|
Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/10 (Ảnh: QH) |
Sáng 16/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, gồm: đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Nền kinh tế vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội.
Một trong những điểm nổi bật được Chính phủ đánh giá là thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Tập trung xử lý, cơ bản khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế đạt trên 90%.
Tuy nhiên, Chính phủ nhìn nhận, vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa được khắc phục triệt để.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra ở hầu hết các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Đồng thời đề nghị giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế; nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá, về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành y tế cơ bản đã thực hiện vượt kế hoạch 2/3 chỉ tiêu được giao theo Nghị quyết số 68 của Quốc hội. Đó là tỷ lệ số bác sĩ trên 1 vạn dân và số giường bệnh trên 1 vạn dân. Riêng chỉ tiêu tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế để đạt mục tiêu 93,2% theo Nghị quyết số 68 cũng là một thách thức khá lớn về tính bền vững, chúng ta đạt nhưng tính bền vững còn chưa cao.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp (Ảnh: QH) |
Cũng theo Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh, dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt và chủ động phòng, chống các dịch bệnh theo mùa, dịch bệnh mới nổi như dịch sốt xuất huyết. Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế tăng từ 82% năm 2021 lên 90% năm 2022 và ước thực hiện năm 2023 là 90%, vượt chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 16 về kế hoạch 5 năm là trên 80% vào năm 2025.
Trong năm 2023, Chính phủ đã chủ động đưa ra các giải pháp hoặc trình Quốc hội ban hành các văn bản nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập trong thanh quyết toán các khoản hỗ trợ chi phí điều trị COVID-19. Đồng thời đã có nhiều giải pháp để giữ chân cán bộ y tế.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thúy Anh cũng còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đó là tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đầy đủ cho trẻ em cũng còn thấp và việc lạm dụng trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế, kể cả phía người bệnh, ở cơ sở khám chữa bệnh vẫn chưa được kiểm soát toàn diện, đầy đủ. Một số việc thanh toán, quyết toán bảo hiểm y tế cũng chưa giải quyết triệt để.
"Mặc dù Quốc hội, Chính phủ có những văn bản chỉ đạo, năm 2023 vẫn tiếp tục ghi nhận tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra ở hầu hết các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" - Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết./.