Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại địa phương

Thứ sáu, 06/10/2023 10:22
(ĐCSVN) – Để phòng, chống dịch bệnh bùng phát, nhiều địa phương đang tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.​
 Ảnh minh họa. Nguồn: Giang Nam

*Tại Tuyên Quang, do thời tiết mưa nhiều, nóng ẩm nên nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang rất lớn. Để chủ động, không lơ là, mất cảnh giác và đảm bảo việc phát hiện sớm, xử lý kịp thời các tình huống, tỉnh đang tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo và giao trách nhiệm cho Giám đốc các sở, ngành, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế và các văn bản chỉ đạo của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch. Các địa phương đồng loạt triển khai chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn quản lý từ ngày 1/10/2023; duy trì 1 tuần/lần tại các khu vực có ổ dịch, tiếp tục duy trì 2 tuần/lần trong tháng 10, tháng 11/2023; kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên, tổ phòng, chống sốt xuất huyết cộng đồng, đội xung kích diệt lăng quăng (bọ gậy)…

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, phát hiện sớm, cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; chủ động dự phòng, bố trí đủ phương tiện, vật tư, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

*Tại Quảng Bình, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến 6 giờ ngày 2/10, tỉnh ghi nhận 456 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó, huyện Bố Trạch 105 ca, huyện Quảng Ninh 75 ca, huyện Lệ Thủy 69 ca. Hiện, tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Các ca mắc sốt xuất huyết ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp. Trước thực trạng này, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị chủ động xử lý, khống chế không để dịch lây lan. Công tác phun hóa chất xử lý ổ dịch và tuyên truyền các biện pháp chống dịch được đẩy mạnh.

Đơn cử, ngày 30/9, Trung tâm đã cử cán bộ phối hợp Trung tâm Y tế thành phố Đồng Hới triển khai phun hóa chất diệt muỗi; trực tiếp giám sát, hỗ trợ kỹ thuật phun tại Tổ dân phố 14 (phường Bắc Lý) với 210 hộ dân, Tổ dân phố Diêm Thượng (phường Đức Ninh Đông) với 181 hộ dân và các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn. 

Sở Y tế tỉnh đã có công văn chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố giám sát chặt chẽ các ổ dịch sốt xuất huyết, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện; đẩy mạnh chiến dịch vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, khơi thông cống rãnh, lật úp các dụng cụ chứa nước, diệt lăng quăng/bọ gậy; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đồng thời, các đơn vị, địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự bảo vệ sức khỏe, cách nhận biết dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết. Các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập thực hiện tốt việc thu dung, đảm bảo đầy đủ thuốc, trang thiết bị điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Ảnh minh họa. Nguồn: Huy Tuân 

*Tại Tiền Giang, theo Sở Y tế, đến ngày 14/9/2022, tỉnh ghi nhận 5.682 ca mắc sốt xuất huyết (tăng trên 275% so với cùng kỳ năm 2021) và đã có 04 ca tử vong. Theo thống kê của Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tiền Giang hiện có số trường hợp mắc và tử vong do sốt xuất huyết đứng hàng thứ 9 trong 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Dịch bệnh sốt xuất huyết đã xuất hiện trên quy mô toàn tỉnh từ cuối tháng 4/2022 đến nay, hiện số ca mắc đang ở ngưỡng báo động, dự đoán dịch bệnh sốt xuất huyết có thể kéo dài đến thời điểm cuối năm và bùng phát thành dịch lớn nếu không khẩn trương, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống. Huyện Cái Bè là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cùng số ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện và xử lý cao nhất trong tỉnh.

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại một số địa phương có số mắc cao, Sở Y tế đã thành lập các đoàn giám sát hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết để đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp. Đồng thời, phối hợp các ngành liên quan và các địa phương triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm (dự phòng, điều trị) như chiến dịch ra quân diệt lăng quăng, chiến dịch truyền thông, vãng gia, các biện pháp giảm ca mắc...

Sở Y tế cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh làm đơn vị phụ trách về chuyên môn kỹ thuật trong dự phòng và điều trị đối với các bệnh truyền nhiễm được ghi nhận trên địa bàn tỉnh, theo dõi tình hình dịch bệnh, đánh giá các biện pháp phòng, chống đã triển khai và kịp thời tham mưu Sở Y tế trong việc đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn./.

 

Khánh Thi (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực