|
Nhờ được nhập viện điều trị sớm mà bệnh nhi béo phì mắc sxh sức khỏe ổn định, không gặp nguy hiểm.
(Ảnh: Quang Nhật) |
Các bệnh lý nền này vốn đã tiềm ẩn nguy cơ xuất huyết nên nếu mắc thêm sốt xuất huyết (SXH) sẽ cực kỳ nguy hiểm vì bản chất của SXH là thoát huyết tương. Chính vì vậy, phụ huynh cần hết sức chú ý, nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường ở trẻ, nhất là các trẻ nguy cơ cao cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và kịp thời điều trị, tránh các biến chứng và hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 6/11, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 4.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Điều đáng lo ngại, trong số các bệnh nhân tử vong, có tới 3 trường hợp là trẻ em dưới 15 tuổi. Do đó, các phụ huynh cần hết sức lưu ý, nhất là đối với các trẻ béo phì, trẻ có bệnh lý nền khi mắc sốt xuất huyết rất dễ chuyển nặng gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Mỹ, tại khoa Nhi Tổng hợp từ đầu năm tới nay đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 350 bệnh nhi SXH, trong đó có 13 bệnh nhi mắc bệnh béo phì.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Mỹ, hiện nay béo phì đang trở thành mối lo ngại bởi số lượng bệnh nhi mắc béo phì đang ngày một gia tăng, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Béo phì là tình trạng dư thừa mỡ quá mức gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Theo nhiều nghiên cứu, đứa trẻ béo phì sẽ tạo cơ hội cho các vi khuẩn, vi rút gây bệnh và phát triển, trong khi đó, hệ miễn dịch của trẻ béo phì đa số đều suy giảm so với trẻ bình thường nên khi trẻ béo phì mắc bệnh, nhất là các bệnh viêm nhiễm trẻ sẽ phát bệnh nhanh, mạnh khiến trẻ bị tổn thương các cơ quan, suy đa tạng…
|
Cán bộ ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết. (Ảnh: Sở Y tế Đắk Lắk) |
Do đó, khi mắc bệnh, nhất là SXH, trẻ béo phì rất dễ nguy hiểm đến tính mạng. Vì dễ chuyển nặng nên khi trẻ béo phì mắc SXH nhập viện điều trị, trẻ sẽ được theo dõi sát sao các chỉ số và mỗi trẻ sẽ có 1 phác đồ điều trị riêng phù hợp với tình trạng của trẻ để hạn chế tối đa hiện tượng thoát dịch, suy đa cơ quan.
“Tất cả các trẻ béo phì và trẻ có bệnh lý nền đều có nguy cơ trở nặng khi mắc SXH, tiên lượng khi trẻ mắc bệnh rất khó lường. Do đó, khi trẻ được chẩn đoán mắc SXH cho dù đang ở ngày 1, ngày 2 hoặc chưa có dấu hiệu cảnh báo, các phụ huynh cũng nên đưa trẻ vào viện sớm để trẻ được phân loại, theo dõi sát và có phác đồ điều trị kịp thời. Ngoài ra, các phụ huynh cần lưu ý, tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà cho trẻ khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Đây là việc làm rất nguy hiểm, gây bất lợi cho quá trình điều trị cho trẻ nếu trẻ trở nặng”, bác sĩ Mỹ nhấn mạnh.
Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, nhất là trẻ béo phì và trẻ mắc các bệnh lý nền, phụ huynh cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH cho trẻ bằng cách không để trẻ bị muỗi đốt, cho trẻ ngủ màn, mặc quần áo dài tay kể cả ban ngày, thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, diệt loăng quăng, bọ gậy… Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường, cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế, không tự ý điều trị tại nhà tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra cho trẻ./.