong cộng đồng. Các bệnh viện rà soát, tăng cường khả năng tiếp nhận thu dung, điều trị COVID-19 của đơn vị mình, bố trí giường hồi sức tiếp nhận các ca bệnh nặng, tập huấn lại cho nhân viên y tế quy trình tiếp nhận người bệnh, chuẩn bị sẵn sàng nhân sự, trang thiết bị y tế…

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra các kịch bản ứng phó khi số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tăng cao. Đối với tình huống có sự xuất hiện của biến thể đáng quan tâm mới hoặc biến thể mới được Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo có sự gia tăng độc lực, các đơn vị trực thuộc cần thực hiện điều tra, xử lý ca bệnh và ổ bệnh COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế. Không thực hiện phong tỏa diện rộng, có thể phong tỏa diện hẹp theo quy mô hộ gia đình hoặc cụm hộ gia đình khi cần thiết. Đồng thời, thực hiện các biện pháp bảo vệ người nguy cơ, thực hiện truyền thông nguy cơ; thực hiện rà soát, xác định, ưu tiên tiêm vaccine trong thời gian ngắn nhất cho người dân trong khu vực nguy cơ cao (nơi có nguy cơ bùng phát dịch lớn xảy ra, tốc độ lây lan nhanh).

Nam Định: Ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

Trước nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, ngành chức năng tỉnh Nam Định tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm 2024.

Ngành Y tế tỉnh đã phối hợp với các đơn vị thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các đoàn tập trung kiểm tra các sản phẩm, nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các lễ hội như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tại các cơ sở chế biến, ngành chức năng tiến hành lấy mẫu thực phẩm kiểm tra tại chỗ; đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Ông Hoàng Vũ Lợi, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định cho biết, trong tháng 1/2024, các đoàn liên ngành đã thanh, kiểm tra một số cơ sở sản xuất, chế biến và các đơn vị, nhà hàng, siêu thị trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở đều tuân thủ nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời điểm kiểm tra, các đơn vị đều xuất trình được các hóa đơn, chứng từ, các văn bản được yêu cầu.

Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các đơn vị, địa phương còn tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết, lễ hội; làm rõ vai trò, trách nhiệm của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành. Các địa phương tăng cường tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết và mùa lễ hội.

Khánh Hòa: Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm ở quán ăn trước cổng trường học

Vừa qua, tại Trường Trung học Cơ sở P.N.L, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa xảy ra tình trạng học sinh bị mệt, đau đầu, chóng mặt, tê tay chân, ói, buồn nôn sau vài giờ ăn kẹo Rich Fruity Aroma (kẹo lạ). Ngành Y tế thị xã Ninh Hòa đã đưa ra những cảnh báo cho phụ huynh, học sinh nhằm tránh xảy ra những trường hợp tương tự.

Theo đó, 23 học sinh của Trường Trung học Cơ sở P.N.L đã ăn kẹo lạ này vào khoảng 16 giờ, chiều 26/1 do một học sinh nhà có quán ăn phía trước trường học bán lại. Vài giờ sau đó, các em đều có biểu hiện nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Khi xảy ra sự việc, các em được xử lý y tế kịp thời và sau đó bình phục, xuất viện lần lượt vào 27/1. Đến ngày 29/1, sức khỏe các em học sinh nhập viện hoàn toàn ổn định. Các em đã đi học và tham gia các hoạt động học tập, vui chơi tại nhà trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: CP 

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, hiện vẫn chưa xác định được tác nhân gây ngộ độc, chỉ nghi ngờ do ăn kẹo lạ. Công an thị xã Ninh Hòa đã lấy mẫu kẹo lạ niêm phong và tiến hành các bước điều tra sự việc. Ngành Y tế thị xã Ninh Hòa cũng đã xét nghiệm nước tiểu 11 bệnh nhân, test nhanh Morphin, Opiate, Codein và Amphetamin đều cho kết quả âm tính; đồng thời tham gia vào công tác điều tra vụ ngộ độc thực phẩm theo các phương án ứng phó. Lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra tổng số học sinh đã ăn kẹo lạ, số học sinh bị ngộ độc thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm gây ngộ độc…

Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa cũng phát thông tin cảnh báo đến nhân dân và phụ huynh học sinh, không nên cho trẻ ăn các loại kẹo lạ, kẹo không rõ nguồn gốc, tránh những trường hợp tương tự xảy ra. Các chuyên gia Hồi sức tích cực - chống độc cũng đưa ra những khuyến cáo tương tự.

Trẻ bị ngộ độc có thể xuất hiện triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn, thậm chí sốt do nhiễm khuẩn, một số trường hợp có thể bị tiêu chảy, gây mất nước, mệt mỏi. Trường hợp trẻ ăn phải các loại kẹo lạ, xuất hiện dấu hiệu hưng phấn, kích thích, đau đầu hay buồn nôn, thầy cô giáo và bố mẹ cần đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế. Các chuyên gia cảnh báo, kẹo lạ có rất nhiều loại, không chỉ có nguy cơ gây ngộ độc mà còn có thể chứa các chất gây nghiện, điều này là cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ. Khi trẻ mang các sản phẩm kẹo lạ về nhà, cha mẹ cần quan sát, không nên để trẻ ăn.

Ông Châu Đình Hùng Sơn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Ninh Hòa cho biết, đây là lần đầu tiên trên địa bàn xảy ra trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm với 23 học sinh. Các trường học trên địa bàn thị xã thường xuyên phổ biến các kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, các vấn đề về ngộ độc thực phẩm ở các tiết chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa. Sau sự việc trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Ninh Hòa tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền cho học sinh và chờ kết quả của các cơ quan chuyên môn để đưa ra những văn bản, thông báo đến các trường học, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở trường học.

Năm học 2023 -2024, Trường Trung học Cơ sở P.N.L có khoảng 450 học sinh các khối lớp. Nhà trường không tổ chức bán trú cho học sinh./.

KN (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực