Thứ tư, 01/11/2023 13:00 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân thể hiện trách nhiệm đối với người vợ, người chồng.
Phát biểu tại phiên thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Quốc hội mới đây, đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn TP Hồ Chí Minh) phản ánh tâm tư của cử tri ngành Y tế, đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo giải quyết đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch COVID-19 trong lĩnh vực y tế.
|
Đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn TP Hồ Chí Minh). Ảnh: QH |
Đặc biệt, đại biểu nêu sự cần thiết và tầm quan trọng lớn của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, đó là tìm ra được những bệnh lý truyền nhiễm, những bệnh lý như viêm gan B, viêm gan C, giang mai... đặc biệt là các bệnh lý di truyền và các bệnh tim. Khám sức khỏe tiền hôn nhân là trách nhiệm với người vợ hoặc người chồng và trách nhiệm với thế hệ sau. Vì trong thực hành lâm sàng các bác sĩ đã từng chứng kiến những trường hợp tới khi đi sinh người phụ nữ mới biết được rằng mình đang bị hẹp van tim nặng hoặc suy tim nặng, suy thận nặng. Khi sinh mới xảy ra trường hợp suy tim cấp và các bác sĩ rất đau xót khi phải quyết định cứu mẹ hay cứu con.
"Tất cả những vấn đề này chúng ta hoàn toàn có thể tránh được nếu khám sức khỏe tiền hôn nhân" - đại biểu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đại biểu cho biết: Theo quy định của Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và khoản 2 Điều 18 của Nghị định 123 năm 2015 của Chính phủ không có quy định bắt buộc phải khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi kết hôn. Còn hôn nhân với người nước ngoài thì đây là quy định bắt buộc và khám rất sâu về chuyên khoa trước hôn nhân.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn.
Cùng với việc thực hiện quy định này, đại biểu đề xuất có những chính sách hỗ trợ cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào nghèo, dân tộc thiểu số được khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Bên cạnh đó, trước tình trạng người dân mắc bệnh ung thư gia tăng, nhưng số máy xạ trị mới đáp ứng 60%, đặc biệt Việt Nam chưa có máy xạ trị proton, giúp giảm tối thiểu tổn thương mô lành xunh quanh. Vì vậy, đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư 2 trung tâm điều trị xạ trị bằng proton ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân./.
TN