Thừa Thiên Huế: Khám sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú phụ nữ vùng khó khăn

Thứ ba, 12/12/2023 15:00
(ĐCSVN) –Từ 11/12 đến hết tháng 12/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp cùng các trung tâm y tế huyện, thị tổ chức khám phụ khoa cho phụ nữ tại 24 xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và 7 xã vùng bãi ngang, ven biển trên địa bàn tỉnh.
 Tư vấn sử dụng thuốc cho phụ nữ A Lưới. Ảnh: M.D.

Hoạt động nhằm thực hiện Kế hoạch khám, sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú tại tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2025; Thực hiện kế hoạch của CDC về hoạt động các chương trình y tế tuyến tỉnh kiểm soát bệnh tật năm 2023; Cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nhằm xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường vai trò và năng lực của mỗi người dân trong việc việc phòng, chống các bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư vú.

Đối tượng được khám là phụ nữ trong độ tuổi 21-65, ưu tiên cho nhóm phụ nữ nguy cơ trong độ tuổi 30-50.

Trong những ngày đầu triển khai, đoàn cán bộ y tế CDC tỉnh đã khám phụ khoa, sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, ung thư vú cho phụ nữ tại Trạm Y tế Hồng Vân, Hồng Thủy, Hồng Kim, Trung Sơn. Các bác sĩ cũng kê đơn, cấp phát thuốc điều trị cho khoảng 200 phụ nữ bị viêm nhiễm đường sinh sản; lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung và trả kết quả sau đợt khám để có hướng xử trí bước tiếp theo cho bệnh nhân.

 Tư vấn kiến thức phòng, chống ung thư vú, ung thư cổ tử cung. (Ảnh: Nguyệt Ánh)

Hiện nay, ung thư vú, ung thư cổ tử cung là căn bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Theo thống kê của Tổ chức ung thư toàn cầu, tại Việt Nam, mỗi năm có 21.555 ca mắc mới ung thư vú, với 9.345 ca tử vong; 27,6% trường hợp ung thư vú phát hiện ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3, 4); tỷ lệ tái phát chiếm 30%. Còn với ung thư cổ tử cung, trung bình mỗi năm có hơn 5.000 ca mắc mới và khoảng 2.400 phụ nữ tử vong. Nguyên nhân chính của các tình trạng này là do phụ nữ chưa được khám sàng lọc định kỳ.

Ung thư vú, ung thư cổ tử cung là căn bệnh có tỷ lệ chữa khỏi lên đến 90% nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp; phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao, chi phí điều trị thấp. Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Việt Nam hoàn toàn có thể thanh toán ung thư cổ tử cung trong 30 năm tới nếu việc tiêm chủng HPV được triển khai cho 90% trẻ em gái vị thành niên; 70% phụ nữ được khám sàng lọc ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế cho thấy, vẫn còn một tỷ lệ cao chị em chưa chủ động trong việc khám sàng lọc bệnh dẫn tới phát hiện bệnh muộn, để lại di chứng nặng nề về sức khỏe; ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình và tạo gánh nặng y tế cho xã hội./.

Hải Triều (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực