Sàng lọc lao chủ động tại cộng đồng: Chìa khóa để tiến tới chấm dứt lao

Thứ hai, 23/10/2023 15:22
(ĐCSVN) - Chủ động phát hiện sớm bệnh Lao trong cộng đồng kết hợp với điều trị sớm là giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát bệnh lao.

Nhiều địa phương tích cực vào cuộc

Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện phòng, chống lao ở y tế cơ sở, bà Phạm Thị Phương Hạnh, Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình cho biết, được Bệnh viện Phổi Trung ương và Chương trình phòng, chống lao Quốc gia lựa chọn là địa phương điểm triển khai can thiệp sàng lọc chủ động trong cộng đồng ở phạm vi rộng, từ đầu năm 2023, với kinh phí hỗ trợ từ Bệnh viện Phổi Trung ương, tỉnh đã triển khai 4 đợt phát hiện chủ động bệnh lao cho người dân.

Khám sàng lọc tại cộng đồng cho người dân ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Thùy Vân 

Đặc biệt, trong 3 tháng vừa qua, Đoàn công tác của Bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp cùng Bệnh viện Phổi Ninh Bình và UBND các huyện triển khai Chương trình khám sàng lọc phát hiện chủ động bệnh lao cho nhân dân trên 51 xã, thị trấn của các huyện Gia Viễn, Yên Khánh và thành phố Tam Điệp. Qua đó, đã chỉ định chụp Xquang phổi cho 24.956 người dân và làm các xét nghiệm Xpert đờm để phát hiện và thu dung điều trị sớm cho những bệnh nhân bị bệnh lao, bước đầu thu nhận được 69 bệnh nhân lao các thể.

Theo bà Hạnh, đây cũng là dịp để đội ngũ cán bộ y tế từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trực tiếp thực hành quy trình, kỹ thuật chuyên môn trong quá trình sàng lọc phát hiện chủ động bệnh lao cho nhân dân nói riêng, và phối hợp sàng lọc các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng (COPD, HPQ, tăng HA, ĐTĐ…) và triển khai sổ sức khỏe điện tử cho người dân.

Còn tại Nghệ An, trong những năm qua, với sự chỉ đạo sát sao của Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình chống lao Quốc gia, Chương trình chống lao tỉnh Nghệ An đã có những văn bản kịp thời chỉ đạo sát sao các đơn vị. Với quy mô 480 giường, điều trị cho 750 bệnh nhân, Bệnh viện Lao Nghệ An tiếp nhận lượng bệnh nhân khá đông, tỷ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc khá cao…

Trước khó khăn trên, ông Nguyễn Văn Thương, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết tỉnh đã xây dựng được Nghị quyết đặc thù về công tác dân số, trong đó hỗ trợ chi phí khám sàng lọc, mua thuốc cho bệnh nhân lao. Bệnh viện Lao Nghệ An tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống lao thường quy và phát hiện chủ động bệnh lao trong cộng đồng; lồng ghép phát hiện và chăm sóc các bệnh khác; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông; triển khai các sáng kiến, áp dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để phục vụ người dân một cách tốt nhất.

Khuyến khích sự tham gia tổ chức xã hội

Không riêng Ninh Bình, Nghệ An mà các địa phương trong cả nước cũng tích cực vào cuộc để tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Tuy nhiên phản ánh từ các địa phương cho biết, mục tiêu này đứng trước nguy cơ bị đe dọa bởi không ít thách thức, khó khăn.

Đánh giá về công tác phòng chống lao, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng khẳng định, để thực hiện được những mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng, chống lao quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Chính phủ phê duyệt, Chương trình chống lao quốc gia cần tăng cường vận động để nhận được sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị hỗ trợ công tác phòng, chống lao, thể hiện qua việc cụ thể hóa và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nói chung về khám chữa bệnh và văn bản riêng về công tác phòng, chống lao. Sự ủng hộ cũng được thể hiện qua việc kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới phòng, chống lao từ Trung ương tới địa phương. Đồng thời, huy động sự hưởng ứng của cả cộng đồng với công tác phòng, chống lao, tăng cường tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao.

“Cần có các chiến dịch, chương trình truyền thông, huy động cộng đồng tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống lao, nâng cao nhận thức của người dân, giảm mặc cảm, kỳ thị bệnh lao; vận động đầu tư đa nguồn cho công tác phòng, chống lao bao gồm ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, tài trợ quốc tế, bảo hiểm y tế, xã hội hoá…”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Thực tế tại Gia Lai, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức 30 cuộc sàng lọc lao miễn phí cộng đồng tại 26 xã của 03 huyện: Krông Pa, Đức Cơ, La Pa của tỉnh Gia Lai, trong đó, huyện Krông Pa được thực hiện toàn huyện. Trong năm 2022 và 8 tháng năm đầu năm 2023, SCDI phối hợp cùng y tế huyện Krông Pa tổ chức 32 cuộc sàng lọc cộng đồng cho hơn 9.500 người dân, giúp phát hiện 112 ca mắc lao và 113 trường hợp lao tiềm ẩn.

 Sàng lọc lao chủ động cho người dân xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: MH

Ông Ksor Đhun- chuyên trách lao, Trung tâm Y tế huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai chia sẻ, lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với khả năng lây lan trong cộng đồng cao, do đó việc phòng chống lao dựa vào cộng đồng được xem là yếu tố bền vững để tiến đến đích trong việc thanh toán bệnh.

Từ thực tế địa phương, ông Ksor Đhun cho biết, đa phần người dân không biết đến bệnh lao thậm chí nhiều người bị mắc lao không biết mình vì vậy việc sàng lọc lao tại cộng đồng có ý nghĩa rất lớn. Sàng lọc lao cộng đồng không chỉ phát hiện chủ động bệnh lao mà còn nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh lao từ đó tiến tới chấm dứt bệnh lao./.

Minh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực