Đắk Lắk: Phòng ngừa uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh

Thứ năm, 07/12/2023 20:19
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo bác sĩ CKII Hoàng Ngọc Anh Tuấn - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trung bình mỗi năm Bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho khoảng 3-5 trường hợp trẻ bị uốn ván sơ sinh, trong đó có không ít bệnh nhi nhập viện khi bệnh quá nặng, không thể cứu chữa.
Uốn ván vẫn là một bệnh rất nguy hiểm nếu trẻ sơ sinh không được dự phòng bằng vắc xin. (Ảnh: PV)

Uốn ván rốn sơ sinh là bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ sơ sinh, có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh do trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani gây ra, vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể gây bệnh uốn ván qua vết cắt dây rốn bằng dụng cụ có chứa nha bào uốn ván như: dao, kéo, băng bông không được vệ sinh tiệt trùng đúng cách. Uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong ở trẻ.

Uốn ván sơ sinh là một bệnh truyền nhiễm do vi trùng uốn ván tồn tại trong đất, cát, bụi bẩn, các dụng cụ bẩn… gây ra. Vi trùng uốn ván xâm nhập vào cơ thể trẻ sơ sinh qua đường rốn. Khi trẻ vừa sinh ra, nếu dụng cụ cắt rốn hoặc bàn tay người đỡ đẻ không sạch thì vi trùng sẽ theo cuống rốn vào máu, gây bệnh cho trẻ. Bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh có thời gian ủ bệnh từ 2-20 ngày, trung bình 6-9 ngày.

Uốn ván rốn càng nặng nếu ủ bệnh càng ngắn. Khi khởi phát bệnh, trẻ sẽ có biểu hiện khóc nhiều, kích thích, kích động, khó nuốt do cứng hàm, khó ngậm vú, đầu ngửa ra sau và sau 24 – 48 giờ bệnh sẽ chuyển qua giai đoạn toàn phát với các triệu chứng cứng hàm rõ, co cứng cơ chi, co cứng cơ bụng. Trên nền co cứng trẻ sẽ xuất hiện những cơn rung giật cứng. Co cứng tăng và lan tỏa có thể gây tư thế uốn cong người ở trẻ.

Khi mắc bệnh, trẻ có thể bị rối loạn hô hấp dẫn đến ngừng thở, xanh tím do co thắt cơ hô hấp, cơ thanh quản gây ra. Ngoài ra trẻ sẽ bị mất nước, tăng hoặc giảm thân nhiệt, tăng huyết áp (do rối loạn thần kinh thực vật).

Cũng theo bác sĩ Tuấn, bệnh uốn ván rốn gây 10% tử vong sơ sinh, đứng hàng thứ hai sau đẻ non. Nếu không điều trị, 40 - 95 % trẻ tử vong khi mắc bệnh. Tử vong có thể xảy ra ngay sau những ngày đầu tiên khởi bệnh nhưng có thể chậm hơn, trong tuần thứ 2 hoặc chậm hơn, nguyên nhân do ngừng tim, ngừng thở hoặc do bội nhiễm phổi, sặc chất nôn, mất nước cấp. Đối với những trẻ điều trị kịp thời, tiến triển tốt trẻ sẽ giảm từ từ những cơn co thắt và co cứng từ cuối tuần thứ 2 nhưng chỉ có thể cho bú sau 12 - 15 ngày. Nhiều trường hợp co cứng có thể tồn tại hơn 1 tháng, bên cạnh đó, trẻ còn có thể gặp các di chứng của bệnh uốn ván như gãy xương, tổn thương cơ và khớp.

Uốn ván rốn sơ sinh rất nguy hiểm cho trẻ, do đó, các phụ huynh cần có ý thức phòng ngừa bệnh cho con trẻ. Cách tốt nhất để phòng bệnh là tiêm chủng vắc xin. Bệnh uốn ván rốn không có miễn dịch suốt đời nên phải tiêm chủng vắc xin đầy đủ cho trẻ em, đồng thời tiêm vắc xin ngừa uốn ván cho phụ nữ mang thai vì bệnh có thể truyền từ mẹ sang con. Trong thời gian mang thai cần phải quản lý thai nghén tốt, tránh đẻ rơi đẻ tại nhà. Trường hợp tự cắt rốn thì buộc phải chăm sóc rốn và cắt rốn bằng dụng cụ vô trùng. Cần bài trừ tập quán, thói quen sinh đẻ, đỡ đẻ phản khoa học, cắt rốn bằng mảnh chai, lưỡi liềm. Trường hợp phải cắt rốn nhưng trong điều kiện cắt rốn không vô trùng thì cần phải tiêm phòng SAT 1000-1500 UI.

Khi mang thai, phụ nữ nên đến cơ sở y tế để tiêm chủng vắc xin phòng uốn ván cho cả mẹ và con. (Ảnh: Đình Thi)

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong những năm cuối của thể kỷ 20, mỗi năm có khoảng 500.000 trẻ tử vong vì uốn ván sơ sinh ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ tử vong/mắc của uốn ván sơ sinh rất cao, có thể tới trên 80%, nhất là ở trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn.

Ở Việt Nam, bệnh uốn ván xuất hiện ở khắp các tỉnh trong cả nước. Chương trình loại trừ uốn ván sơ sinh được triển khai từ năm 1992. Trong giai đoạn 1996 - 2000, tỷ lệ mắc uốn ván sơ sinh trung bình năm của cả nước là 0,13/1.000 trẻ đẻ sống.

Tuy nhiên, uốn ván vẫn là một bệnh rất nguy hiểm nếu trẻ sơ sinh không được dự phòng bằng vắc xin. Do đó, các bậc cha mẹ không nên chủ quan mà cần nâng cao kiến thức, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh để trẻ sinh ra an toàn và phát triển khỏe mạnh.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, tất cả các lứa tuổi đều có thể mắc uốn ván, mặc dù tỷ suất không cao nhưng khi mắc bệnh thì không có biện pháp cứu chữa, khả năng tử vong rất cao. Tiêm vắc xin phòng uốn ván là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Năm 2005, nước ta đã chính thức được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận đạt mục tiêu loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trên quy mô toàn quốc. Đây là thành quả đáng ghi nhận. Việc duy trì thành quả là rất quan trọng, đòi hỏi sự thống nhất và chung tay của cả cộng đồng./.

M.K

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực