Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
|
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) phát biểu (Ảnh: QH) |
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) dành sự quan tâm đến lĩnh vực y tế.
Theo đại biểu, báo cáo của Chính phủ tuy có đề cập nhưng còn rất sơ sài, đặc biệt đối với những vấn đề đã được đề cập từ các kỳ họp trước. Đại biểu đề nghị Chính phủ có những bổ sung về tình hình cung ứng thuốc, vật tư y tế đã được nỗ lực giải quyết như thế nào, cũng như danh mục thuốc bảo hiểm y tế.
Đại biểu chỉ rõ, ngoài việc thuốc và vật tư y tế có thời gian đã không được cung ứng đủ cho bệnh nhân thì việc cập nhật danh mục thuốc để cho bệnh nhân có thể kịp thời sử dụng những thành quả mới nhất của nhân loại cũng rất chậm nếu so với các nước.
Đại biểu ví dụ từ một số nước như: Nhật chỉ mất khoảng 3 tháng, Pháp 15 tháng, Hàn Quốc 18 tháng, nhưng chúng ta mất trung bình từ 2 tới 4 năm để cho 1 loại thuốc mới có thể được vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế. Như vậy, mất quyền lợi của người dân hưởng bảo hiểm y tế.
|
Toàn cảnh phiên thảo luận hội trường chiều 31/10 |
Vấn đề khác được đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chỉ ra là trước đây và bây giờ vẫn còn xảy ra lác đác tình trạng bệnh nhân phải tự mua thuốc. Đại biểu đặt câu hỏi, bảo hiểm y tế có trách nhiệm gì trong việc chi trả tiền người dân phải tự bỏ ra để mua thuốc này?. Vì đây là quyền lợi của người dân và không cung ứng được là lỗi của chúng ta.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung tình hình chính sách dự trữ quốc gia về các thuốc hiếm để giải quyết một số những bệnh đặc biệt, một số trường hợp đặc biệt; việc thiếu vaccine cho tiêm chủng mở rộng vẫn là một nguy cơ, hiện nay ở tại một số địa phương cũng vẫn chưa đầy đủ được trong vấn đề này.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có những bổ sung thêm về chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế có gì khác chưa? để có thể thể hiện một cách đúng nhất việc quan tâm tới ngành y tế, cũng là quan tâm tới an sinh xã hội, tới sức khỏe, tới quyền lợi, tới tính mạng của bệnh nhân.
Theo đại biểu, hiện nay các khó khăn không phải chỉ từ yếu tố khách quan, không phải chỉ từ chuyện thiếu tiền hay thiếu nhân lực mà đôi khi còn là do các quy định, các thủ tục quá phức tạp, “đá nhau” và chậm sửa đổi.
“Mặc dù ngành y tế đã hết sức nỗ lực và cũng đã có một số cải thiện trong những lĩnh vực nhưng rất mong Chính phủ có bổ sung trong báo cáo để có thể phân tích rõ ràng, có thể phát huy những gì cần làm và giải quyết những tình trạng này tận gốc rễ” – đại biểu đề nghị.